1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người phụ nữ không chồng và 2 đứa trẻ bị bỏ rơi

(Dân trí) - Chị chưa từng lấy chồng, cũng chưa từng mang nặng đẻ đau nhưng lúc nào cũng tất bật với 2 đứa con nhỏ. Hai đứa trẻ bé bỏng ấy suýt nữa không thể tồn tại trên đời nếu không có lòng bao dung và sự chở che, chăm bẵm của “mẹ Thủy”.

Người phụ nữ làm chỗ dựa cho những cô gái lỡ làng và trẻ bị bỏ rơi

Khi chúng tôi đến thăm, chị Thủy đang ngồi bóc vỏ ngô. Bé An và Thu cầm ngô đùa nghịch, cười răng rắc với nhau. Thỉnh thoảng, đứa nào đó ‘dính” đạn ngô, lập tức chạy lại mách mẹ Thủy rồi 3 mẹ con ôm nhau cười xòa. Nếu không có người nói trước, khó mà biết rằng, hai đứa trẻ kia hoàn toàn không có quan hệ máu mủ ruột rà với chị Thủy.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái.
Người phụ nữ giàu lòng nhân ái.

Nhà có 5 anh chị em, các anh chị và em gái lần lượt lập gia đình, chỉ còn mỗi mình chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1977, xóm 7, xã Thạch Sơn, Anh Sơn, Nghệ An). Chăm mẹ ốm rồi đến cha đau, đến khi ngoảnh lại thì ngoài 30 tuổi, chị Thủy quyết định ở vậy. Ông Nguyễn Văn Chế (cha chị Thủy) riêng cho cô con gái lỡ thì một căn nhà nhỏ ngay kế bên. Hằng ngày chị Thủy trồng lúa, chăm con gà, con lợn, kinh tế cũng ổn. Quyết định ở vậy chăm sóc cha mẹ nhưng đêm về, thui thủi một mình trên giường, chị cũng không khỏi chạnh lòng ước ao, giá có đứa con mà ôm ấp, chăm bẵm.

Năm 2011, một người bà con trong họ ốm phải nhập viện điều trị, chị Thủy vào thăm. “Có một cô gái trẻ hỏi tôi chỗ phá thai. Nhìn con bé mặt còn dại lắm, chắc cũng 15-16 tuổi thôi. Tôi hỏi thì nó kể, quê ở huyện bên, vì lỡ có bầu nên bỏ học, nói dối cha mẹ sang đây đi làm công nhân. Một mình nó, công việc chưa ổn định nên không dám sinh con”, chị Thủy kể.

Dù không mang nặng đẻ đau nhưng chị Thủy luôn dành cho các con tình yêu thương vô bờ bến.
Dù không mang nặng đẻ đau nhưng chị Thủy luôn dành cho các con tình yêu thương vô bờ bến.

Sau khi nghe ngọn ngành câu chuyện, chị Thủy lựa lời khuyên em gái nghĩ lại, đứa bé trong bụng nào có tội tình gì. “Em không có chỗ nào để đi thì về nhà chị, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Chị không giàu có gì nhưng sẽ giúp mẹ con em, em đừng ngại”.

Từ ngày T. (tên con bé) về, chị Thủy có thêm người bầu bạn nhưng công việc không tên cũng nhiều hơn trước. “Thấy nó dắt con bé bụng lùm lùm về tôi cũng lo lắm, lo thiên hạ dị nghị một phần nhưng lo con mình chưa có kinh nghiệm chăm sóc bà bầu, rồi sinh nở sau này, nhỡ có chuyện gì thì gánh vác không nổi”, ông Chế nhớ lại.

Ngày T. sắp đến kỳ ở cữ, chị Thủy nhẹ nhàng khuyên T. nên báo với gia đình bởi chưa làm mẹ nhưng chị hiểu cuộc vượt cạn, nhất là đối với đứa trẻ mới lớn như T. sẽ không dễ dàng gì. Hay tin, bố mẹ T. lập tức tìm đến, thấy con gái bụng chửa vượt mặt thì hiểu mọi chuyện, cũng không nỡ trách mắng con.

Sau những ngày nông nhàn, chị Thủy đi nhặt ve chai bán thêm tiền nuôi con.
Sau những ngày nông nhàn, chị Thủy đi nhặt ve chai bán thêm tiền nuôi con.

Mẹ T. nắm lấy tay chị Thủy mà khóc rồi xin phép đón T. về nhà để tiện chăm sóc. Ngày T. trở dạ, nhận được tin báo, chị Thủy lập tức khăn gói đến bệnh viện. “Đứng ngoài phòng sinh, nghe con bé la hét, kêu khóc tôi thương quá. Nghe tiếng trẻ khóc chào đời, tôi mừng rơi nước mắt, cứ như thế đó là con tôi đứt ruột đẻ ra”, chị Thủy tâm sự. Sau khi hạ sinh mẹ tròn con vuông, T. được bố mẹ đón về chăm sóc, còn chị Thủy, vò võ trong nhà lại thấy hụt hẫng, trống trải vô cùng.

Chị Thủy tâm sự: “Dường như tôi có duyên với những cô gái trót mang bầu hay sao ấy. Giữa năm 2012, cũng một lần đến thăm người thân nằm viện, tôi gặp H., hơn 20 tuổi, quê ở huyện miền núi, đang học nghề ở dưới Tp Vinh. H. đang mang bầu ở tháng thứ 5 và có ý định bỏ con. Đứa bé đã lớn, đã biết quẫy đạp trong bụng mẹ, tôi hiểu H. đã đến bước đường cùng mới phải chọn đến cách này. Tôi động viên, bảo H. về nhà ở, tôi sẽ chăm sóc cho hai mẹ con đến ngày sinh nở, H. đồng ý”.

Khi H. sắp đến ngày sinh thì một cặp vợ chồng trong làng đi đánh cá, vớt được hộp xốp có đứa trẻ ở trong, thấy đứa trẻ vẫn khỏe mạnh nên mang đến cho chị Thủy. Chị Thủy đặt tên con bé là Hoài Thu, lấy theo họ của mình. Ít ngày sau thì H. cũng lâm bồn, sinh một cậu con trai. Sữa của H. không đủ nuôi cả 2 đứa trẻ, hàng xóm làng giềng góp người dăm chục, người hộp sữa, người bộ quần áo để chị Thủy cùng H. nuôi con.

Khi thằng bé được 1 tháng thì H. xin phép để lại cho chị Thủy để đi làm công nhân. Thằng bé được khai sinh với cái tên Nguyễn Trần An, ghép cả họ chị Thủy lẫn họ của mẹ đẻ. “Sau đó thì H. cũng quay lại thăm nuôi con. Đợt lấy chồng, cả hai vợ chồng cũng về thăm thằng bé, đó là lần cuối cùng H. gặp con”, chị Thủy tâm sự.

Nhiều người khuyên chị nên cho bớt đi một đứa trẻ để đỡ vất vả nhưng với chị Thủy các con đã là một phần cuộc sống không thể tách rời.
Nhiều người khuyên chị nên cho bớt đi một đứa trẻ để đỡ vất vả nhưng với chị Thủy các con đã là một phần cuộc sống không thể tách rời.

Cũng trong năm 2013, trên đường đi từ thị trấn về, chị Thủy nghe tiếng khóc yếu ớt phát ra từ vệ đường. Lại gần thì phát hiện một đứa trẻ đỏ hỏn, quấn trong lớp ni lông, mặt tím tái vì lạnh. Bế đứa trẻ về nhà, bà con xóm làng xúm vào, thay cho cháu bộ quần áo mới, pha bình sữa cho cháu ăn nhưng cháu bé chỉ sống với chị được vài tiếng rồi đi… Dẫu không gắn bó được lâu nhưng sự ra đi của đứa trẻ để lại trong lòng chị một lỗ hổng lớn, một nỗi buồn thương về thân phận con người.

Một người phụ nữ chưa một lần sinh nở nhưng 1 nách 2 đứa con nhỏ thật không thể nói hết những những khó khăn, vất vả nhưng chị Thủy cũng được sự hỗ trợ nhiều từ gia đình và hàng xóm láng giềng. Hai đứa nhỏ dường như cũng biết phận mình, biết thương mẹ Thủy nên trừ những lúc lên cơn sốt còn lại chẳng quấy khóc, cứ ăn no rồi nằm ngủ.

Niềm hạnh phúc đơn sơ của mẹ con chị Thủy.
Niềm hạnh phúc đơn sơ của mẹ con chị Thủy.

Hai đứa trẻ ăn sữa ngoài, dù hàng xóm láng giềng có thương, cho tiền mua sữa, mua cháo nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Chị Thủy gửi con cho người cô ruột đã gần 70 trông coi, còn mình thì đi nhặt ve chai, bán kiếm tiền lo cho con. “Thấy tôi vất vả quá, có người bảo hay là cho bớt một đứa đi nhưng cho sao được. Tôi không mang nặng đẻ đau nhưng chăm bẵm các con từ khi còn đỏ hỏn, các con trở thành một phần cuộc sống của tôi, làm sao mà dứt ra mà cho người khác được. 3 mẹ con có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, chị Thủy tâm sự.

Nói về mẹ con chị Thủy, bà Nguyễn Thị Thúy – Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Sơn cho biết: “Việc làm của chị Thủy rất đáng trân trọng. Trước đây chị Thủy đã có thời gian cưu mang những người phụ nữ trẻ mang bầu, chăm sóc họ cho đến khi sinh nở. Hiện giờ chị Thủy đang nuôi 2 cháu nhỏ, trong đó có 1 cháu bị bỏ rơi. 2 cháu con chị Thủy chỉ có 1 bé được hưởng chế độ trợ cấp xã hội dành cho trẻ bị bỏ rơi, mỗi tháng 360 nghìn đồng. Các chị em phụ nữ ở cụm dân cư cũng qua lại, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ chị Thủy trong việc chăm sóc các cháu”.

Hoàng Lam