1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Người nước ngoài được phép bán, tặng nhà sở hữu tại Việt Nam

(Dân trí) - Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa họp bàn về dự thảo Nghị quyết cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam. Theo đó, có thể người nước ngoài sẽ được phép bán, cho tặng nhà sở hữu tại Việt Nam sau 1 năm sử dụng.

Không còn là thí điểm!

Ban đầu, vấn đề cho người nước ngoài mua nhà chỉ xuất phát với tên gọi là "thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà có thời hạn tại Việt Nam". Tuy nhiên, qua nhiều ý kiến đóng góp, Chính phủ đã đề nghị thay đổi thành "Nghị quyết về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam".

Theo dự thảo Nghị quyết, sẽ có 7 đối tượng là người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhiều hơn 1 đối tượng so với trước đây. Điều kiện để người nước ngoài được mua nhà như sau: nếu là doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Đối với cá nhân phải đang sinh sống tại Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên.

Vị trí được mua sẽ là căn hộ trong nhà chung cư tại các dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại.

Người nước ngoài sau khi mua nhà được quyền sở hữu căn hộ đó với thời hạn tối đa là 70 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận, trừ trường hợp nhà nước Việt Nam gia hạn thêm. Hết thời hạn 70 năm, chủ sở hữu phải bán hoặc tặng cho căn hộ đó cho các đối tượng thuộc diện sở hữu nhà tại Việt Nam.

Nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày hết hạn được sở hữu nhà ở mà chủ sở hữu không bán hoặc tặng cho thì căn hộ đó thuộc sở hữu Nhà nước. Trường hợp chủ sở hữu bán hoặc tặng cho căn hộ đã mua cho người nước ngoài thì thời hạn sở hữu được tính từ khi người mua hoặc người nhận tặng cho được cấp giấy chứng nhận.

Nếu bên mua, bên nhận tặng cho là tổ chức cá nhân trong nước thì được quyền sở hữu nhà ở ổn định lâu dài. Người nước ngoài được phép bán tặng lại căn hộ sau 1 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận hoặc khi hết hạn cư trú và xuất cảnh về nước. Căn hộ này cũng được coi là tài sản có thể thế chấp tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Cá nhân người nước ngoài chỉ được mua 1 căn hộ chung cư. Còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu một hoặc một số căn hộ chung cư để cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.

Còn nhiều tranh cãi về đối tượng

Vấn đề được góp ý nhiều nhất tại phiên họp Ủy ban Kinh tế Quốc hội là đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nhiều đại biểu cho rằng, cần nên quy định rõ đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Bởi trên thực tế, với những trường hợp được thuê làm tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT, các cấp quản lý là người nước ngoài thì họ có đựơc quyền mua nhà theo Nghị quyết này không?

Về việc này, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng: những người được thuê sang làm dù ở cương vị nào cũng đều có nhiệm kỳ. Trong khi đó, doanh nghiệp mà họ đang làm đựơc phép mua nhà chung cư cho đối tượng đang làm việc tại Việt Nam ở.

Đại diện của Bộ Công an đã phản ánh một thực tế là có những người nước ngoài tuy không nhận Huân chương, Huy chương do Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng nhưng họ lại có công đóng góp cho đất nước Việt Nam, mà trong dự thảo Nghị quyết thì lại không quy định đối tượng này.

Đại diện Bộ Ngoại giao cũng làm rõ hơn về vấn đề người đứng đầu các cơ quan đại diện của Ngoại giao trong việc cư trú của họ. Thực tế, những người làm đại sứ hay lãnh sự quán... trong thời gian nhiệm kỳ đều được bố trí nhà ở và làm việc và những khu vực này là bất khả xâm phạm. Vậy sau khi hết nhiệm kỳ, những người này có nguyện vọng mua nhà ở Việt Nam thì có được không?

Một đại biểu khác còn cho biết, hiện nay tại TPHCM có một số lượng không nhỏ là những người Hoa kiều và Ấn kiều đang sinh sống tại đây trong khi lại không có quốc tịch Việt Nam. Bởi vậy, suốt bao năm qua, chính quyền địa phương đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết nhà ở cho họ.

Kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ sự điều chỉnh bổ sung về đối tượng cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

7 đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

- Người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài, của các tổ chức quốc tế liên chính phủ đang thường trú tại Việt Nam.

- Người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

- Người nước ngoài có công đóng góp với đất nước được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương, Huy chương.

- Nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam được phong học hàm, học vị về khoa học, giáo dục, y tế, văn hoá nghệ thuật của nước ngoài hoặc của Việt Nam; các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế có bằng đại học trở lên.

- Người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam và đang sinh sống tại Việt Nam.

- Người nước ngoài được chủ tịch nước Việt Nam công nhận là công dân danh dự của Nhà nước Việt Nam

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật đầu tư mua nhà để cho người nước ngoài và người Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.

Lan Hương