1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Lâm Đồng:

Người phụ nữ khuyết tật và những sáng tạo bất tận từ cánh bướm

(Dân trí) - Tuy đôi chân không lành lặn như bao người khác nhưng với đôi tay khéo léo cùng sự sáng tạo và nghị lực, chị Vũ Thị Nguyệt Ánh (36 tuổi, ngụ xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đông) đã thổi hồn vào những bức tranh bướm mê hoặc lòng người.

Sinh ra và lớn lên tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), năm lên 4 tuổi, sau một trận bạo bệnh, đôi chân của chị Nguyệt Ánh cứ teo dần khiến chị không thể đi lại bình thường như mọi người. Song lớn lên chị vẫn cố gắng đi trên đôi nạng gỗ để đến trường.

Từ tình yêu thương của cha mẹ và nghị lực của bản thân, chị Nguyệt Ánh đã quên đi nỗi đau tật nguyền để chú tâm đầu tư cho việc học hành và tập đi lại bằng chính đôi chân của mình.

Chị Nguyệt Ánh tâm sự: Sau khi tốt nghiệp THPT, chị tiếp tục vào học tại Trường Trung cấp Nghề Bảo Lộc (Lâm Đồng), chuyên ngành chăn nuôi thú y. Trong quá trình học tại trường, chị được tiếp cận với nhiều màu sắc độc đáo của loài bướm và đem lòng yêu chúng lúc nào không hay.

Vừa tốt nghiệp Trung cấp vào năm 2000, chị Nguyệt Ánh đã chọn cách kết hợp nghề thêu tranh thủ công và sưu tầm các loại bướm đưa vào tranh để tạo ra những sản phẩm độc đáo.

Cùng với việc sưu tầm các loại bướm trong tự nhiên, chị còn thuyết phục gia đình xây dựng cho mình một nhà nuôi bướm để chủ động nguồn nguyên liệu làm tranh.

 

Chị Ánh đang hoàn thành tác phẩm mới của mình
Chị Ánh đang hoàn thành tác phẩm mới của mình

Từ đây, những bức tranh bướm được cô gái khuyết tật này hoàn thành, tạo được sự chú ý và yêu thích của nhiều người. Để rồi “tiếng lành đồn xa”, cứ thế công việc của chị ngày một phát triển, được nhiều người yêu nghệ thuật trong và ngoài TP Bảo Lộc biết đến.

Một năm sau, được sự giúp đỡ của gia đình về vốn, Nguyệt Ánh đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tranh bướm.

“Những cánh bướm nhiều màu sắc đã cho tôi sự sáng tạo vô tận. Đến nay, tôi đã sưu tầm được hơn 50 loại bướm và đó là những gam màu kỳ diệu nhất mà thiên nhiên đã ban tặng cho tôi. Chính chất liệu đặc biệt này là cơ sở để giúp tôi tạo nên những bức tranh sinh động và giúp tôi vượt lên chính bản thân mình”, chị Nguyệt Ánh chia sẻ.

Trải qua hơn 14 năm khởi nghiệp, đến nay, cơ sở Tranh bướm của chị Nguyệt Ánh đã cho ra đời hàng ngàn bức tranh các loại. Tuy mộc mạc nhưng tranh của chị toát lên nét độc đáo của tự nhiên. Từ những cánh bướm, chị đã kết thành những bức tranh đầy màu sắc và thổi hồn vào đó một cuộc sống gần gũi, bình dị.

 

Những tác phẩm tranh bướm của chị Ánh
Những tác phẩm tranh bướm của chị Ánh

Hiện nay, tranh bướm của chị được bán tại các thị trường trong nước như Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hà Nội… Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đã liên kết để đưa các đoàn du khách nước ngoài, đặc biệt là khách Nga đến tham quan, tìm hiểu về nghệ thuật làm tranh bướm của chị.

Chị Nguyệt Ánh bộc bạch: “Để tạo ra một bức tranh bướm hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn như chọn các loại bướm, ướp xác bướm, sấy khô, vẽ mẫu, lên khuôn... Sau đó, tùy vào ý tưởng và nội dung của từng bức tranh mà ta cần phải chọn những gam màu của cánh bướm cho phù hợp rồi kết chúng lại với nhau.

Có bức chỉ một con bướm, nhưng có bức lại có đến hàng chục và thậm chí lên đến cả vài trăm con bướm. Thường thì tranh bướm được tôi phối màu từ đậm qua nhạt. Mỗi bức tranh là một sự kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên và nghệ thuật, giữa con người và thời gian, giữa dự định và tương lai”.

Nhờ sự cần cù chịu khó, cơ sở ngày tranh bướm của chị ngày một phát triển. Hiện, chị Nguyệt Ánh đang nhận dạy nghề và tạo công ăn việc làm ổn định cho 8 lao động tại địa phương, với mức lương ổn định.

Để có được thành công như ngày hôm nay, chị Nguyệt Ánh phải trải qua nhiều chông gai, thử thách và nghị lực phấn đấu không mệt mỏi của bản thân. Qua đó, chị đã được Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen.

Đặc biệt, thông qua Chương trình “Sống cho điều ý nghĩa hơn”, chị Nguyệt Ánh đã được Đài truyền hình Việt Nam tặng cúp lưu niệm. Tranh bướm của chị cũng đã đạt nhiều giải cao tại các cuộc triển lãm tranh ở Festival hoa Đà Lạt và Festival Huế cùng nhiều giấy bằng khen, giấy khen khác của các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Vinh dự hơn, năm 2010, tác phẩm tranh bướm “Chuyện Tình Đà Lạt” của chị được tuyển chọn để sản xuất hàng mẫu lưu niệm và quà tặng du lịch đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng.

Ngọc Hà