1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người lính U60 đi xe máy xuyên Việt: “Tổ quốc mình đẹp quá!”

(Dân trí) - Dù tuổi đã gần 60, ông Trần Văn Hưng và vợ đã thực hiện chuyến hành trình đi xe máy từ Hà Nội vào ăn tết ở Thành phố mang tên Bác.

Từng tham gia chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, từ nhiều năm nay, ông Trần Văn Hưng (ở quận Đống Đa, Hà Nội) ấp ủ thực hiện chuyến đi xe máy thăm lại mảnh đất Quảng Trị anh hùng rồi vào TPHCM ăn tết cùng con cháu.

Chiếc xe máy cũ “cõng” hành lý cồng kềnh
Chiếc xe máy cũ “cõng” hành lý cồng kềnh
 
Xuất phát từ Thủ đô ngày 17/1, ông Hưng và vợ là bà Nguyễn Thị Thi đi xe máy 8 ngày đêm thì đến TPHCM. Nếu giới trẻ phải dùng đến bản đồ hay Google Map để định hướng thì người lính già chẳng cần gì ngoài chiếc xe Wave cũ kỹ: “Tôi cứ theo đường 1 (quốc lộ 1A) mà đi, đường 1 đến đâu thì đó là đất nước mình”.
 
Ông Hưng nhớ nhất là lúc đi qua Hà Tĩnh, hai ông bà vốn đã định vào thắp hương cho 10 nữ liệt sĩ ở ngã ba Đồng Lộc nhưng trời mưa to quá không rẽ vào được: “Thế là không hiểu tại sao xe bỗng nhiên chết máy, phải dắt bộ 1km. Kiểm tra cũng không phát hiện được gì. Tôi mới khấn trong bụng: “Thôi thì các cô cho người lính đi, có gì sai sót các cô hãy châm chước”, rồi xe lại đi được. Sau đó, có một lần phải thay ruột xe, rồi cứ thế bon bon thẳng đến Sài Gòn, không gặp trở ngại gì nữa. Đây có thể là việc ngẫu nhiên nhưng cũng có thể là vấn đề tâm linh mà mình không giải thích được”.
 
Hai ông bà đi tới đèo Ngang (Hà Tĩnh) thì trời mưa to
Hai ông bà đi tới đèo Ngang (Hà Tĩnh) thì trời mưa to

Đến Quảng Trị, nơi mà ông Hưng cùng đại đội 6 tiểu đoàn 2 trung đoàn 48, sư 320B chiến đấu 81 ngày đêm để bảo vệ thành cổ, ông bồi hồi nhớ lại mấy câu trong tập thơ ở nhà:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
Hai ông bà đi tới đèo Ngang (Hà Tĩnh) thì trời mưa to
Ông Hưng uống một ngụm nước sông Thạch Hãn để cảm ơn mảnh đất đã che chở cho mình sống sót, đã sinh ra mình lần thứ 2
 
Còn đến đèo Cả (giáp ranh Phú Yên - Khánh Hòa) cũng là một nơi ấn tượng với hai vị khách lữ hành cao tuổi, vì họ không quen đi đường đèo dốc: “Lúc lên đèo thì không sao nhưng khi xuống tôi hơi lo lắng. Thế mà người địa phương họ cứ đi ào ào” - ông Hưng nhớ lại.
 
Phút nghỉ ngơi ở quán cà phê võng
Phút nghỉ ngơi ở quán cà phê võng
 
Ông Trần Văn Hưng: “Món ăn mỗi vùng có hương vị riêng, món nào cũng ngon”.
Ông Trần Văn Hưng: “Món ăn mỗi vùng có hương vị riêng, món nào cũng ngon”.

Suốt chuyến hành trình, ông Hưng là tài xế vì vợ ông điều khiển xe máy không tốt lắm. Hai ông bà cứ đi khoảng 150km lại đổ 50.000 đồng tiền xăng. Và cứ 100-200km dừng lại ăn uống, chiều đến thì thuê khách sạn nghỉ ngơi. Ông Hưng cười: “Món ăn các miền không hợp khẩu vị bà nhà tôi cho lắm, còn tôi thì ăn được hết, đời lính chẳng ngại gì”.

Đây không phải lần đầu ông bà ăn tết ở TPHCM nhưng những lần trước đi bằng tàu hỏa, máy bay. Lần này đi bằng xe máy mới tận hưởng được phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở các miền, ông Hưng thốt lên: “Không thể dùng lời tả hết được, Tổ quốc mình nơi nào cũng đẹp!”.

Hồng Nhung ghi
Ảnh do nhân vật cung cấp