1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người nữ tu anh hùng

Nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nói rằng với soeur Mai Thị Mậu phải phong 3 lần anh hùng mới xứng đáng. Mấy chục năm qua “mẹ Mậu” âm thầm chăm sóc những mảnh đời bất hạnh, giúp đỡ các bệnh nhân tại làng phong Di Linh, Lâm Đồng.

Ngày 25/2, lễ trao danh hiệu anh hùng do Chủ tịch nước tặng cho người nữ tu ấy đã diễn ra ngay tại làng phong Di Linh trên một ngọn đồi.

 

Cao nguyên Di Linh bạt ngàn cà phê đã là vùng đất dung nạp sớm nhất những con người bất hạnh mắc bệnh phong. Cái cõi riêng ấy đã tồn tại suốt gần 80 năm qua. “Làng cùi” - cái tên chỉ còn trong quá khứ ấy - gồm nhiều nóc nhà rải ra, nhấp nhô trên nhiều cung bậc của khu đồi rộng chừng 40 ha thuộc huyện Di Linh (Lâm Đồng). Ngôi làng đặc biệt ấy chỉ cách thị trấn Di Linh một thung lũng trồng lúa nước, chừng 500 m theo đường chim bay nhưng là một thế giới khác hoàn toàn với những sôi động ngoài kia.

 

Làng phong Di Linh trong quá khứ gắn với “ông Tây” bác ái nhân từ J.B.Casaigne. Năm 1973, khi ông mất đi, trách nhiệm điều hành ngôi làng bỗng chốc đặt lên vai soeur Mai Thị Mậu, khi ấy vừa 32 tuổi và đã sống ở làng được 5 năm. Thế là người nữ tu trẻ tuổi đến từ Sài Gòn tiếp tục công việc đầy vất vả, khó khăn: chữa trị bệnh, chăm nom những công dân của làng.

 

Trong những năm chiến tranh ác liệt, khó ai bình tâm để chú ý đến những người mắc bệnh phong thân tàn ma dại ở vùng cao hẻo lánh, nhưng soeur Mậu vẫn tiếp tục tìm kiếm trên cao nguyên Lang Bian những người mắc bệnh để đưa về ngôi làng cô quạnh trên ngọn đồi. Những năm đầu (từ 1968) khi mới đặt chân lên đây, người nữ tu đã trải qua trường y ấy tâm nguyện: “Nếu không được cứu kịp thời chắc chắn những con người bất hạnh ấy sẽ chết trong quằn quại đớn đau một cách oan uổng giữa rừng”.

 

Có lúc bà đi một mình, có lúc đi cùng những người phiên dịch (tiếng K’ho), trên vai họ là những chiếc gùi đựng gạo muối, rau xanh, thuốc men... Ai mắc bệnh nhẹ bà chữa trị ngay tại buôn làng, người bệnh nặng được đưa về làng phong để điều trị nội trú. Không ít buôn làng khi ấy vẫn còn sống trong tình trạng bán khai, người dân lại tự kỷ, sợ người lạ nên nhiều bệnh nhân thấy soeur Mậu là bỏ chạy.

 

Hễ ai mắc bệnh phong là bị đuổi khỏi làng, vì lũ làng cho rằng đã có “liên lụỵ” với con ma hoặc đã “thành ma” rồi. Muốn cứu họ soeur Mậu phải tìm vào những khu rừng “biệt xứ” kia. Lúc đi bộ, lúc đi xe đạp, rồi xe máy, có khi phải lên tận vùng Lang Hanh thì soeur phải đi xe đò Sài Gòn - Đà Lạt.

 

Bà kể, có một lần trên đường đi Sài Gòn, xe nghỉ ăn trưa ở Định Quán, bất chợt thấy nhóm người lam lũ ở quanh đó mà bà dễ nhận ra dấu hiệu của bệnh phong trên thân thể của họ, thế là ngay khi trở lại Di Linh bà đã đánh xe xuống Định Quán đưa họ lên Di Linh chữa trị... Cứ thế cho đến nhiều năm sau, khi không còn đủ sức để băng rừng, thêm công việc cần phải giải quyết hằng ngày tại làng phong quá nhiều bà mới thôi đi, tập trung điều hành mọi hoạt động chữa trị bệnh, tổ chức cuộc sống cho dân làng. Trong số những con bệnh, có người khi lành bệnh đã xin ở lại luôn nơi đây, bởi với họ bây giờ ngọn đồi cô quạnh này thật ấm áp ân tình.

 

Dành trọn cuộc đời cho những bệnh nhân của làng phong Di Linh, soeur Mậu không hề ngại va chạm ngay cả những vết lở loét trên cơ thể họ, bà còn chăm nom giấc ngủ, lo từng bữa ăn hằng ngày cho họ. Trái gió trở trời đau nhức cơ thể họ cũng gọi bà, một phụ nữ nào đó trở dạ sinh con vẫn cứ phải có bàn tay “mẹ Mậu” hay có ai đó qua đời cũng bà lo tang ma... Con cái những người dân làng đi học, mọi thứ giấy tờ, thủ tục cần cho chúng cũng đến tay bà.

 

Suốt mấy mươi năm qua “mẹ Mậu” âm thầm gánh vác công việc ở cái làng có đến 150 nhân khẩu (57 gia đình) cùng 152 bệnh nhân già trẻ khác đang “thường trú” tại làng phong... Dù “làng cùi” nay đã thuộc sự quản lý của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng (thuộc Sở Y tế Lâm Đồng), nhưng thật ra mọi công việc ở đây chủ yếu vẫn do các soeur lo toan dưới sự điều hành của “mẹ Mậu”.

 

Năm 2006, soeur Mậu đã 65 tuổi nhưng vẫn tiếp tục công việc của một “kiến trúc sư trưởng” Trung tâm điều trị bệnh phong Di Linh (tên gọi mới) dù dưới hình thức gọi là “hợp đồng lao động”. Bà nói: “Những thân phận đáng thương ở đây không cho phép tôi nghỉ hưu. Chừng nào họ cần đến tôi, chừng ấy tôi cần phải ở bên họ, chăm lo cho họ”.

 

Suốt một đời gắn bó với “thế giới người cùi” ấy, bà hoan hỉ nhất là khi thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo các cơ sở y tế từ nay phải tiếp nhận các bệnh nhân phong, và các trường học phải tiếp nhận học sinh tiền sử có bệnh phong. Trong lòng của bà vẫn không quên những cái chết oan uổng của người bệnh phong ở làng này khi họ mắc thêm những thứ bệnh khác nhưng không được nhập viện chữa trị (như ruột thừa, tim mạch...). “Được hòa nhập, đối xử từ tâm và bình đẳng là niềm an ủi lớn lao nhất của những ai đã mắc bệnh phong. Vì họ cũng là con người”, bà nói.

 

Theo Nguyễn Hàng Tình

Tuổi Trẻ