Người phụ nữ không “nhượng bộ” luật tục lạc hậu
(Dân trí) - Từ nhiều đời nay, dân tộc Bru - Vân Kiều có luật tục “nối dây”. Tức là người phụ nữ khi đã có chồng, không may chồng chết trước thì phải tiếp tục làm vợ của anh hoặc em trai chồng, cho dù người đó đã già hay đã có vợ con,...
Đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều quan niệm, luật tục “nối dây” sẽ tiếp tục chắp nối cuộc hôn nhân của người phụ nữ với nhà chồng. Nếu ai không tuân theo phải chịu phạt rất nặng hoặc phải trở về nhà bố mẹ đẻ với hai bàn tay trắng, không được mang theo của cải cũng như con cái.
Người tiên phong xoá bỏ tục “nối dây”
Từ bao đời nay, luật tục ấy rất nghiêm ngặt, buộc tất cả mọi người Vân Kiều phải tuân theo. Thế nhưng, có một người phụ nữ Vân Kiều đã mạnh dạn đứng lên phá bỏ luật tục ấy thành công, giúp cộng đồng dân tộc ở bản Bến Đường xây dựng gia đình theo nếp sống mới. Bà là Hồ Thị Con (53 tuổi) ở bản Bến Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Căn nhà sàn nằm bên đường Hồ Chí Minh của bà Con ở bản Bến Đường, xã Trường Sơn không khang trang nhưng khá rộng rãi. Thấy chúng tôi đến, bà Con đon đả ra tận ngõ chào. Rót ly nước mời khách, bà Con bắt đầu câu chuyện: Năm 1974, cô gái Hồ Thị Con kết hôn với anh Hồ Văn Cu, người ở cùng bản. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng vui vẻ, hạnh phúc. Hai người có với nhau 6 đứa con ngoan hiền. Thế nhưng, bất hạnh bỗng ập đến khi năm 2001, chồng bà mắc bệnh nặng và qua đời, khiến bà trở thành góa phụ ở tuổi 43. Tròn 1 năm sau, theo phong tục của dân tộc Vân Kiều, bên nhà chồng cử người sang đánh tiếng đưa bà Con về làm vợ hai của anh Hồ Văn Thục (SN 1966). Anh Thục là em trai của ông Cu.
Hết bố chồng lại đến em chồng sang giục về làm vợ Thục, nhiều lúc bà Con cảm thấy đơn độc trước áp lực của gia đình nhà chồng và dân bản. Trong lúc khó khăn như thế, tình yêu với con cái và tổ ấm của mình cũng như chức trách, nhiệm vụ đã cho bà Con sức mạnh để tìm mọi cách chặt đứt luật tục “nối dây”.
Hơn nữa, lúc này bà Con đang là Chủ tịch UBMTTQ xã. Trên địa bàn xã Trường Sơn, ngoài đồng bào Vân Kiều còn có đồng bào Kinh sinh sống. Đồng bào Kinh không có tập tục “nối dây” mà thực hiện nếp sống mới, gia đình sống yên vui, hòa thuận xen cạnh đồng bào Vân Kiều. Điều đó khiến bà Con suy nghĩ: “Mình làm công tác dân vận mà tự mình không bỏ được cái tục “nối dây” thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Lấy em chồng là không đúng, chú ấy lại còn có vợ, mình sẽ làm vợ hai, mà lấy rồi lại phải sinh con, như vậy là mắc nhiều lỗi vi phạm luật hôn nhân. Khi đi tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch ai nghe mình?”. Từ những suy nghĩ tiến bộ và đúng đắn đó đã tiếp thêm sức mạnh cho bà Con phá bỏ tục “nối dây”.
Dẫu dân bản đe doạ những lời nguyền ma núi, gia đình chồng thúc ép nhưng bà Con vẫn quyết không nghe theo. Bà Con tin quyết định của mình là đúng với lương tâm, đúng với pháp luật. Bà kể lại: “Con xin ra khỏi họ (chồng) để ở vậy nuôi con, thờ chồng”. Thấy con dâu nói vậy, bố chồng đã khóc: “Bố mất một đứa con rồi mà còn mất thêm 10 đứa cháu (lúc này bà Con đã có hai con dâu, hai cháu nội và sáu đứa con) nữa thì buồn lắm, con ra khỏi họ đừng lấy người khác kẻo bố mất hết các cháu...”. Còn Hồ Thục thì bảo: “Chị hãy sống vậy nuôi các con, vẫn xem chị là người trong họ hàng”.
Thoát khỏi luật tục “nối dây”, bên nhà chồng bắt bà Con chịu một con lợn 25kg làm đám ra họ, bà Con đồng ý nhưng yêu cầu nhà chồng phải chia tài sản theo pháp luật. Lúc đầu gia đình chồng không chịu nhưng bằng những lý lẽ đúng đắn, bà Con đã thuyết phục được gia đình nhà chồng. Và càng vui mừng hơn là tình cảm giữa bà và gia đình chồng vẫn được giữ vẹn nguyên, bà vẫn chăm sóc bố chồng mỗi khi ông ốm đau, bố chồng vẫn xem bà như con cái trong gia đình.
Tấm gương cho cả bản noi theo
Từ khi ra khỏi dòng họ Hồ Văn, mẹ con, bà cháu bà Con vẫn thường xuyên qua lại bên nội nên vẫn giữ được tình cảm thân thiết, gắn bó. Tất cả các con đều được bà Con nuôi nấng khỏe mạnh và được học hành đầy đủ. Dân bản thì cứ thấp thỏm lo cái ngày mẹ con bà Con bị con ma rừng giận dữ làm cho ốm đau. Thế nhưng, ngày tháng trôi qua mà chẳng có ai bị làm sao cả.
Thấy bà Con không “nối dây” mà họ Hồ Văn không có ai đau ốm nên bà con dân bản bảo nhau: “Chị Con nói đúng rồi, nối cái dây như cũ là không tốt. Cứ đi làm vợ của anh hay em chồng mình là không được, lại phải đẻ thêm con mà nuôi, khổ cái thân, phải học cái tốt thôi”.
Hành động của bà Con đã làm thức tỉnh bà con thôn bản dân tộc Vân Kiều nơi đây, họ dần thấy được mặt hạn chế của tục “nối dây” và nhận thức được cái tiến bộ, cái đúng đắn cần phải học tập ở người Kinh.
Theo gương chị Con, chị Hồ Thị Hoà ở bản Trung Sơn cũng đã cương quyết không theo tục “nối dây” nữa. Chồng chị Hoà mất năm chị 40 tuổi, cái tuổi ấy chị vẫn có thể đẻ thêm nhiều con cho chồng mới, nhưng chị đã quyết ở vậy nuôi con khôn lớn. Chị Hồ Thị Núi tâm sự: “Nếu mình lấy chồng mới thì phải sinh thêm con, mà mình có bảy đứa con rồi, nhiều quá rồi. Mình theo chị Con thôi”. Nay cả bảy đứa con của chị Núi đều đã khôn lớn, đã có thể tự lập nghiệp nuôi thân. Tiếp đến là chị Ngọc, chị Hờ, chị Mư, và nhiều phụ nữ khác trong xã nữa đã học theo tấm gương của bà Hồ Thị Con, phá bỏ tục “nối dây” để xây dựng gia đình theo nếp sống mới.
“Không có bà Con thì không biết luật tục “nối dây” ở dân tộc Bru – Vân Kiều đến bao mới được xoá bỏ. Không chỉ là người xoá bỏ luật tục “nối dây”, bà Con còn là một cán bộ tốt của bà con thôn bản. Bà xứng đáng là tấm gương tốt cho dân bản noi theo”, Trưởng bản Bến Đường Hồ Văn Đoàn. |
Đến nay, cả xã Trường Sơn có trên 20 phụ nữ chồng mất mà không theo luật tục “nối dây”. Hầu như con cái của các chị cũng hiểu tấm lòng của mẹ nên đều chịu khó học tập, lao động giúp đỡ mẹ. Điều đáng nói là không chị nào tỏ ý hối hận khi chặt đứt tục nối dây lạc hậu của người Vân Kiều.
Để chứng minh cho dân bản, cho dòng họ Hồ Văn, việc phá bỏ luật tục “nối dây” không làm cho con ma núi nổi giận, bà Con cùng các con đã cố gắng thật nhiều trong phát triển kinh tế. Nay nhà bà đã có đàn trâu gần 10 con, 4 ha rừng, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá. Không những thế, từ nhỏ chứng kiến cảnh đồng bào Vân Kiều du canh, du cư nay đây mai đó, tập tục phát, cốt, đốt trỉa đã truyền bao đời nay mà nghèo đói vẫn bám chặt lấy đồng bào; bà Con đã quyết tâm phải có hành động thực tế góp phần nhỏ trong công tác bảo vệ rừng. Ngoài việc vận động bà con thôn bản, bà còn vận động con, cháu trong dòng họ mình vay vốn, nhận đất trồng rừng, không khai thác lâm thổ sản trái phép, chuyển hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, lập vườn đồi trồng cây ăn quả, mở rộng các mô hình dịch vụ đa dạng có thu nhập cao.
Từ việc làm thiết thực và có hiệu quả của gia đình, con, cháu, anh em họ hàng, bà Con càng thêm vững tin, tích cực đến từng thôn bản, từng nhà trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện. Mưa dầm thấm lâu, đến nay, đại bộ phận nhân dân, trong đó có đồng bào Vân Kiều đã chấp hành tốt công tác bảo vệ rừng và trồng mới hàng trăm ha rừng, mang lại màu xanh cho những cánh rừng đã từng bị trơ trọc do bàn tay con người tàn phá những năm qua.
Đặng Tài