1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người Phát ngôn IPU: Cần đưa quy định tỷ lệ nữ nghị sĩ vào Luật bầu cử

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí, Người Phát ngôn của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Jemini Pandya, cho rằng, tỷ lệ nữ nghị sĩ trên thế giới vẫn ở mức thấp, vì vậy, cần đưa quy định về tỷ lệ nữ nghị sĩ vào Luật bầu cử. Bà cũng cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 50 thế giới về số nữ nghị sĩ.

Bên lề Đại hội đồng IPU-132 vừa bế mạc tại Hà Nội chiều qua 1/4, bà  Jemini Pandya, Người Phát ngôn, Giám đốc Truyền thông của IPU, đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí về bình đẳng giới, một trong những chủ đề quan trọng của Đại hội đồng lần này.

Người Phát ngôn của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Jemini Pandya

Người Phát ngôn của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Jemini Pandya

“Bình đẳng giới luôn là một phần trong chương trình nghị sự của IPU vì nói đến khái niệm dân chủ là đề cập đến tiếng nói của mọi người, mọi nhóm trong xã hội, trong đó có phụ nữ. Chúng ta phải bảo đảm rằng, phụ nữ có quyền nói lên tiếng nói của chính họ”, bà Pandya nói.

IPU-132 lần này kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị Nữ nghị sĩ, một cơ chế thúc đẩy vai trò của người phụ nữ, thể hiện sự gắn kết giữa các nghị viện và nữ nghị sĩ từ các quốc gia thành viên.

Đề cập đến tỷ lệ nữ nghị sĩ trên thế giới hiện nay vẫn còn thấp, theo bà có một số nguyên nhân như: có đảng không chọn phụ nữ; phụ nữ không được tài trợ để tranh cử hay nhiều người không muốn bỏ phiếu cho phụ nữ... Bên cạnh đó, bản thân nhiều phụ nữ luôn nghĩ rằng sứ mệnh của họ là gia đình, là chăm sóc con cái, nếu làm nghị sĩ, họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống gia đình.

Hiện nay, nhiều nước đã có hạn ngạch về sự tham gia của phụ nữ trong quốc hội nên đã giúp gia tăng số lượng nữ nghị sĩ. Tuy nhiên, tỷ lệ 22% còn rất khiêm tốn vì số còn lại (78%) vẫn là nam giới.

Người Phát ngôn IPU nhấn mạnh: “Điều đó cho thấy vẫn còn cả chặng đường dài trước mắt để làm sao thu hút nhiều hơn nữa phụ nữ tham chính. Tôi cho rằng, rất cần thiết để có những quy định bắt buộc tất cả các đảng phái trên thế giới phải có nữ nghị sĩ. Các nước không hoặc có ít nữ nghị sĩ phải đưa quy định về tỷ lệ nữ nghị sĩ vào Luật bầu cử”.

Việt Nam đứng thứ 50 thế giới về số nữ nghị sĩ

Bà Pandya cho hay: “Tôi rất vui mừng khi nghe Việt Nam tuyên bố sẽ tăng số nữ đại biểu Quốc hội từ mức 25% hiện nay lên 30% trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội cũng như tăng số Bộ trưởng nữ.

Với tỷ lệ 25%, Việt Nam hiện đang đứng thứ 50 trên thế giới về số nữ nghị sĩ và đất nước các bạn còn phấn đấu tiếp tục tăng nữa, điều này rất đáng hoan nghênh và thể hiện những bước tiến lớn về bình đẳng giới. Tuy nhiên, mục tiêu này cần rất nhiều việc phải làm trước mắt".

Trước ý kiến cho rằng, trong thế giới có nhiều bất ổn, căng thẳng như hiện nay, nếu phụ nữ nắm quyền nhiều hơn sẽ giảm được những vấn đề về bạo lực, tranh chấp vì phụ nữ có cách xử lý vấn đề mềm dẻo hơn nam giới, Người Phát ngôn IPU nói: Thật sự phải nói rằng phụ nữ có cách làm chính trị và có cách tiếp cận khác nam giới. Nhiều phụ nữ từ bỏ sự nghiệp chính trị vì yếu tố văn hóa, vì các áp lực cạnh tranh trên chính trường khiến họ không thoải mái.

“Chính vì sự khác biệt ấy, phụ nữ cần tham gia nhiều hơn vào quá trình đưa ra các nghị quyết. Thực tế cho thấy phụ nữ đã đạt được những kết quả tích cực, được thừa nhận trên thế giới”, bà nói thêm.

Bình đẳng giới là vô cùng quan trọng vì chúng ta chỉ có thể đạt được những thay đổi và tiến bộ lớn khi có sự đóng góp cân bằng của cả hai giới trong những chương trình nghị sự toàn cầu về vấn đề này.

Bà Pandya cũng đánh giá cao chủ đề IPU-132 mà Việt Nam lựa chọn là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.

“Tôi nghĩ rằng không còn chủ đề nào có thể quan trọng hơn thế. Năm nay là một năm rất quan trọng vì tất cả các quyết định đều được đưa ra vì mục đích phát triển bền vững như biến đổi khí hậu, chống khủng bố...", Người Phát ngôn IPU nhận định.

Nam Hằng