Người phụ nữ biến chai thủy tinh thành... gạch xây nhà

Thảo Lê

(Dân trí) - Để bảo vệ hòn đảo xinh đẹp, kỹ sư Lou Van Reemst đã tìm ra cách biến những chai thủy tinh bị vứt bỏ thành gạch xây dựng thân thiện với môi trường.

Người phụ nữ biến chai thủy tinh thành... gạch xây nhà - 1
Gạch làm từ thủy tinh có thể chịu lực tốt gấp đôi gạch thường. Ảnh: Italianbark.

Zanzibar, hòn đảo nhiệt đới xinh đẹp ngoài khơi bờ biển Đông Phi từ lâu đã trở thành một địa điểm nổi tiếng, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Tuy đem lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương nhưng khách du lịch cũng gây ra sự gia tăng đáng kể lượng rác thải thủy tinh ở hòn đảo này.

Thủy tinh vốn được coi là một vật liệu rất linh hoạt khi có thể được tái chế dễ dàng mà không tốn nhiều công sức. Tuy vậy, số lượng lớn thủy tinh bị vứt bỏ sau khi sử dụng hiện đang trở thành gánh nặng cho Zanzibar bởi hòn đảo chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để xử lý hoặc tái chế loại rác thải này. Trong khi đó, thủy tinh bị thải ra môi trường tự nhiên lại có nguy cơ gây hại cho con người và động vật sống gần chúng.

Người phụ nữ biến chai thủy tinh thành... gạch xây nhà - 2
Thủy tinh là một vật liệu có thể được tái chế dễ dàng. Ảnh: Nas Daily.

Để chấm dứt vấn nạn này, kỹ sư thiết kế công nghiệp Lou Van Reemst cùng một vài người bạn đã thành lập công ty có tên là Bottle-Up. Họ thu gom thủy tinh phế thải ở khu vực bãi biển hoặc từ tay những vị khách rồi làm thành các vật dụng hàng ngày như đèn nến, lọ hoa…

Mặc dù vậy, những sản phẩm này chỉ là một phần tương đối nhỏ so với lượng thủy tinh bị thải ra hàng ngày. Do đó, Lou đã tìm ra giải pháp mới là biến chai thủy tinh thành gạch xây dựng thân thiện với môi trường.

Người phụ nữ biến chai thủy tinh thành... gạch xây nhà - 3
Với mỗi căn nhà được xây bằng loại gạch này, Lou có thể tái chế 50.000 chai thủy tinh. Ảnh: bottle-up.

Cứ 20 chai thủy tinh mà họ thu thập được thì một chai sẽ được tái chế thành đèn nến, một chai được dùng làm lọ hoa và 18 chai còn lại được nghiền nát hoàn toàn, sau đó thêm một chút xi măng cùng một vài bí quyết đặc biệt. Và kết quả, họ tạo ra một viên gạch thực sự tốt, có thể được sử dụng để xây nhà theo cách bền vững hơn.

35% thành phần ban đầu được thay thế bằng thủy tinh, chiếm 42% trọng lượng của viên gạch. Nữ kỹ sư đã tiến hành nghiên cứu đặc tính, khả năng chịu lực cũng như tính khả thi của loại gạch thủy tinh này.

Kết quả thật đáng kinh ngạc, sản phẩm này mang lại triển vọng đầy hứa hẹn về cả khía cạnh kinh tế và cơ học khi có thể chịu lực tốt gấp đôi và rẻ hơn nhiều so với gạch truyền thống, nhờ đó giúp giảm chi phí nhập khẩu cát và sỏi hiện đang tương đối đắt đỏ ở Zanzibar .

Với mỗi căn nhà được xây bằng loại gạch này, Lou có thể tái chế 50.000 chai thủy tinh. "Ngôi nhà của bạn sẽ bền vững gấp đôi và thiên nhiên cũng tươi đẹp gấp đôi", cô nói.