Người phụ nữ dân tộc Thái nhiễm HIV nói lời cảm ơn tại Liên Hợp Quốc
(Dân trí) - “Xin cảm ơn! Cảm ơn rất nhiều vì đã đem lại cho tôi cuộc sống hy vọng và tương lai và xin đừng quên chúng tôi” – đó là chia sẻ đầy xúc động của chị Lù Thị Thanh, người phụ nữ dân tộc Thái ở Điện Biên không may bị nhiễm HIV, phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về AIDS diễn ra tại New York (Mỹ) hôm 9/6 vừa qua.
Khi được đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mời phát biểu tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về AIDS diễn ra tại New York (Mỹ) ngày 9/6 (theo giờ địa phương), chị Lù Thị Thanh đã phát biểu những lời ngắn gọn nhưng đầy xúc động, biết ơn các tổ chức quốc tế đã không bỏ rơi chị, giúp chị vượt lên mặc cảm để tiếp tục sống tốt hơn.
Được biết, năm 29 tuổi, chị Lù Thị Thanh bị lây HIV từ chồng. Sau đó chị đã điều trị dự phòng từ năm 2008-2009, điều trị ARV từ năm 2009 đến nay. Chị Thanh tham gia nhóm Hoa Hướng Dương của tỉnh Điện Biên từ năm 2010. Là đồng đẳng viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng. Chị rất tích cực hỗ trợ người có nguy cơ cao tiến hành các xét nghiệm, hỗ trợ chuyển gửi bệnh nhân đến phòng khám ngoại trú OPC, hỗ trợ bệnh nhân điều trị và hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân trong thời gian đầu điều trị thuốc ARV; hỗ trợ tư vấn cho người nhiễm và gia đình người nhiễm cách chăm sóc, vệ sinh.
Đồng thời, chị Thanh còn tích cực tham gia các hoạt động truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những trường hợp người nhiễm HIV bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng, chị Thanh dần được trang bị khả năng và kinh nghiệm thuyết trình, phát biểu trước đám đông.
Năm 2013 chị Thanh đã tái hôn với người nhiễm HIV. Năm 2014, chị tham gia điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và sinh một bé gái hoàn toàn khỏe mạnh.
Chúng ta không có quyền cắt giảm trợ giúp người nhiễm HIV/AIDS
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của hội nghị lần này là thông qua tuyên bố chính trị mới của Liên Hợp Quốc nhằm dồn tổng lực cho phòng, chống AIDS trong 5 năm tới để đạt được “Mục tiêu 90-90-90” vào năm 2020 (có nghĩa là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế). Từ đó, tiến tới thanh toán đại dịch này vào năm 2030.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, phòng chống AIDS là nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế và cộng đồng các nhà tài trợ, đại dịch ở Việt Nam đã cơ bản được khống chế. Người nhiễm HIV không bị kỳ thị, xa lánh và được coi là người bệnh cần được chữa trị, chăm sóc, giúp đỡ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng cạnh chị Thanh trong Hội nghị diễn ra tại Mỹ.
Mặc dù đại dịch đã cơ bản được kiểm soát nhưng Việt Nam vẫn không ngừng tăng nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cam kết hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc.
Theo Phó Thủ tướng, thế giới đang đứng trước nhiều mối quan tâm từ biến đổi khí hậu tới di dân, xung đột… nhưng HIV/AIDS vẫn còn hiện hữu. Nếu nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, nhiều quốc gia đang phát triển sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống lại đại dịch này và HIV/AIDS rất có thể tái bùng phát, trở lại thành mối đe dọa toàn cầu.
“Chúng ta không thể tự hài lòng với những kết quả đã đạt được. Để xóa bỏ đại dịch, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực và phải cùng nhau nỗ lực hơn nữa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng đây không chỉ là tiếng nói của Chính phủ Việt Nam mà còn là tiếng nói của những người vốn không có điều kiện lên tiếng ở những diễn đàn quan trọng như hội nghị này.
Điển hình là câu chuyện của chị Lù Thị Thanh: Sống trong một bản nghèo ở vùng núi, chị và chồng đang được điều trị ARV và có thể đi làm. Ngay sau khi biết tin mình bị nhiễm HIV/AIDS, chị đã thủ động tìm hiểu về căn bệnh để vượt qua được sự kỳ thị của xã hội, của gia đình, cộng đồng và của chính bản thân mình. Cùng với đó, sự hỗ trợ động viên, chia sẻ của chính quyền địa phương, cộng đồng, các tổ chức quốc tế đã giúp chị nhận thức đúng về căn bệnh của mình từ đó vươn lên sống có ích cho những người cùng hoàn cảnh và giúp ích cho xã hội. Điều kỳ diệu là vợ chồng Thanh đã sinh được một bé gái kháu khỉnh và khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV.
Lời chia sẻ của chị Lù Thị Thanh cho thấy nếu không có sự trợ giúp, rất có thể chị đã không thể có mặt và cất tiếng nói tại hội nghị của Liên Hợp Quốc. Và không chỉ riêng chị Thanh, nhiều người khác, nhiều phụ nữ và trẻ em có thể bị lây nhiễm HIV, không thể đi học, không thể làm việc, không thể có một mái ấm, thậm chí không thể sống.
Qua câu chuyện này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa bày tỏ quan điểm, không thể cắt giảm sự trợ giúp dành cho những người nhiễm HIV/AIDS.
Nguyễn Dương