Người nghèo ở vị trí nào trong bối cảnh lạm phát?
(Dân trí) - "Giá gạo tăng có thể xem như một tiếng sét, để Chính phủ có thể thức tỉnh trong thái độ đối xử với người dân” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu nêu ý kiến về đợt tăng giá gạo vừa qua...
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu Quốc hội Hà Nội phát biểu: “Khi chúng ta vừa hội nhập WTO mới được hơn một năm và cũng lại vào thời điểm mà nền kinh tế thế giới có quá nhiều biến động, chúng ta chưa vào guồng ngay được, va vấp là chuyện đương nhiên. Mỗi người chúng ta hãy cảm thông và đồng thuận.”
Nhưng, để đối diện với một đợt bão giá mới, không phải ai cũng có đủ sự cảm thông và đồng thuận, đặc biệt là người nghèo. Cùng đó, dư âm của đợt giá gạo tăng trong tuần cuối tháng 4 vừa qua, dù được nhận định chỉ là đợt sốt ảo nhưng vẫn chưa khiến người dân bình tĩnh trở lại.
Trong khi người nghèo phải đối mặt với tình hình kinh tế vĩ mô không tốt thì đồng thời, như đại biểu Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh nhận xét: "Nhiều tập đoàn đã được Nhà nước ưu đãi quá nhiều” .
Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Du Lịch cũng có chỉ ra rằng: Chính phủ “làm ngơ” để cho doanh nghiệp nhà nước, thay vì làm việc của mình lại "nhảy" vào bất động sản, chứng khoán. Thậm chí, có những tập đoàn nhà nước như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) còn được bảo lãnh tín dụng cho vay 750 triệu USD...
Nhiều tập đoàn dùng tiền Nhà nước để “nhảy” vào thị trường chứng khoán, nhưng khi thị trường chứng khoán thất bại thảm hại thì lỗi lại... không thuộc về ai. “Báo cáo Chính phủ nêu các khó khăn khách quan như thị trường thế giới, thiên tai... Nhưng chả lẽ cứ lấy lý do mãi như thế?" Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia) đặt câu hỏi.
Lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng. Theo như theo dự báo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thì "ít nhất đến hết năm 2008, sang năm 2009, kinh tế nước ta mới đi lên được và mức lạm phát sẽ giảm ngang bằng năm 2007. Sang năm 2010, kinh tế nước ta sẽ ổn định và lạm phát sẽ giảm xuống 1 con số".
Người nghèo có thể cảm thông được không nếu họ lại phải trải qua bão giá?
Có tiếp tục kìm chân giá cả được nữa không?
“Việc can thiệp giá không thể kéo dài vì điều này làm méo mó thị trường, bao cấp tràn lan, hơn nữa, khả năng Nhà nước cũng không kham nổi"- Trao đổi bên lề cùng báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết như vậy.
Khi tình hình lạm phát đã ổn định, kiểm soát được ở mức độ nào đó thì Chính phủ sẽ phải có lộ trình trả lại giá thị trường.
Với câu hỏi, giá cả sẽ bùng nổ sau tháng 6 và sẽ rất ảnh hưởng đến nỗ lực kiểm soát lạm phát của Chính phủ, ông Ninh cho rằng không phải tất cả các mặt hàng đều được tăng giá cùng một lúc. Chính phủ sẽ đưa ra lộ trình cụ thể, cái gì tăng, tăng bao nhiêu. Nhưng chưa thể công bố sớm vì không có lợi cho tình hình chung.
Quan điểm của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng: "Chính phủ phải giữ giá của những vật tư then chốt, ví dụ: dầu, gạo, sắt thép, xi măng. Còn có những mặt hàng có thể lên xuống giá nhưng không ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân như ô tô, giá có tăng thì cũng được!
Lê Châu