Người Mỹ bảo vệ đê sông Hồng
Ông Ramsey Clark - người từng nắm giữ cán cân công lý của nước Mỹ - từng suýt bị truy tố, chỉ vì đã dũng cảm đến miền Bắc Việt Nam vào thời điểm Mỹ bắn phá ác liệt năm 1972 để ủng hộ cuộc kháng chiến giành độc lập.
Hình ảnh ông Clark trò chuyện với người dân miền Bắc Việt Nam trong chuyến thăm năm 1972 được đăng tải trên báo chí Mỹ.
Ông nói ông không thể làm khác với lương tri, khi đã tận mắt thấy những bệnh viện, những trường học bị bom Mỹ tàn phá; khi người dân Việt Nam dù coi ông là “sinh vật kỳ lạ” nhưng lại nhường cho ông con cá duy nhất trong bữa ăn đạm bạc của mình…
“Sinh vật kỳ lạ nhất”
Để được gặp cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Ramsey Clark quả không dễ. Bởi, chương trình của ông dày đặc và di chuyển liên tục, khi ông là khách mời danh dự của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam trong chương trình kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris từ ngày 24-28/1. Nhưng sự kiên trì của tôi đã mang lại kết quả, khi cuối cùng ông cũng xuất hiện, dù bước đi có phần mệt mỏi và không vững. Ông xin lỗi vì để tôi phải chờ lâu, dù chính ông cũng chưa được dùng bữa tối.
Dấu ấn tuổi tác hiện rõ trên gương mặt, giọng nói của vị cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lừng lẫy một thời, khiến tôi phải ngồi rất gần mới có thể lắng nghe được tiếng ông. Nhưng có một thứ mà thời gian chưa thể lấy đi của chính trị gia nổi tiếng này, đó là trí tuệ và tình cảm chân thành với nhân dân Việt Nam. “Vì sao ông quyết định đến Việt Nam giữa màn bom đạn ác liệt năm 1972?” “Chính phủ Mỹ lúc đó đang theo đuổi kế hoạch tàn phá các con đê của miền Bắc Việt Nam. Tôi quyết định phải ngăn chặn kế hoạch này. Tôi muốn chứng minh hệ thống đê điều của Việt Nam chỉ để bảo vệ người dân khỏi nước lũ, chứ không phải là căn cứ quân sự của quân đội Việt Nam!”.
Vào một ngày tháng 8/1972, ông Ramsey Clark là người Mỹ duy nhất có mặt trong một phái đoàn quốc tế đến Việt Nam Dân chủ cộng hòa để thị sát những tàn phá mà cuộc chiến của Mỹ gây ra tại Việt Nam. Do máy bay Mỹ bắn phá quá ác liệt, nên suốt thời gian ở Việt Nam, xe chở ông Clark không thể di chuyển vào ban ngày, mà chỉ có thể lầm lũi chạy trong đêm tối. Đoán định tôi sinh ra sau chiến tranh, không có dấu ấn về thời chiến, nên ông giải thích thêm: “Bất cứ vật gì di động trên đường khi đó cũng có thể trở thành mục tiêu bị ném bom”.
Trong 2 tuần đi thăm miền Bắc Việt Nam năm 1972, ông Ramsey Clark đã đặt chân đến 7 tỉnh, thành phố, tận mắt chứng kiến cảnh tượng hoang tàn do bom Mỹ, cũng như cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam. Ông đã ở cùng gia đình của người phiên dịch 1 ngày 1 đêm để hiểu hơn về cuộc sống tại làng quê nghèo Việt Nam trong chiến tranh. “Gia đình họ không nói được tiếng Anh, chưa từng rời khỏi làng và cũng chẳng hề thấy một người phương Tây nào trước đó. Họ nghĩ tôi là sinh vật lạ kỳ nhất từng thấy...” – ông cười.
“Họ có biết ông là người Mỹ không?” - “Có chứ”. “Họ phản ứng ra sao?” Ông Clark dừng lại một vài giây, nheo mắt vì xúc động: “Họ rất tốt. Họ vẫn chăm sóc tôi rất chu đáo, như thể không phải tôi đến từ nước Mỹ - kẻ thù đang ném bom tàn phá làng mạc của họ. Trong bữa ăn mời tôi, cả gia đình chỉ có một nồi cơm, với thức ăn rất đạm bạc gồm mắm muối và một con cá. Họ gắp cho tôi con cá... Tất nhiên, tôi không thể ăn nó được...!”.
“Họ kể cho tôi nghe về cuộc sống. Rồi chúng tôi nói chuyện về chiến tranh. Bé gái trong gia đình bỗng đứng thẳng dậy và nói: “Khi nào lớn lên, con sẽ cầm súng đánh Mỹ”. Tôi thật sự bàng hoàng và đau xót. Cuộc chiến của Mỹ đã tước đi của những em bé ngây thơ này ước mơ giản dị được trở thành bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, như lẽ ra lứa tuổi các em nên có!”.
“Khi tôi trèo lên đống gạch đổ nát…”
Sau khi trở về nước Mỹ, ông Clark đã có bài phát biểu trước “Ủy ban Điều tra quốc tế về tội ác chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương”. Rất nhiều hãng thông tấn, truyền hình và phát thanh lớn ở Mỹ như ABC News, CBS thực hiện chương trình phỏng vấn dài kỳ với ông. Life Magazine – tạp chí có số lượng phát hành lớn nhất tại Mỹ - đã đăng những bức ảnh ông Clark chụp được về cuộc sống tại miền Bắc Việt Nam, đồng thời dành hẳn một trang cho bài viết với nhan đề “Những gì tôi đã nghe và đã thấy ở miền Bắc Việt Nam” trong số tháng 8/1973.
Những mô tả của cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trong bài báo đủ làm thức tỉnh nhân dân tiến bộ Mỹ sự thật về cuộc chiến tại Việt Nam: “Những gì tôi tận mắt chứng kiến trong 2 tuần ở miền Bắc Việt Nam chỉ là sự tàn phá kinh hoàng tại các thành phố, làng mạc. Sự chết chóc tang thương đó là điều tôi không bao giờ muốn một lần nữa phải nhìn thấy trong đời...”.
“Khi tôi trèo lên những đống gạch đổ nát của khu vực thuộc thành phố Hải Phòng vào ngày 5/8, chỉ huy lực lượng phòng không cho hay đợt không kích của Mỹ đã làm 25 người chết, 43 người bị thương”.
“Ở miền Nam Việt Nam, bom Mỹ buộc người dân quê tị nạn ra thành phố. Ở miền Bắc Việt Nam, nó lại khiến con người phải ngược thành phố về quê. Thậm chí, các quan chức cấp cao cũng phải gửi vợ con họ về làng, nhưng không được ở cùng nhau mà phải chia tách. Vì họ biết ngay cả làng mạc cũng sẽ bị giội bom, và không muốn mạo hiểm để mất toàn bộ gia đình ở cùng một nơi”.
Những ký ức đau buồn của cuộc chiến dội lại trong trí nhớ khiến ông Clark thở dài: “Tôi từng lớn lên trong Thế chiến II nên có thể chịu đựng được khi nhìn thấy sự phá hủy vật chất tại các thành phố. Nhưng thật quá sức khi phải chứng kiến những người dân Việt Nam hiền lành, lam lũ phải sống trong điều kiện vô cùng tồi tàn giữa những trận ném bom...”.
“Trường học đặc biệt có ý nghĩa với tôi. Tôi luôn tin giáo dục có thể cứu thoát chúng ta. Vậy mà tôi đã thấy 6 trường học bị tàn phá nặng nề. Trên bức tường một lớp học còn sót lại, tôi vẫn còn đọc được câu châm ngôn: “Kính thầy - Chăm học”. Thật khó tin Mỹ đã cho ném bom cả các trường học và bệnh viện, nhưng đó lại là sự thật” - ông nói.
Người bảo vệ đê sông Hồng
Bài báo và những bức ảnh về chuyến đi đến Việt Nam của cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trên tạp chí Life khiến dư luận tiến bộ Mỹ sục sôi. Phong trào phản chiến lan nhanh mạnh mẽ. Điều này đã góp phần buộc Chính phủ Mỹ phải hủy bỏ kế hoạch ném bom đê sông Hồng. Đây là lý do khiến ông Clark còn có một biệt danh thân mật khác là “người bảo vệ đê sông Hồng”.
Theo bình luận của Tạp chí Life, cựu Bộ trưởng Tư pháp Clark là người Mỹ danh tiếng nhất, tính đến thời điểm đó, từng đến miền Bắc Việt Nam kể từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh. Song, việc ông Clark đi thăm miền Bắc Việt Nam và những bình luận phản chiến của ông sau chuyến đi, cũng làm dấy lên phản ứng quá khích từ những nhân vật mù quáng ủng hộ cuộc chiến trong chính quyền Mỹ. Một cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, John Michell, đã mô tả ông Clark là “kẻ khờ” và “con rối bị Hà Nội giật dây”. Thậm chí, nhiều người gọi ông là “kẻ phản bội”.
“Điều đó có khiến ông giận dữ?” - “Tôi không giận, bởi họ là những người không muốn nhìn vào sự thật. Còn tôi đã làm theo những gì lương tri mách bảo: “Nói ra những điều tận mắt trông thấy - cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trả lời - Tôi đã thấy bom đạn Mỹ phá hủy nhà thờ, bệnh viện, trường học, đê điều. Nhưng Mỹ không thể dùng bom để khuất phục người Việt Nam”...
Ít người biết, chuyến thăm đến Việt Nam năm 1972 còn khiến vị cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đối mặt với nguy cơ bị truy tố vì “hành động chống nước Mỹ”. Ông kể: “Ngay trước chuyến đi, tôi nhận được điện thoại từ một quan chức trong chính quyền đe dọa rằng tôi sẽ bị truy tố khi về nước. Khi máy bay hạ cánh xuống San Francisco, tôi thấy rất nhiều phóng viên đang đợi ở đó. Một người từ Đài Truyền hình CBS chạy đến và hỏi: “Ông Clark, tôi nghe nói ông sẽ bị truy tố?”. Tôi vặn lại: “Bạn có nghĩ tôi đã làm điều gì sai để bị truy tố không?”. Người phóng viên này mỉm cười và ra hiệu đón chào tôi trở lại nước Mỹ”. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đủ khôn ngoan để hiểu không thể và không nên truy tố ông Clark.
Khi tôi hỏi: “Ông có bao giờ hối hận về chuyến thăm VN năm 1972?”, vị cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trả lời ngắn gọn: “Chưa khi nào”. “Nếu có một điều hối tiếc thì đó là tôi đã không thể đến Việt Nam trước năm 1972, để có thể góp phần đưa sự thật chiến tranh đến với người dân Mỹ sớm hơn” - ông nói thêm.
Sinh năm 1927, có bằng tiến sĩ luật khi mới 23 tuổi, trong nhiều năm liền ông Ramsey Clark là một giáo sư có tiếng tại Mỹ. Năm 40 tuổi, ông được chỉ định làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, và là một trong những bộ trưởng trẻ nhất trong nội các của Tổng thống Lyndon Johnson. Sau khi rời công sở, ông quyết định trở thành nhà hoạt động hòa bình chống chiến tranh thuộc cánh tả ở Mỹ. Ông cũng từng là Chủ tịch Hội Luật gia Mỹ (ABA). |
Theo Phương Thủy
Lao Động