1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người phụ nữ hai lần bị bán nơi đất khách

Vất vả bên cạnh người mẹ già, vì muốn nhanh chóng thoát cảnh nghèo, chị đã tin lời một người hàng xóm để rồi bị lừa bán sang Trung Quốc, làm “máy sinh con” cho người đàn ông, bị đuổi đi rồi lại bị bán lần nữa. Mừng thay, ở lần thứ hai này, chị đã tìm được hạnh phúc.

Sau khi đã sinh con cho người đàn ông đầu tiên, chị chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (Định Trung 3, xã An Định, huyện Tuy An, Phú Yên) bị ruồng rẫy, đánh đập và bị đuổi.

 

Tứ cố vô thân, chị lại tiếp tục tìm đến kẻ đã bán mình lần trước để nương nhờ, nhưng sau đó bị người này bán cho một người khác. Giờ đây, chị đã may mắn về đến đất mẹ và lên tiếng tố cáo những kẻ đã bán mình.

 

Địa ngục trần gian

 

Hằng sinh năm 1976 trong một gia đình nghèo có bốn anh chị em. Năm 1993, bố Hằng mất, cuộc sống càng khó khăn hơn, Hằng phải nghỉ học khi vừa học hết lớp 7, ở nhà đan thúng, rổ, giúp mẹ già kiếm tiền sinh sống.

 

Hằng kể: “Cách đây chừng hai năm, Đoàn Thị Bích - người cùng thôn và là bạn rất thân từ nhỏ sang nhà tôi rủ đến nhà cô ta chơi vì có chị Đoàn Thị Đem ở Trung Quốc mới về. Tại đó, tôi gặp chị Đem cùng một phụ nữ tên Vân và một người khác tôi không biết tên, chỉ nghe chị ta nói giọng Bắc. Qua trò chuyện, chị Đem rủ tôi sang Trung Quốc làm ăn vì bên đó rất dễ kiếm tiền. Viễn cảnh chị Đem vẽ ra thật sáng sủa. Đêm về, tôi cứ suy nghĩ mãi, nhưng ở nhà còn có mẹ già đang trông chờ nên tôi lưỡng lự.

 

Sáng hôm sau, Bích lại rủ tôi đến nhà chị ta nấu nướng đãi tiệc tiễn chị Đem và những người bạn của chị trở lại Trung Quốc. Tôi cùng mẹ và con gái là Nguyễn Thị Bích Phượng (9 tuổi) sang nhà Bích chơi. Sau bữa tiệc, chị ruột tôi là Nguyễn Thị Hồng chở tôi đi cùng Đem, Bích, Vân và người phụ nữ nói giọng Bắc xuống đầu cầu An Dân (thuộc xã An Dân, huyện Tuy An) để đón xe đò ra Bắc. Chúng tôi đến Bắc Ninh, sau đó đón xe đò đi tiếp lên Móng Cái.

 

Đến đây, chị Đem thuê thuyền vượt sông sang Trung Quốc nên không bị ai kiểm soát giấy tờ gì. Sau hai ngày đêm, chúng tôi đón ôtô đi thẳng đến nhà chị Đem ở A Khục, huyện Kiết Xây, tỉnh Quảng Đông. Đó là chuyến đầu tiên tôi rời quê hương mà không biết phía trước đầy trắc trở và những mưu toan của Đem”.

 

Sang đến đất Trung Quốc, mọi suy nghĩ trong Hằng về cuộc sống xa hoa đã biến mất, thay vào đó là sự hoang mang tột đỉnh. Cô nói trong nỗi uất hận: “Mọi người đi hết, chỉ còn tôi và con gái tôi ở lại nhà chị Đem. Sống ở đây chừng tám ngày, chị Đem dẫn một người đàn ông Trung Quốc tên Thâu Vó Kén (41 tuổi) đến nói rằng chị ta gả tôi cho hắn.

 

Tôi không đồng ý, nhưng chị Đem bảo “mày không biết tiếng Trung Quốc nên chưa đi làm được, phải lấy chồng để học tiếng, sau đó mới đi làm”. Nghe lời giải thích có lý đó, tôi đành chấp nhận lấy tên Kén làm chồng mà không hề yêu thương. Tôi cùng con gái về nhà Kén ở Tiền Su Ban, Kiết Khoai, Quảng Đông sống. Kén bảo hắn đã mua tôi với giá 4.500 nhân dân tệ (NDT). Sống với hắn một thời gian, tôi sinh được một cậu con trai. Sau đó tôi bị tên Kén đuổi ra khỏi nhà, trong người không có xu nào”.

  

Cuộc sống của Hằng tại nhà tên Kén chẳng khác nào địa ngục. Cô thường xuyên bị hắn đánh đập, đối xử như người hầu kẻ ở. Khi sinh con, hắn càng trở mặt, hành hạ dữ dội hơn. “Kể từ ngày về sống chung, Kén xem tôi như người ở, giống như một cái “máy sinh con”. Không chỉ thế, tôi phải làm việc quần quật suốt ngày, còn phải hầu hạ gã nhưng vẫn bị đánh đập. Tôi sống chung với Kén chừng 14 tháng, nhưng đó là khoảng thời gian sống trong địa ngục.

 

Có lần, Kén đóng kín cửa ép tôi uống thuốc độc nhưng tôi không uống, chống trả quyết liệt và bị đánh tới tấp. May mà có các cô gái Việt Nam cùng cảnh ngộ như tôi (những phụ nữ bị bọn buôn người dụ sang Trung Quốc bán làm vợ - P.V) thương tình gọi điện nhờ Cảnh sát Trung Quốc đến giải cứu kịp thời nên tôi sống đến ngày hôm nay.

 

Trong cái rủi có cái may

 

Cũng từ đó tôi cùng con gái bỏ đi, đến nhà Đem nương nhờ. Tôi ở đó được 20 ngày thì Đem dẫn tôi đến nhà một người đàn ông Trung Quốc tên Liềm Han Lăng (45 tuổi) bán với giá 4.500 NDT và hứa sẽ gởi số tiền này về cho gia đình tôi, nhưng sau này tôi mới biết mình đã bị lừa. Trong cuộc mua bán đó ông Lăng chỉ mới đưa cho Đem 3.500 NDT.

 

Tôi cùng con gái đến nhà ông Lăng ở số 3 Bê Ngăn, Kiến Yên, Quảng Đông sống. Ở đây, ông Lăng đưa tôi vào làm ở nhà máy của ông ta. Vì thương hoàn cảnh mẹ con tôi nên ông Lăng đã nhận con gái tôi (Bích Phượng) làm con và làm thủ tục nhập hộ khẩu cho nó. Hiện nay con gái tôi đang học lớp 2 tại đó” - Hằng nói trong tâm trạng vừa buồn vừa vui.

 

Theo lời Hằng kể, cuộc sống của cô với người đàn ông Trung Quốc sau này mà cô gọi là chồng rất hạnh phúc và con gái của cô được ông ta quý như con ruột. Đó là những ngày hạnh phúc của Hằng trên đất khách quê người. Cô tâm sự: “Đầu tháng 3/2006, tôi xin chồng trở về Việt Nam thăm mẹ già.

 

Trở về và tố cáo

 

Chồng tôi đồng ý, cho 600 NDT và điện thoại di động để về quê, nhưng không cho con gái tôi đi cùng vì sợ tôi không quay lại. Ngày 9/3/2006, tôi đón ôtô đến cửa khẩu Móng Cái và nhờ những người ở đây đổi tiền, chỉ đường về. Ngày 11/3/2006, tôi về đến quê nhà ở Tuy An sau hai năm lưu lạc trên đất Trung Quốc. Sáng hôm sau, tôi đến Công an huyện Tuy An tố cáo Đem”.

 

Theo Hằng, cô làm vậy là để cơ quan chức năng điều tra, vạch trần bộ mặt thật của Đem. Nhưng vì đã lâu không liên lạc nên Hằng không biết bây giờ Đem ở đâu, chỉ biết thị vẫn đang sinh sống trên đất Trung Quốc.

 

Bà Tuyết, mẹ Hằng, tê tái kể lại: “Khi Bích quay về, không thấy con gái và cháu ngoại, tôi hỏi thì cô ta bảo hai mẹ con nó sẽ về sau, nhưng chờ mãi mà chẳng thấy tin tức gì. Tôi cũng đã đến Công an xã Hòa Định trình bày sự việc. Từ đó, gia đình tôi và nhà Bích luôn xích mích. Tôi chờ cho đến ngày con Hằng trở về để làm rõ sự thật”.

 

Sau khi về thăm mẹ, Hằng lại bí mật quay trở lại Trung Quốc, gây khó khăn cho việc xác minh sự việc mà Hằng tố cáo.

 

Trưởng công an xã An Định, Huỳnh Kim Anh, cho biết: “Đoàn Thị Đem và Đoàn Thị Bích đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính về hành vi xuất cảnh trái phép. Chúng tôi cũng nắm được thông tin này nhưng chưa có cơ sở để khẳng định Đem là đầu mối của đường dây đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán”.

 

Thượng tá Nguyễn Trung Chính - Phó trưởng công an huyện Tuy An - cho biết: “Chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên Công an tỉnh Phú Yên để xem xét giải quyết. Đây cũng mới chỉ là lời tố cáo của Hằng trong khi chúng tôi chưa xác định được địa chỉ của Đoàn Thị Đem. Hơn nữa, sau khi đến công an huyện tố cáo, Hằng đã quay trở lại Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi không nắm nhiều thông tin về Đem”.

 

Theo Công An TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm