1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Người nông dân kể chuyện sử

Đến giờ họp ở Hội Nông dân TP rồi mà ông Mai Công Tài, chi hội xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM, vẫn chưa thấy đâu...

Người nông dân kể chuyện sử - 1

Ông Mai Công Tài hướng dẫn khách tham quan tại nhà truyền thống xã Bà Điểm - Ảnh: Mai Lâm

 

Vừa bước tới phòng họp, ông Tài phân bua: “Sáng dậy mà chưa... vắt sữa bò là bả chưa cho đi”! Ông Mai Công Tài cười, miệng móm sọm khoe độc một cái răng ở hàm trên. Hổng biết từ hồi nào biệt danh Mai Công Tài - ông nông dân nuôi bò sữa, kể sử, làm thơ... đã lan từ 18 Thôn Vườn Trầu xuống tới trung tâm TP.

 

Kể sử như kể chuyện đời xưa

 

Không học ngành sử, không chuyên nghiên cứu lịch sử nhưng ông nông dân chăn bò này lại được nhiều thầy cô ở những trường học quanh vùng hay mời tới kể chuyện sử cho học trò nghe vào những dịp lễ như ngày Cách mạng Tháng Tám, Nam bộ kháng chiến...

 

Bí quyết nào để ông chinh phục những cô nhóc, cậu nhóc thường chỉ mê chơi game, đọc truyện tranh? Ông trả lời: “Dễ lắm. Con nít đứa nào hổng khoái nghe chuyện đời xưa. Lịch sử cũng là chuyện xưa. Mình kể sử hấp dẫn, ly kỳ như chuyện đời xưa là đám nhỏ chịu hà”.

 

Phải công nhận chuyện của ông kể nghe hay. Kể về Cách mạng Tháng Tám, Nam kỳ khởi nghĩa, ông không nói những chuyện vĩ mô to tát, không dùng mấy từ nghe xa lạ khó hiểu với con nít như “bí thư, xứ ủy, mặt trận, đồng minh...” mà chọn những chuyện người thiệt, việc thiệt xảy ra ở chính mảnh đất 18 Thôn Vườn Trầu này.

 

Gặp học sinh cấp I, ông kể thêm chuyện hồi xưa “con nít cỡ bằng tụi mấy con bây giờ cũng làm giao liên được hết. Buổi trưa, mỗi đứa cầm một cái cần đi câu cá. Nhóm vài ba đứa thì mỗi đứa một khúc cây giả đò đánh trận hay chọc phá nhau chơi, rượt nhau chạy cùng xóm. Chiếc cần câu, khúc cây đó bên trong có nhét tài liệu để chuyển tới tay người đằng mình”.

 

Với học sinh cấp II, III, ông khéo léo chọn những chuyện “người lớn” hơn một chút. Như chuyện tình của cô giao liên xinh đẹp Nguyễn Thị Chiều và anh Nguyễn Ảnh Trảo. Cô Chiều đi chuyển lương thực cho cách mạng, bị giặc bắt, lấy xích xe đạp khóa chân, bắn chết xô xuống giếng. Nghe tin người yêu chết, anh Trảo không khóc mà ngồi im lặng lau súng sáng đêm. Rồi anh trở thành chiến sĩ ám sát cực kỳ lợi hại, giết được nhiều tên tay sai ác ôn khét tiếng. Nghe tới tên anh là giặc khiếp sợ, chúng tổ chức mật phục để bắn chết anh sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1947.

 

Cũng có đứa học trò cắc cớ hỏi ông chuyện hay vậy mà có thiệt hông, ông cười xòa: “Thiệt chớ, sợi dây xích khóa chân cô Chiều giờ trưng bày ở Nhà truyền thống xã Bà Điểm, bữa nào mấy con rảnh lên đó chú chỉ cho coi rồi kể tiếp cho nghe”...

 

Hướng dẫn viên... miễn phí

 

Hồi xưa ông là dân trồng trầu. Tới năm 1962, chính quyền cũ cho giải tỏa vườn trầu làm Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Cha ông ra dọn bỏ vườn trầu bị cái nọc dầm đâm vô chân, về phát bệnh phong đòn gánh chết.

 

Ông bồi hồi: “Năm đó tui mất vườn trầu, mất luôn người cha. Là anh cả trong nhà, dưới còn bốn đứa em, tui mới học hết tú tài phải bỏ ngang đi làm thơ ký, dạy kèm, phụ bán quán ăn để nuôi em. Tới chừng lấy vợ, hai vợ chồng bắt đầu nuôi bò sữa”. Một tay ông vắt sữa bò đem bán, nuôi hết bầy con.

 

Thời gian làm ở hội nông dân xã, ông có dịp đi tận nơi tiếp xúc với bà con nông dân, nói đủ chuyện trên trời dưới đất.

 

Ngày qua ngày, ông trở thành người am hiểu lịch sử 18 Thôn Vườn Trầu. Những chuyện ông kể thường không có trong sách vở. Khi Nhà truyền thống xã Bà Điểm ra đời, ông trở thành hướng dẫn viên tình nguyện đặc biệt, dù không hưởng lương. Mỗi lần có đoàn khách quan trọng, mỗi khi báo đài cần tìm hiểu lịch sử địa phương, anh em Ban Tuyên giáo huyện ủy Hóc Môn, lãnh đạo xã Bà Điểm lại “ới chú Tài”.

 

Nghe điện thoại báo có đoàn tới tham quan là ông túc tắc đạp xe tới. Trên cổ xe treo một cái cặp nhỏ bằng cuốn tập. Trong cặp là cây ăngten gãy của cái radio. Khúc ăngten được ông tỉ mẩn lồng một đoạn trúc nhỏ ở đầu cây để làm tay cầm. Rút cái ăngten ra, chỉ vô từng tấm hình, từng hiện vật, ông nông dân chăn bò vụt hóa thành anh hướng dẫn viên du lịch nhiệt huyết, say sưa.

 

Ông còn sẵn lòng dẫn khách làm một vòng “Hóc Môn tour” đi thăm những địa chỉ đỏ, luồn trong hẻm nhỏ gặp các nhân chứng lịch sử. Tất nhiên tour này cũng hoàn toàn miễn phí. Ngoài kể sử ông còn sáng tác truyện ngắn, viết báo, làm thơ, đọc vè.

 

Hễ có ai hỏi về nghề nghiệp của mình, ông Mai Công Tài thường nheo mắt lẩy một câu thơ, lấy tứ từ một câu trong Truyện Kiều

 

Thất nghiệp gặp lúc khó khăn

Nuôi bò vắt sữa kiếm ăn lần hồi...

 

Ừ, thì nông dân chăn bò mà nặng tình nặng nghĩa với quê nhà mới ngon lành chớ. Gặp ông rồi, trở về nghe thằng cháu ôm cuốn tập học thuộc lòng: “Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ta tiêu diệt được... tên, phá được... đồn bót”... Mèn ơi, tự nhiên muốn chạy xuống Bà Điểm nghe ông chăn bò kể chuyện.

 

Tháng 8 lịch sử ở 18 Thôn Vườn Trầu

 

Trong những câu chuyện ông kể, khá nhiều chuyện liên quan đến những ngày Cách mạng Tháng Tám. Ngày 2/9/1945, tại sân chợ Bà Điểm, một bàn thờ Tổ quốc được dựng lên với tấm bản đồ lớn của nước VN thống nhất, được tôn lên rực rỡ trên nền một lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn, xung quanh vô số cờ nhỏ giăng lên khắp nơi, với các khẩu hiệu “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm“, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”.

 

Đồng bào đứng chật cứng lối đi hai bên hông chợ. Máy thu thanh đặt trước bàn thờ Tổ quốc vang lên: “Đây là Đài phát thanh Bạch Mai, từ thủ đô Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa “.

Sau đó là tiếng nói ấm áp của Bác Hồ vang lên: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”. Trong giây phút đó, người dân Bà Điểm ai cũng nghe lòng “vui sao nước mắt lại trào”.

 

Theo Mai Lâm

 Tuổi Trẻ