1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người ngư dân nghèo dũng cảm cứu người trong lũ dữ

(Dân trí) - Đó là anh Nguyễn Tỵ, 43 tuổi, ở thôn Trạch Tả, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hơn một tuần qua, Trạch Tả quê anh bị lũ nhấn chìm, anh đã giúp hàng trăm hộ dân vượt qua cơn giận dữ của “thủy thần”.

Tình làng nghĩa xóm

 

Anh Tỵ vốn sinh ra trong một gia đình chuyên làm ngư nghiệp nên từ bé anh đã bơi lặn rất giỏi. Chứng kiến những phận người đang mấp mé giữa sự sống và cái chết, anh không thể làm ngơ. Từ con đò đánh cá, anh nhảy ào xuống nước đưa mọi người lên bờ.

 

Anh nhớ lại, cách đây 5 năm, lần đầu tiên chứng kiến hai mẹ con chị Hoàng Thị Thắm và cô con gái 9 tuổi bị nước lũ cuốn trôi gần thượng nguồn sông Bồ; khi đó cháu bé đang nắm lấy dây điện để chống chọi với lũ. Anh lao mình xuống cứu hai mẹ con. “Lúc đó, cháu Hoa khóc dữ lắm, cứ ôm chặt lấy tôi không chịu rời ra. Tôi đưa cháu lên đò rồi tiếp tục băng qua nước lũ để cứu mẹ cháu. Tình làng nghĩa xóm mà, thấy thế ai chẳng cứu”, anh nói.

 

Biết anh Tý là một ngư dân vùng sông nước, giỏi bơi lặn, lại có tấm lòng thương người, Đảng uỷ, UBND thị trấn Phong Điền đã đưa anh vào đội thanh niên xung kích, sẵn sàng trực tiếp cứu dân, di dời dân mỗi khi nước lũ dâng.

 

Ông Nguyễn Hữu Bình, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Phong Điền, cho biết: “Mỗi khi lũ về, cả huyện Phong Điền chìm trong biển nước, hàng chục hộ dân phải di dời. Để có những con người làm việc thiện bằng lương tâm, trái tim và trách nhiệm như anh Tý rất khó. Từ khi kết nạp anh vào đội thanh niên xung kích của thị trấn, số người chết đã giảm hẳn, bà con biết ơn anh ấy lắm”.

 

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời anh là lần đầu tiên anh cùng anh trai là Nguyễn Thành đi đánh cá. Ngôi nhà anh ở sát triền sông, lại là nhà cấp 4 nên khi lũ về nước dâng nhanh. Hai em thấy vậy vội lao về nhà, vừa đến nơi đã nghe vợ anh hô cứu con, đứa con trai của anh vừa rơi tõm xuống nước. Chưa kịp cứu con đã nghe tiếng kêu cứu bên hàng xóm.

 

Vừa vớt được con lên, anh vội giao con cho người anh trai rồi lao sang nhà hàng xóm cứu bà cụ Trần Thị Anh, 73 tuổi, đang hốt hoảng trong nước lũ. Hỏi động lực nào giúp anh còn tỉnh táo lao sang cứu người hàng xóm, khi chính vợ con anh còn đang bị nước lũ đe dọa, anh giải thích giản đơn, vẫn bằng cái “lý” Tình-làng-nghĩa-xóm: “Con tôi vừa mới rớt, vả lại thấy con mình còn thở, nghĩa là còn sống; phía bên kia nhà thì tiếng kêu cứu đang la thất thanh, những tiếng kêu đó không cho phép tôi thờ ơ. Tình làng nghĩa xóm mà”.

 

Chuyến đò tình thương

 

5 năm trở lại đây, khi nước trên phá Tam Giang quẫy mình giận dữ, lúc dâng lên, lúc oằn xuống, lại có một con đò đi khắp làng, khắp thị trấn, gõ cửa từng nhà kêu gọi bà con trong thôn di dời ra khỏi vùng ngập lũ. Người chủ con đò tình thương đó là anh Tỵ.       

 

Cho đến lúc này, anh Tỵ không còn nhớ rõ bao nhiêu hộ dân đã được anh cứu sống, bao nhiêu hộ đã được anh di dời sang những vùng cao để tránh lũ lúc thuỷ triều lên. Với anh, cứu người đã trở thành cái nghiệp.

 

Trong ngôi nhà cấp 4 ở phía Trạch Tả, 5 thành viên trong gia đình anh đang sống đạm bạc nhưng hạnh phúc. Cậu con trai của anh mới vừa học hết lớp 9, cũng bơi lặn rất giỏi. Cậu bé cho biết sau này nó sẽ nối nghiệp bố, chuyên đi cứu người trong nước lũ.

 

Hôm chúng tôi cùng đoàn cứu trợ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế về cứu trợ cho bà con nghèo tại huyện Phong Điền, trong số những người được nhận hàng cứu trợ có gia đình anh. Bởi nhà anh cũng là một hộ nghèo, những người nghèo giàu lòng nhân ái.

 

Nguyễn Phương