Người lính từng lái xe đưa Dương Văn Minh đi đọc tuyên bố đầu hàng

(Dân trí) - 40 năm trước, vào ngày 30/4/1975, người lính Đào Ngọc Vân đã cầm lái chiếc xe đưa Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng.

Cựu chiến binh Đào Ngọc Vân (66 tuổi) nay sống ở phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa. Những ngày này, khi cả nước hân hoan đón mừng lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng, lòng ông lại bồi hồi khôn tả.

Dương Văn Minh (ngồi bên phải) đọc tuyên bố đầu hàng trưa ngày 30/4/1975.
Dương Văn Minh (ngồi bên phải) đọc tuyên bố đầu hàng trưa ngày 30/4/1975.

Ông Vân nhớ lại, hồi ấy trước khi nhập ngũ, ông từng tham gia đội xe giải phóng giao thông cầu Hàm Rồng. Người thanh niên Đào Ngọc Vân chỉ với cân năng 35kg, vóc dáng nhỏ nhắn nhưng rất hoạt bát, nhanh nhẹn, được điều động vào làm lái xe của Đại đội 14, Trung đoàn E66, Sư đoàn 304.

Ông Đào Ngọc Vân.
Ông Đào Ngọc Vân.

Trên những nẻo đường của các trận đánh ác liệt tại các chiến trường như đường 9 Nam Lào, chiến trường A Sầu, A Lưới, Thượng Đức, Đại Lộc… đều in dấu chân ông và các đồng đội. Tại chiến trường Đại Lộc, sau trận đánh ác liệt, quân địch tháo chạy, Trung đoàn E66 thu được nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có chiếc xe Jeep mang biển số 15770.

Điều vinh dự lớn với ông Vân khi đó là ông được giao lái chiếc xe Jeep 15770. Hưởng ứng Chiến dịch Hồ Chí Minh, cuối tháng 3/1975, Trung đoàn của ông được lệnh tấn công vào sào huyệt của chính quyền Sài Gòn, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.

Sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn nhận lệnh chuẩn bị phối hợp với các binh chủng chọc sâu vào trung tâm đầu não của địch tại Sài Gòn, xa lộ Biên Hòa, Thủ Đức, cầu Sài Gòn. Ông điều khiển chiếc xe Jeep xuất phát từ bến cảng Sài Gòn, trên xe có 5 người khác là: Trung đoàn phó - Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung úy tác chiến Nguyễn Khắc Nhu, Trung úy Phùng Bá Đam, lính thông tin Bàng Nguyên Thất và đồng chí Nguyễn Huy Hoàng thuộc Ban liên lạc.

Đến 6h sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn E66 cùng với xe tăng của Lữ đoàn 203 tiến về hướng cầu Sài Gòn. Sau khi chiến đấu với quân địch tại đây, Đại úy Phạm Xuân Thệ nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 dùng xe Jeep 15770 dẫn đơn vị vượt cầu Sài Gòn, tiến sâu vào nội đô cùng phối hợp chiến đấu với các binh đoàn khác.

Đến trưa ngày 30/4/1975, đơn vị của ông đã tiến sát cửa ngõ Sài Gòn, cả Sài Gòn lúc bấy giờ hừng hực khí thế tiến công của quân và dân ta. Khi còn cách Dinh Độc Lập khoảng 500m, Lữ đoàn xe tăng 203 đi trước làm nhiệm vụ phá cổng chính và cổng phụ của tòa nhà, còn chiếc xe Jeep 15770 do ông Vân cầm lái tiến thẳng vào sảnh chính của Dinh.

Trước khí thế hừng hực của quân giải phóng, Dương Văn Minh cùng nội các đã phải đầu hàng vô điều kiện. Tiếp đó, Dương Văn Minh và thuộc cấp của mình được đưa lên chiếc xe Jeep do ông Vân lái để ra Đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi binh lính, chính quyền Sài Gòn bỏ vũ khí đầu hàng lực lượng quân giải phóng vào 11h30 trưa ngày 30/4/1975.

Một số hình ảnh kỷ niệm của ông Đào Ngọc Vân (ảnh do nhân vật cung cấp).
Một số hình ảnh kỷ niệm của ông Đào Ngọc Vân (ảnh do nhân vật cung cấp).

Niềm tự hào khi được chứng kiến thời điểm lịch sử trọng đại của đất nước vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức người lính quân giải phóng 40 năm qua. Tận hưởng 40 năm hòa bình, mỗi lần nhớ về quá khứ ông lại trào nước mắt thương những đồng đội đã ngã xuống, không kịp chứng kiến ngày Bắc - Nam liền một dải.

Rời quân ngũ trở về với cuộc sống thời bình, ông Vân xin về đơn vị cũ công tác. Sau này ông nghỉ hưu về vui sống bên gia đình. Giờ đây, người dân khu phố Ngô Văn Sở, phường Ngọc Trạo đã quá quen thuộc với hình ảnh người cựu binh ngày ngày phụ giúp vợ bán đồ ăn sáng...

Nguyễn Cường - Duy Tuyên