1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ngày toàn dân phòng chống ma túy - 26/6:

Người phụ nữ AIDS và khát vọng “sống để hòa nhập”

(Dân trí) - Người dân thị trấn Quỳ Hợp (Nghệ An) không ai xa lạ gì với cái tên Ngô Thị Quyên. Hàng ngày chị vẫn cùng những người bạn len lỏi khắp các khu chợ, những khu nhà ổ chuột, bến xe,… để tuyên truyền và phát kim tiêm cho đối tượng nghiện ma tuý.

Người dân nơi đây yêu quý chị, họ gọi chị là “anh hùng Phạm Thị Huệ” (*) của Nghệ An.

 

Đứng lên từ nỗi đau

 

Ngày chồng mất và biết tin mình bị lây nhiễm HIV từ chồng thực sự là một cú sốc lớn đối với chị Ngô Thị Quyên. Đang từ một cô giáo mầm non có trong tay tất cả: công việc, nhà cửa, một người chồng và một cậu con trai khôi ngô, chị bỗng rơi xuống bùn đen, trở thành người tay trắng. Biết tin dữ, gia đình, làng xóm, phụ huynh và cả những em học sinh vốn rất yêu quý chị, giờ cũng xa lánh chị.

 

Quá đau đớn, nhất là sau cái chết của đứa con trai, chị đã nhiều lần nghĩ đến chuyện quyên sinh. Đó là  năm 2003, thời điểm mà ở huyện Quỳ Hợp, số người mắc bệnh AIDS còn đếm trên đầu ngón tay và người dân vẫn xem đó là một thứ dịch bệnh hủi lậu, kinh hoàng, phải chối bỏ, né tránh.

 

Chị Quyên lúc này vừa bước sang tuổi 30, cái tuổi vẫn còn rất đẹp với một người nhiều hoài bão như chị. Vả lại, muốn chết cũng đâu có dễ vì chị vẫn còn bố mẹ, anh chị em. Chị không muốn mình chết đi mà bố mẹ vẫn phải rơi nước mắt, tủi hổ vì mang tiếng trong nhà có người bị AIDS.

 

Đang cùng đường bế tắc thì chị được các anh chị ở Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp đến tư vấn. Từ trạng thái tinh thần bất an, hụt hẫng, tuyệt vọng, chị dần dần hiểu ra và tin rằng: mắc AIDS không có nghĩa là mất tất cả mà vẫn có thể sống, có thể hoà nhập với cộng đồng. 

 

Sau bận ấy, chị tình nguyện xuống Trung tâm Phòng chống AIDS của tỉnh để tập huấn, tham gia vào nhóm đồng đẳng của dự án “Hỗ trợ cộng đồng phòng tránh HIV/AIDS” và tích cực tham gia với  nhóm suốt ba tháng, để chia sẻ, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Từ kinh nghiệm bản thân và những điều đã biết sau thời gian thâm nhập thực tế ở thành phố Vinh và dưới sự giúp đỡ của một dự án quốc tế, chị Quyên và một người bạn đồng cảnh - chị Nguyễn Thị Hằng - đã thành lập ra nhóm đồng đẳng tại huyện Quỳ Hợp. 

 

Hàng ngày các chị đi thu dọn kim tiêm, phát bơm kim cho những người bị bệnh, tư vấn cho các gia đình và những người bị nhiễm. Công việc mới nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế để được mọi người chấp nhận, thông cảm như bây giờ chị đã phải trải qua một giai đoạn cực kì khó khăn, nhiều khi phải ngậm đắng nuốt cay.

 

“Tôi vừa bước vào chợ, xa xa đã nghe tiếng xì xào to nhỏ rồi họ lánh dần tôi. Một số người thương, họ đến hỏi thăm động viên, an ủi và cho quà nhưng khi tôi múc nước mời họ thì họ từ chối một cách khéo léo không uống”, chị Quyên ngậm ngùi kể. 

 

Nhưng chị không hề nản, và “giờ thì tốt rồi, thấy mình cần mẫn, không quản ngày mưa, ngày nắng nên mọi người dần dần cũng đã có cách nhìn khác. Tôi giờ cũng đủng đỉnh đi đám cưới và ngồi cùng mâm với mọi người… Nhiều người bận đi công việc còn đem con sang gửi tôi trông hộ nữa đấy”.

 

Trưa hôm ấy ngồi ăn cơm cùng chị và những người bạn trong nhóm, một số người là “khách hàng” của chị vì thường xuyên được tư vấn và phát kim tiêm, tôi càng hiểu những điều chị nói. Bản thân tôi cũng đã bị chị thuyết phục vì đây là lần đầu tiên tôi cùng ngồi ăn với những người bị AIDS mà không một chút nghi ngại. Riêng chị, bữa cơm hôm ấy còn nhiều ý nghĩa hơn vì bên cạnh chị có mặt một người đàn ông quan trọng.

 

Hạnh phúc không muộn màng

 

Dũng cảm công khai thân phận và có niềm vui của công việc, nhưng đã có lúc bệnh tật và sự cô đơn dường như muốn quật ngã chị. Một năm trước, người bạn thân trong nhóm đồng đẳng của chị qua đời, chị càng thêm hụt hẫng. Chị ốm thập tử nhất sinh, chỉ nằm một chỗ đúng hai tháng liền; và “chỉ thèm được ăn một bữa chuối xanh và khế, chỉ ước được ra đường”. Thời gian đó anh Nguyễn Thành Vinh, một người cùng nhóm tiêm ARV ở bệnh viện đa khoa thường xuyên đến hỏi thăm, chia sẻ với chị. 

 

Anh từng là con trai độc nhất trong một gia đình gia giáo ở thành phố Vinh, đã có vợ đã từng có một công việc đáng mơ ước ở thành phố. Chỉ vì đua đòi, nghe theo bạn bè rồi dính đến ma tuý mà bị nhiễm HIV/AIDS. Anh phiêu bạt khắp nơi, gặp chị, cảm phục nghị lực của chị, anh đã xin được cưới chị làm vợ. 

 

Chị mặc dù rất yêu anh nhưng khi nghe đến ý định kết hôn vẫn không khỏi bất ngờ, hoang mang, nhất là khi phải đối diện với gia đình anh. Mẹ anh lúc đầu cũng không đồng ý vì “trong nhà có một người bị AIDS là quá nhiều rồi” nhưng sau khi nghe anh nói “con và vợ đã chia tay, con muốn có một người chia sẻ” và nhất là sau khi được xem bộ phim về chị, mẹ anh đã hoàn toàn đồng ý.

 

Ngày 6/10/2007, anh chị chính thức thành vợ chồng. Hạnh phúc đến tuy không sớm nhưng không muộn màng. Đó là động lực để chị làm tốt hơn nữa công việc đầy ý nghĩa của mình.

 

Nói chuyện với tôi, chị vẫn còn trăn trở vì chỉ trong mấy năm mà số người nghiện ở Quỳ Hợp tăng lên nhanh chóng, số người chết vì HIV/AIDS, số gái mại dâm,… cũng không giảm.

 

Công việc của chị cũng ngày càng phức tạp hơn khi nhiều gia đình có con bị nhiễm AIDS cố tình che giấu, không hợp tác. Nhưng với khát khao “sống để hoà nhập cộng đồng”, chị Quyên và những người bạn của mình vẫn thầm lặng từng ngày, từng giờ đem hy vọng và niềm tin yêu đến với mọi người.

 

(*) Phạm Thị Huệ, người phụ nữ quê Hải Phòng, bị lây nhiễm HIV từ chồng, là thành viên nhóm “Hoa phượng đỏ” và câu lạc bộ “Mẹ và vợ”, chuyên giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Chị từng được tạp chí Times của Mỹ bình chọn là 1 trong 20 “anh hùng châu Á” năm 2004.

 

Nguyễn Duy - Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm