1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Người phụ nữ bán than dạo và những ký ức không thể nào quên

(Dân trí) - Hơn 10 năm làm nghề bán than dạo, hình ảnh bà đã trở nên quen thuộc với người dân TP Hà Tĩnh. Nhưng ít ai biết rằng người phụ nữ ấy từng là một nữ TNXP với một quãng đời quá khứ hào hùng, đau thương.

Chúng tôi tìm về nhà bà Bùi Thị Thường (SN 1955, ở phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) không khó bởi ai cũng đã quá quen thuộc với hình ảnh một bà cụ tóc đã bạc trắng ngày qua ngày chở than đi bán khắp thành phố. Trong căn nhà cấp 4 của 2 vợ chồng, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện về cuộc đời của bà.

Một thời oanh liệt

Bà sinh ra trong gia đình có đông anh chị em. Năm 1972, lúc ấy bà vừa tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc bà tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP.

Vợ chồng bà Thường
Vợ chồng bà Thường

Bà được phân công làm nhiệm vụ đảm bảo cho tuyến đường 21 Tân Ấp (Giáp ranh giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quang Bình) được thông suốt. Đây là một trong những con đường huyết mạch chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, bị quân địch coi là cái gai trong mắt. Chính vì thế ngày nào chưa thể xóa được cái gai ấy thì bọn địch vẫn chưa thể yên tâm.

“Có thời điểm, một ngày bọn địch cứ quần đi quần lại mấy lần. Chúng cho máy bay ném bom nhằm cắt đứt tuyến đường chi viện này. Nhưng đường bị chia cắt thì chỉ sau nửa giờ là lại được liền mạch, thông suốt”, bà Thường kể.

Đến bây giờ những ký ức kinh hoàng, những ngày tháng sống trong mưa bom bão đạn ấy vẫn ám ảnh mãi trong tâm trí của bà. Và cái ngày cuối tháng 12/1972 là ngày bà bị ám ảnh không thể nào quên.

Bà Thường nhớ lại: “Lúc đó là vào buổi sáng, khi cả tiểu đội chúng tôi đang san lấp hố bom cho đường thông suốt thì bất ngờ 2 chiếc may bay địch bay qua. Chúng phát hiện ra chúng tôi nên đã đồng loạt nã bom bi xuống đồng thời hạ thấp máy bay quần thảo. Cả tiểu đội hầu như bị vùi lấp, chị Nguyễn Thị Minh Châu bị tên phi công phát hiện và bắn đứt lìa một bàn tay, còn tôi thì bị một mảnh đạn bom bi cắm vào đầu”.

“Chúng tôi đã chọn con đường đó là đã xác định có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Chúng tôi không hề sợ hãi, không sợ chết”, bà khẳng khái.

Và trong quãng thời gian tham gia đảm bảo cho tuyến đường 21 được thông suốt, không thể kể hết được số lần bà cũng như những người đồng đội của mình giáp mặt với kẻ thù. Và những lúc đó thì ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi tóc.

Đến năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn độc lập, bà lại trở về tiếp tục tham gia lao động sản xuất. Và cuối năm 1975, bà cũng đã tìm được bến đỗ bình yên cho cuộc đời mình.

Được sống, được thấy hòa bình là hạnh phúc lắm rồi”

Một thời oanh liệt, xem mạng sống của mình nhẹ như sợi tơ hồng, nhưng về già bà lại phải vật lộn với những cơn đau, vật lộn với cuộc sống mưu sinh...

Ngày ngày bà Thường đẩy chiếc xe xích lô đi hàng chục cây số để bán than
Ngày ngày bà Thường đẩy chiếc xe xích lô đi hàng chục cây số để bán than

Bà lấy chồng có được 2 người con: một gái một trai. Tưởng chừng, những ngày tháng bà cống hiến, hy sinh cho đất nước, cho Tổ quốc cũng được đền đáp bằng một mái ấm êm đềm. Nhưng không, cuộc đời bà chẳng mấy may mắn. Đứa con gái đầu đã mãi mãi ra đi khi vừa tròn 17 tuổi bởi căn bệnh ung thư. Giờ đây, người con trai còn lại cũng đang thập tử nhất sinh.

“Đứa đầu mất khi mới 17 tuổi. Giờ thằng út cũng đang lâm bệnh. Trước nó to cao khỏe mạnh lắm nhưng hơn 1 năm nay nó tự dưng đổ bệnh”, bà Thường cố nuốt nước mắt vào lòng.

Giờ đây 2 vợ chồng bà ngoài khoản tiền lương ít ỏi thì tất cả mọi khoản sinh hoạt đều trông chờ vào những chuyến xe chở than.

Bà lặng lẽ đẩy than đi khắp các con đường. Có nhiều lúc bà đi đến 2h sáng mới về
Bà lặng lẽ đẩy than đi khắp các con đường. Có nhiều lúc bà đi đến 2h sáng mới về

Chồng bà là ông Lê Văn Xu ra tận thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà) lấy than. Ông Xu cũng thường xuyên ốm đau, bệnh tật nên tất cả công việc bán than đều "dành " hết cho người vợ.

Hơn 10 năm nay, người dân TP Hà Tĩnh đã quá quen thuộc với hình ảnh của bà Thường nhọc nhằn đẩy những chuyến xe than đi khắp thành phố.

Bà kể: “Tôi làm nghề bán than này từ năm 2002 đến nay rồi. Nhiều hôm đang đi bán thì gặp trời mưa than ướt hết phải đưa về phơi lại”.

“Ai mua thì tôi bán thôi. Có nhiều hôm phải đẩy vào tận Cẩm Xuyên. Có nhiều đêm đến tận 2h sáng mới về đến nhà. Ngày nào bán được nhiều thì cũng được gần 200 nghìn”, bà Thường cho biết thêm.

Bà Thường còn nuôi thêm gà để có thêm thu nhập
Bà Thường còn nuôi thêm gà để có thêm thu nhập

Mỗi chuyến xe bà chờ 300 đến 400 viên than, tức khoảng 3 đến 4 tạ thế mà mỗi ngày bà phải đẩy bộ hàng chục cây số. “Chừng nào tôi không còn sức nữa bà mới thôi. Chứ giờ không làm thì biết lấy gì mà ăn”.

Sau một phút trầm tư bà thở dài nhẹ nhõm: “Được sống, được chứng kiến giây phút đất nước thống nhất, hòa bình là tôi hạnh phúc lắm rồi. Còn nhiều người đã mãi mãi ra đi, còn nhiều người đến bây giờ vẫn chưa được tìm thấy, nhiều người còn đang phải gánh nổi đau của chiến tranh. Tôi đã may mắn hơn rất nhiều”.

Đó là lý do vì sao dù có vất vả, nhọc nhằn thế nào nhưng bà lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ.

Xuân Sinh - Tiến Hiệp