1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Người nghèo đạp xe đi nhận rau miễn phí, cơm 0 đồng

Hoàng Thuận

(Dân trí) - Lâm vào cảnh túng thiếu do dịch bệnh, người lao động nghèo vui mừng khi có các điểm phát cơm, rau miễn phí giúp họ cầm cự qua ngày.

Nhận đồ ăn từ thiện sống qua ngày

Bán vé số dạo hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Văn Ngoan (66 tuổi, quê Củ Chi) nghĩ mình lại rơi vào hoàn cảnh bi đát như bây giờ. Đợt dịch lần thứ 4 đã khiến người đàn ông tóc ngả bạc thấp thỏm lo âu do vé số bán mỗi ngày giảm hơn một nửa, thu nhập không đủ trả tiền trọ, tiền điện, tiền nước.

Người nghèo đạp xe đi nhận rau miễn phí, cơm 0 đồng - 1

Ông Ngoan phấn khởi sau khi nhận rau miễn phí.

"Lúc trước bán khoảng 200 tờ, bây giờ chỉ bán 80 tờ mỗi ngày nên tiền kiếm được không đủ chi tiêu. Bán vé số giờ khổ lắm con. Dịch bệnh nên không ai có tiền để mua", ông Ngoan than thở.

Trong lúc đạp xe đi bán vé số, ông Ngoan thấy quầy rau 0 đồng của Đội hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân bày ngay ngắn trên đường số 7 nên tấp vào xin ít rau, củ về nấu ăn qua ngày. Lấy ít cải thảo, đậu côve, hành ngò vừa đủ dùng cho hai vợ chồng, ông Ngoan tiếp tục đạp xe đi bán vé số dưới tiết trời nắng gắt.

Thấy nhiều người lấy rau, em Nguyễn Ngọc Bình (17 tuổi, bán vé số dạo) dừng xe đạp để quan sát, tìm hiểu và định rời đi thì được một thành viên Đội hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân mời: "Chị ơi vô lấy đi. Rau củ miễn phí hết, đừng ngại".

Dựng chiếc xe đạp cũ kỹ trên vỉa hè, Bình lấy ít rau cho đỡ tiền chợ rồi nhanh chóng đi bán cho hết xấp vé số còn dày cộm trên tay. Bình cho biết, em bán vé số từ nhỏ và dịch bệnh khiến việc bán chậm lại. "Đạp xe mỏi chân mà em không bán được tờ nào vì không có ai ra đường", Bình rầu rĩ.

Tương tự, nửa tháng nay ông Nguyễn Văn Thành (69 tuổi) cũng rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính do chạy xe ôm mà không có khách. Thấy chỗ nào có phát đồ từ thiện, ông Thành vào xin về cho cả nhà dùng để cầm cự qua ngày.

"Ai cho cơm thì tôi ghé vào lấy về cho cả nhà ăn, chứ chạy xe ôm mà không có khách thì lấy đâu ra tiền mua. Có hôm người ta cho mì tôm thì tôi nấu làm canh để ăn với cơm. Hôm nay được cho rau củ tươi như thế này thì vợ con tôi mừng lắm", ông Thành chia sẻ.

Người nghèo đạp xe đi nhận rau miễn phí, cơm 0 đồng - 2

Quầy rau 0 đồng với nhiều loại khác nhau được lấy từ Đà Lạt.

Mất thu nhập từ công việc rửa chén do quán ăn đóng cửa, bà Nguyễn Thị Kim Loan (59 tuổi) phải xin gạo, thức ăn từ hàng xóm láng giềng để nấu cho 3 cháu nhỏ ăn. Hay tin có chỗ phát rau 0 đồng trên đường số 7, bà Loan liền mượn xe đạp của hàng xóm để đi nhận.

"Nhà không có tiền, ai cho gì ăn đó. Được cho rau, củ miễn phí như thế này, tôi vui lắm", bà Loan cho hay.

Chưa đầy một tiếng đồng hồ, hơn một tấn rau đã được Đội hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân chia hết cho người dân mất việc, người bán vé số trên địa bàn.

Cơm trưa 0 đồng ở nơi phong tỏa

Ngoài phát rau miễn phí, Đội hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân còn hỗ trợ 500 phần cơm trưa 0 đồng cho người lao động nghèo, người yếu thế, cơ nhỡ và người dân tại các khu vực bị phong tỏa.

Người nghèo đạp xe đi nhận rau miễn phí, cơm 0 đồng - 3

Các thành viên Đội hỗ trợ nhân dân quận Bình Tân phát cơm trưa 0 đồng cho người lao động nghèo trên đường Kinh Dương Vương.

Anh Nguyễn Thanh Hiền (38 tuổi, đội trưởng) cho biết, kế hoạch này được triển khai từ ngày 14/6 và sẽ duy trì cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. "Trước đó, chúng tôi tự nấu khoảng 180 phần mỗi ngày nhưng do dịch bệnh phức tạp nên Đội nhận cơm từ các bếp ăn để tiếp tục hỗ trợ người dân", anh Hiền cho hay.

Đúng 10h30 mỗi ngày, các thành viên của Đội đi nhận cơm và mang đến phát cho người dân ở 2 địa điểm bị phong tỏa, phát cho người lao động nghèo tại một điểm trên đường Kinh Dương Vương, một điểm trên đường số 7.

Có mặt tại đường Kinh Dương Vương, cô Lê Thị Phượng (50 tuổi) cho biết phải đi sớm vì sợ mất phần cơm trưa. Không ai thuê làm việc nhà trong mùa dịch, cô Phượng rơi vào tình cảnh túng thiếu như bao người lao động nghèo khác.

"Không ai thuê làm việc thì lấy đâu ra tiền. Trưa nào tôi cũng ra đây từ sớm để lấy cơm từ thiện. Cuộc sống bây giờ khó khăn quá", cô Phượng buồn rầu.

Ghi nhận, hơn 100 suất cơm trưa đã được phát hết trong chưa đầy 20 phút; nhiều người bán vé số hụt hẫng do tới trễ. Tại 2 điểm bị phong tỏa, các suất cơm này được bày ngay ngắn trên bàn và người dân xếp hàng nhận lần lượt để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Người nghèo đạp xe đi nhận rau miễn phí, cơm 0 đồng - 4

Trang Hoài An (19 tuổi, sinh viên) mang bánh mì kèm nước suối cho khoảng 200 người trong khu phong tỏa trên đường Trần Thanh Mại vào chiều ngày 19/6.

Liên quan đến đời sống của người yếu thế trong các khu phong tỏa, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, đơn vị đã rà soát những trường hợp khó khăn để có phương án hỗ trợ kịp thời.

"Người dân không có tiền mua các nhu yếu phẩm thì chúng tôi sẽ hỗ trợ thức ăn, đường, gạo, mắm, muối đến tận nơi. Đồng thời, chúng tôi cũng vận động các nhà hảo tâm chung tay với chính quyền hỗ trợ thực phẩm thiết yếu cho người tại các khu phong tỏa", bà Dung cho hay.

Theo bà Dung, trên địa bàn quận hiện có 36 điểm phong tỏa trải đều tại 9/10 phường, không tính khu phố 2, 3, 4 của phường An Lạc vừa được thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.