1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người phụ nữ đi hỏi vợ cho chồng

(Dân trí) - Cưới nhau 30 năm nhưng vẫn không thể làm mẹ, bà Tài đã quyết định một việc "động trời" là đi tìm vợ lẽ cho chồng. Giờ đây, mái tóc đã ngả bạc nhưng chưa bao giờ bà hối hận vì quyết định ấy.

Câu chuyện hi hữu ấy là của bà Trần Thị Tài (66 tuổi) ở thôn Kim Thành, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Phải có một tình yêu và sự hy sinh lớn lao đối với chồng, người phụ nữ ấy mới có thể đưa ra một quyết định "động trời" như thế.

Nỗi đau của người mẹ

Bà Tài và ông Lê Công Sâm (68 tuổi) cưới nhau năm 1974. Hạnh phúc đến với đôi vợ chồng trẻ khi một tháng sau ngày cưới, người vợ biết mình đã mang thai đứa con đầu lòng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, mong mỏi có đứa con đã tan biến khi bà đột ngột bị sảy thai.

Người phụ nữ đi hỏi vợ cho chồng - 1

Cuộc sống có nhiều nỗi buồn đau, vợ chồng bà Tài luôn thấu hiểu, động viên nhau.

"Lúc ấy tôi đau như cắt từng khúc ruột. Ông ấy thì động viên mình đang còn trẻ, còn có nhiều cơ hội. Thế là chúng tôi cứ nuôi hy vọng", bà Tài nhớ lại.

Sau lần ấy, bà Tài mang thai thêm 3 lần nữa, nhưng đều không thành. Suốt 30 năm sau ngày cưới, mong mỏi có một đứa con, khao khát được làm mẹ của bà vẫn không thực hiện được. Nỗi đau không được làm mẹ của bà cứ âm ỉ theo năm tháng. Mỗi lần vợ chồng nhìn thấy những đứa trẻ nô đùa, nỗi buồn ấy lại ùa về.

"Chúng tôi vẫn nuôi hy vọng, không bỏ cuộc. Nhưng khi tuổi tác ngày càng nhiều, tóc bắt đầu có sợi bạc, tôi biết rằng mình sẽ không thể có con được, không thể làm mẹ được", bà Tài đượm buồn khi nhớ lại.

Người phụ nữ đi hỏi vợ cho chồng - 2

Dù trải qua bao thăng trầm, vợ chồng bà vẫn nắm chặt tay nhau.

Thời điểm ấy, vợ chồng bà cũng đã tìm con nuôi, nhưng cũng không có kết quả.

Dù cuộc sống gặp nhiều chuyện đau buồn, chông gai, nhưng hai vợ chồng chưa bao giờ có một lời to, tiếng nhỏ nào về chuyện này. Càng gặp biến cố, họ lại thương yêu, thấu hiểu cho nhau hơn. Bà Tài luôn nhận được sự động viên, vỗ về của người chồng. Có lẽ chính bởi sự thấu hiểu ấy mà bà luôn cảm thấy day dứt, có lỗi với người đàn ông đầu ấp tay gối của mình.

Hạnh phúc không muộn màng

Qua nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, bà quyết định làm một việc khiến ai lúc đó nghe cũng ngỡ ngàng là đi tìm vợ cho chồng. Bởi bà nghĩ rằng, mình không thể làm mẹ thì cũng không thể bắt chồng không được làm cha.

"Lúc đầu tôi vừa nói vừa đùa, ông ấy không có ý kiến gì vì nghĩ tôi đùa. Nhưng khi tôi nói chuyện nghiêm túc và nhắc lại thường xuyên thì ông ấy nổi khùng lên, nhất quyết không đồng ý", bà Tài cười.

Người phụ nữ đi hỏi vợ cho chồng - 3

Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng trong căn nhà nhỏ ấy luôn tràn ngập tiếng cười.

Sau hơn một năm, trước tấm lòng hy sinh của người vợ, sự động viên của anh em, bạn bè, ông Sâm mới đồng ý nghe theo lời vợ. Khi được chồng nhận lời, bà bắt đầu đi tìm người phụ nữ làm vợ cho chồng. Hành trình ấy cũng khiến bà gặp những tình huống cười ra nước mắt.

"Tôi đã đến nhà khá nhiều gia đình nói chuyện, đặt vấn đề, nhưng khi họ hỏi "chị hỏi vợ cho ai?", tôi trả lời "tìm vợ cho chồng tôi", ai cũng trố mắt và không đồng ý. Khoảng gần một năm sau, tôi mới tìm được người phù hợp", bà Tài nhớ lại.

Sau khi sắp xếp, chuẩn bị xong mọi thứ, cuối năm 2004, lúc ấy ông Sâm 52 tuổi, chính bà Tài đã mua lễ đi dạm hỏi để cưới chị Nguyễn T.H. (năm ấy 31 tuổi, trú ở xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc) về cho chồng.

Sau đó, chị H. đã sinh 3 đứa con kháu khỉnh (2 trai, một gái). Cả 6 con người sống chung vui vẻ, hạnh phúc dưới một mái nhà.

"Điều tôi lo lắng nhất chính là giữa vợ cả và vợ lẽ sẽ xảy ra mâu thuẫn. Nhưng chúng tôi đã rất hạnh phúc, vui vẻ bên gia đình, bên các con. Bà ấy đã hy sinh, làm tất cả cho tôi và gia đình", ông Sâm nắm chặt lấy bàn tay của người vợ cả, như lời cảm ơn những gì mà bà đã làm cho mình.

Người phụ nữ đi hỏi vợ cho chồng - 4

Với bà Tài, con của vợ lẽ cũng là con mình. Niềm hạnh phúc của bà là được chăm sóc và ngắm nhìn lũ trẻ khôn lớn.

Vì kinh tế không mấy khá giả, sau khi sinh cô con út được gần 2 tuổi, chị H. vào miền Nam làm nghề giúp việc, kiếm tiền gửi về cho gia đình. Ở nhà, bà Tài chăm sóc ba đứa nhỏ như con ruột của mình.

"Tôi chưa bao giờ hối hận với quyết định đi hỏi vợ cho chồng. Giờ có các con, thấy ai cũng vui. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả khi chúng tôi tóc đã bạc, các con thì còn nhỏ, nhưng tôi hạnh phúc lắm", bà Tài nói, rồi ôm lấy đứa con gái út vào lòng.