Người ngoài Đảng cũng được thi tuyển lãnh đạo
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, việc thi tuyển lãnh đạo ở một số địa phương vừa qua “không phân biệt trong hay ngoài Đảng, miễn là người đó có kết quả thi tuyển tốt, thực sự có tài”, và trong số người đã trúng tuyển có cả người ngoài Đảng.
Thưa ông, chúng ta đang thực hiện bước đột phá trong cải cách hành chính bằng cách thi tuyển lãnh đạo?
Đúng như vậy! Việc thí điểm này là một trong những việc cần làm. Chế độ cán bộ, nhân sự của ta vẫn thực hiện theo quy định của Trung ương. Nhưng với đối tượng là công chức thì phải làm thử để tìm ra một cơ chế nhân sự mới, tìm ra người tài, người giỏi thực sự.
Cái mà hiện nay chúng ta thiếu khi chuyển sang nền kinh tế thị trường là đội ngũ quản trị điều hành. Nói thật thì trong cách quản lý của ta vẫn còn rơi rớt thói quen của thời bao cấp.
Khi chúng ta đổi mới cách quản lý, trao quyền cho các đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì tinh thần là cũng cố gắng để chuyển dần, trao đủ quyền cho các đơn vị trong việc sắp xếp tổ chức, lựa chọn con người vào các vị trí cần thiết.
Thi tuyển công chức là việc tích cực. Hơn nữa, cách làm không phải chỉ là việc đồng nghiệp bỏ phiếu bình thường nữa mà được nâng lên là một cuộc thi. Có quy định, quy chế và đối tượng tham gia thi.
Vừa rồi UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Đề án thí điểm thi tuyển Giám đốc, Phó Giám đốc (tương đương) tại một số đơn vị sự nghiệp.
Ngoài Đà Nẵng, còn địa phương nào tổ chức thi tuyển các chức danh tương đương?
Vừa rồi Long An cũng đã thí điểm thi tuyển chức trưởng phòng ở cấp sở và huyện. Nhưng chủ yếu mới làm ở cấp huyện nhân dịp tái bổ nhiệm công chức theo quy định hiện hành. Long An đã làm tương đối tốt ở chỗ mở rộng đối tượng dự thi, bất luận thí sinh đương chức là trưởng phòng hay nhân viên...
Thưa ông, hiện nay đối tượng thi vẫn bó hẹp trong phạm vi hành chính địa phương. Nếu sau này đối tượng ở nơi khác cũng muốn dự tuyển thì có được chấp nhận?
Chúng ta đang áp dụng thuê giám đốc, kể cả thuê giám đốc là người nước ngoài còn gì! Về lâu dài thì đúng là phải mở rộng cuộc thi tuyển cán bộ cho mọi thành phần trong xã hội miễn là công dân Việt Nam. Tư tưởng chỉ đạo cũng đã rõ.
Chúng ta có đặt vấn đề đối tượng dự thi phải là người trong Đảng không?
Tinh thần chung là không phân biệt trong hay ngoài Đảng, miễn là người đó có kết quả thi tuyển tốt, miễn đó là người thực sự có tài. Theo tôi được biết, trong số người trúng tuyển có cả người ngoài Đảng.
Qua kết quả thi tuyển của Long An và Đà Nẵng vừa rồi được dư luận khá ủng hộ. Vậy theo ông, đến khi nào chúng ta có thể tổng kết thí điểm để làm đại trà?
Cá nhân tôi cho rằng, năm 2007 chắc chắn chúng ta vẫn phải tiếp tục thí điểm. Vì vừa rồi mới chỉ có một thành phố thí điểm thi tuyển ở một đơn vị sự nghiệp, và có thêm một tỉnh làm ở cấp huyện.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng dự kiến đầu năm 2007 sẽ đánh giá, tổng kết lại để rút ra những kết luận cần thiết và có văn bản báo cáo Chính phủ chỉ đạo.
Vậy sắp tới sẽ tiếp tục thí điểm ở những cấp độ nào?
Tôi nghĩ vẫn tiếp tục thí điểm thi tuyển lãnh đạo ở cấp sở. Tuy nhiên, cũng còn phải chờ xem kết quả tổng kết như thế nào. Vì chưa phải là yêu cầu bắt buộc, do đó Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đang khuyến khích các đơn vị đăng ký làm thí điểm trong phạm vi hẹp, trong phạm vi quy định của pháp luật hiện hành.
Còn nếu muốn thí điểm rộng hơn vượt quá quy định hiện hành thì phải xin phép. Ví dụ nếu thí điểm chính quyền đô thị chẳng hạn thì phải trình lên Quốc hội vì có liên quan tới Hiến pháp.
Thưa ông, đến thời điểm này đã có thêm địa phương nào đăng ký làm thí điểm thi tuyển công chức?
Cho đến lúc này thì vẫn chưa thấy đơn vị nào đăng ký thêm. Có lẽ các vẫn đang chờ nghị quyết của Trung ương về đề án cải cách hành chính, trong đó có nêu ra một số chủ trương mới. Nếu đề án đó được ghi vào văn kiện của hội nghị Trung ương thì tôi tin chắc sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia thi tuyển công chức.
Xin cám ơn ông!
Theo Thu Hà
VTCNews