1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người nuôi chim bồ câu ở công viên Hòa Bình

(Dân trí) - Nơi ông nuôi dưỡng những con chim bồ câu không chỉ là điểm tham quan của người dân địa phương và du khách mà còn là điểm đến thường xuyên của những chiến hạm của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…

Chăm chim như chăm con
Như thường lệ, đúng 6h sáng, ông Lê Minh Hải (SN 1966, nhân viên Phòng Quản lý và khai thác du lịch biển - Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển) có mặt tại công viên Biển Đông (TP Đà Nẵng) để bắt đầu công việc chăm sóc những chú chim bồ câu của mình.
Công việc cụ thể là kiểm tra chim, xem phân, quét máng ăn và lấy nước vào cho chim uống. 7h30 và 16h30 hàng ngày, ông cho chim ăn. Một tuần ông dọn vẹ sinh 2 lần, phun thuốc khử trùng. Vào mùa dịch bệnh, ông phải theo dõi chim thường xuyên hơn. Đối với những bệnh nhẹ, ông có thể tự xử lý được. Còn bệnh nặng, ông phải báo lên Ban quản lý để báo Chi cục Thú y xuống kiểm tra và có hướng điều trị kịp thời.
Cứ thế, ông Hải đã gắn bó với đàn chim đến nay cũng gần 4 năm. Chỉ những lúc ốm đau hay nhà có giỗ ông mới xin nghỉ; còn kể cả ba ngày Tết ông vẫn đến chăm chim bình thường.
 

Ông Hải chia sẻ, để gắn bó với công việc này lâu dài, phải yêu nghề và có lòng nhiệt tình. Trước ông cũng có mấy người làm công việc này nhưng chỉ được ít bữa thì họ lại xin nghỉ. “Bởi trông đơn giản vậy thôi nhưng thật ra rất phức tạp. Mình chăm con mình như thế nào thì chăm chim như thế đó”, ông Hải nói.

Những chú chim bồ câu được nuôi ở công viên Biển Đông 
Những chú chim bồ câu được nuôi ở công viên Biển Đông 

Còn nhớ, bão Nari năm ngoái, mặc dù trước khi bão vào, ông và các anh em đã căng bạt che chắn cho chim rất cẩn thận. Tuy nhiên, do bão quá mạnh, chuồng chim hư hỏng hết, 400 con chim chết la liệt. Đi nhặt từng xác chim sau cơn bão, ông Hải buốt lòng.

Theo ông Hải, năm 2009, vườn chim Hòa Bình được xây dựng tại công viên Biển Đông. Ban đầu là những chú chim bồ câu Pháp đẹp, lông mượt mà. Tuy nhiên, do không thích hợp với khí hậu khắc nghiệt, những chú chim này chết dần. Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển buộc phải thay bằng giống bồ câu ta.

Thấy ông Hải xách xô thóc là đàn chim bay theo 
Thấy ông Hải xách xô thóc là đàn chim bay theo 

Năm 2010, ông Hải về nhận chăm sóc, đàn chim mới chỉ có 400 con. Đến nay ông đã nhân giống lên 1.200 con, được nuôi tại 7 chuồng. Hiện đàn chim đã phát triển khá nhiều nên ông Hải phải hạn chế sinh sản bằng cách hốt trứng không cho ấp. Ngoài ra, ông cũng đang cho lai tạo chim trắng vì chim trắng đẹp hơn chim đen.

Biểu tượng của hòa bình

Nơi ông nuôi dưỡng những con chim bồ câu không chỉ là điểm tham quan của người dân địa phương và du khách mà còn là điểm đến thường xuyên của những chiến hạm Mỹ, Nhật, Ấn Độ…, là biểu tượng hòa bình của TP Đà Nẵng. Và cái tên “công viên Hòa Bình” mà người dân Đà Nẵng dùng để gọi thay thế cái tên “công viên Biển Đông” cũng chính bởi sự hiện diện của những chú chim bồ câu này.

Đàn bồ câu bay vây quanh người ông Hải 
Đàn bồ câu bay vây quanh người ông Hải 
Khi ông Hải thổi còi, tất cả đàn chim sà xuống mổ thóc
Khi ông Hải thổi còi, tất cả đàn chim sà xuống mổ thóc

Tháng 6 vừa qua, tàu đổ bộ JS Kunisaki (LST 4003) của lực lượng tự vệ hàng hải Nhật Bản cùng với thủy thủ đoàn đa quốc gia đến từ Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản đã cập cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) để tham gia Chương trình đối tác Thái Bình Dương 2014. Những người lính Mỹ đã ghé lại công viên Biển Đông. Họ đến và hát bên những chú bồ câu đáng yêu.

Đây còn là điểm chụp ảnh lý tưởng của các đôi uyên ương
Đây còn là điểm chụp ảnh lý tưởng của các đôi uyên ương

Mỗi dịp đầu năm mới,  Đà Nẵng đều tổ chức thả chim bồ câu như để cầu mong một năm mới yên lành, may mắn. Hay mỗi lần Đà Nẵng tổ chức sự kiện tại công viên Biển Đông, những chú chim bay sà xuống xếp hình trái tim, chữ S, lá cờ tổ quốc…

Ông Hải cho, để chim có thể xếp hình, ông vẽ hình xong rồi rải thóc theo hình. Đàn chim bay xuống ăn thóc sẽ tạo thành hình.

Du khách thích thú chụp hình bên chim hòa bình 
Du khách thích thú chụp hình bên chim hòa bình 

Ngoài ra, đây còn là nơi chụp ảnh cưới lý tưởng của các đôi uyên ương. Thấy ông Hải xách xô thóc ra, một số chú chim dập dìu bay theo. Khi ông bắt đầu thổi còi thì tất cả đàn chim bay sà xuống để mổ thóc. Lúc này, cô dâu, chú rể cũng chạy đến tạo dáng để chụp hình bên những chú chim.

Khánh Hồng