1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người nghèo phải được chăm sóc phúc lợi tốt hơn

(Dân trí) - Đó là lưu ý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và du lịch diễn ra trong 3 ngày từ 17 đến 19/12.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Xã hội hóa là để phục vụ nhu cầu của nhân dân tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đa dạng trên từng lĩnh vực ngày càng cao, trong đó người nghèo và các đối tượng chính sách được phục vụ tốt hơn.

Chi ngân sách cho giáo dục: Nhỏ quá!

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng phát triển xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao ở ta còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng, còn lúng túng. Nguồn nhân lực cả về trí tuệ lẫn vật chất chưa được huy động mạnh mẽ vào xã hội hoá. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức ỷ lại, Nhà nước phải lo.

Vì thế, Thủ tướng chỉ đạo Hội nghị cần phải phải giải quyết ngay những chính sách (thuế, đất, vốn) cho xã hội hóa. Khuyến khích người đầu tư thì chính sách thuế thế nào; về vốn tín dụng đồng ý được vay vốn ưu đãi theo bù lãi suất theo như công nghiệp nặng.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính cùng bàn bạc cụ thể với các Bộ, ngành chức năng để công bố những chỉ tiêu trong việc xã hội hóa các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực này, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch tổng thể để định hướng và xác định bước đi cụ thể cho từng lĩnh vực, tăng cường công tác kiểm tra giám sát... nhằm tạo động lực thúc đẩy ngành giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao phát triển.

Riêng đối với lĩnh vực giáo dục và y tế, yêu cầu của Thủ tướng là phải xã hội hoá nhiều nhất và lẽ ra hai lĩnh vực này phải huy động được nhiều hơn so với hiện nay.

Lý do của yêu cầu này, ví dụ như trong lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng đưa ra nhận xét: Tuy Nhà nước đã dành 20% ngân sách chi cho giáo dục nhưng 20% vẫn là nhỏ quá để phát triển giáo dục.

15% người nghèo được miễn học phí, viện phí

Đối với việc xã hội hoá ở 2 lĩnh vực giáo dục và y tế, Thủ tướng gợi ý: “Nếu chúng ta nhìn vào ngân sách hàng năm để mở cơ sở bệnh viện thì rất khó khăn. Nhà nước muốn lo đủ giường bệnh cho nhân dân nhưng bất lực nên dẫn đến hiện tượng từ Trung ương đến địa phương đều quá tải. Trong khi, rất nhiều người muốn mở bệnh viện tư nhưng vướng cơ chế, nhận thức… .

Do đó, nên liên kết với tư nhân để mở bệnh viện mới. Chẳng hạn như Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) nên liên kết với tư nhân để xây dựng bệnh viện mới : tư nhân có tiền có máy móc, còn ta có đội ngũ bác sĩ tốt”.

Hiện ngành y tế có 30.000 cơ sở hành nghề y tế tư nhân, trong đó có 66 viện tư, 300 phòng khám đa khoa, 87 nhà hộ sinh... Riêng năm 2007 khu vực này khám chữa bệnh cho 3 triệu người.

Đối với lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng nhắc nhở cần xây dựng thêm nhiều trường ĐH, CĐ, dạy nghề, phổ thông trong nước và nước ngoài ngoài công lập, sẽ có ưu đãi gì về thuế, vốn...

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế trong tháng này phải có báo cáo Chính phủ về học phí và viện phí. Chính sách học phí và viện phí của cả hai Bộ này phải theo tinh thần 15% người nghèo được miễn phí; 20% người cận nghèo được hỗ trợ; còn đối tượng có thu nhập trung bình trở lên thì đóng góp phù hợp với khả năng chi trả.

3 yêu cầu của Thủ tướng khi thực hiện xã hội hoá:

1. Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ yếu tiếp tục quan tâm, tăng đầu tư phù hợp điều kiện phát triển kinh tế đất nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Đây là mục tiêu vì con người. 

2. Nhà nước xây dựng cơ chế huy động các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này để đáp ứng yêu cầu đa dạng người dân. Đồng thời có cơ chế chính sách thu hút đầu tư các thành phần kinh tế đóng góp của nhân dân vào lĩnh vực này để nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.

3. Người nghèo, đối tượng chính sách phải được chăm sóc phúc lợi xã hội ngày càng cải thiện hơn phù hợp với điều kiện phát triển đất nước.

Mai Minh