1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người lính pháo binh và ký ức những ngày bảo vệ yếu địa phà Gianh

(Dân trí) - Mỹ ném bom ác liệt, trận địa pháo gần như tê liệt hoàn toàn, phải hạ nòng súng và sơ tán vào trong dân. Nhưng ngay sau đó, trận địa pháo lại được triển khai. Phà sông Gianh - con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường Miền Nam - vẫn đảm bảo thông suốt.

Cựu lính pháo cao xạ Lê Đức Minh.
Cựu lính pháo cao xạ Lê Đức Minh.

Nép mình trong con ngõ thuộc khối 17, phường Hà huy Tập (Tp Vinh, Nghệ An), căn nhà nhỏ của cựu chiến binh Lê Đức Minh (SN 1952) có vẻ “khiêm tốn” hơn những nhà hàng xóm. Mấy chục năm biền biệt ở khắp các chiến trường, ông cũng ít có thời gian chăm lo việc gia đình, nhà cửa. Tất tật mọi việc trong nhà đều phải nhờ tới bàn tay tần tảo, tháo vát của người vợ bé nhỏ. Nghỉ hưu, ông mới có điều kiện đỡ đần vợ con nhưng công việc của Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh khối cũng ngốn hết phần lớn thời gian của ông Minh.

Ông bảo, cả cuộc đời ông gắn liền với binh nghiệp. Đến khi Nhà nước cho nghỉ rồi nhưng cái “nghiệp” nhà binh vẫn là một phần cuộc sống của ông, không dễ gì bỏ được. Những ngày này, ông tất bật lo chính sách cho đồng đội, đồng chí của mình nên cũng ít có thời gian mà nghĩ cho bản thân. Thế nhưng, ký ức về những ngày đạn bom khói lửa vẫn như một cuốn phim, lần giở từng trang đời rất đỗi hào hùng của một người lính.

10 ngày ở Ba Đồn

20 tuổi, Lê Đức Minh lên đường nhập ngũ, phiên chế vào đại đội 1, tiểu đoàn Pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân (Quân khu 4). Cuối tháng 10/1972, tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân được lệnh hành quân vào thay đơn vị pháo 214 bảo vệ phà sông Gianh (Quảng Bình).

“Lúc này, cả nước đang dồn sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Giặc Mỹ điên cuồng phá hoại nhằm hạn chế đến mức thấp nhất chi viện của miền Bắc cho chiến trường. Phà sông Gianh là một trọng điểm đánh phá ác liệt của chúng.

Khi vào tới nơi cũng là lúc Mỹ lật lọng, không chịu ký kết hiệp định Pari vào ngày 26/10 như thoả thuận trước đó. Không những thế, chúng còn thay đổi chiến thuật và phương án, tần suất các trận bom đánh phá từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc. Bằng cách sử dụng tia lazer trong việc xác định điểm đánh phá và sử dụng bom điều khiển bằng thiết bị điện tử. Với phương thức này, hầu như bom đều thả đúng mục tiêu nhưng pháo lại không thể phát huy hiệu quả, do vậy thiệt hại là rất lớn”, ông Minh nhớ lại.

Cựu chiến binh Lê Đức Minh kể về những ngày bảo vệ yếu địa phà Gianh.
Cựu chiến binh Lê Đức Minh kể về những ngày bảo vệ yếu địa phà Gianh.

Vừa vào đến Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình), chưa kịp phổ biến phương án tác chiến thì ngay lập tức trận địa pháo của tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân đã phải hứng chịu những trận bom dội như mưa của đế quốc Mỹ. Trận địa pháo gần như bị tê liệt hoàn toàn. Chỉ trong một thời gian ngắn, bom Mỹ đã làm tê liệt hoàn toàn đại đội 3, 50% pháo bị hư hỏng nặng, con số thương vong lên tới một nửa. Cứ 30 phút, máy bay Mỹ lại tới dội bom một lần bất kể ngày đêm. Bom sát thương, từ trường, bom bi như vãi trấu xuống khu vực trận địa. Cả một trảng cát dài dày đặc các loại bom.

“Trong suốt 10 ngày, pháo không thể phát huy được hiệu quả trong khi đó vũ khí, thiết bị bị hư hỏng, lính bị thương, hi sinh nhiều. Chúng tôi được lệnh hạ nóng pháo xuống, di tản vào trong dân và tìm cách kéo pháo ra khỏi trận địa. Đây có lẽ là lần duy nhất trong lịch sử của pháo cao xạ khi phải hạ nòng súng. Như thế đủ để hiểu sự ác liệt trên mặt trận này là như thế nào.

Trinh sát được cử đi thu gom bom bi, dọn đường, cắm cọc tiêu để anh em kéo pháo ra. Đến 10h ngày 31/10/1972, pháo mới được rút ra khỏi trận địa”, ông Minh kể tiếp.

Quyết bảo vệ huyết mạch chi viện vào Nam

Pháo được kéo về xã Quảng Lưu. Lúc này, các đơn vị đã được quân khu và các đơn vị pháo sở tại phổ biến kinh nghiệm, phương thức tác chiến phù hợp với tình hình mới. Nghiên cứu cách đánh của địch, thay vì bố trí trận địa tập trung như trước, tiểu đoàn pháo cao xạ đã bố trí thành những cụm pháo vệ tinh để phục kích đường bay của máy bay chỉ đường.

“Bằng việc sử dụng tia lazer dẫn đường, xác định mục tiêu thì các máy bay cắt bom chỉ có nhiệm vụ thả bom ra khỏi máy bay. Quả bom sẽ được điều khiển bằng thiết bị điện tử, thả chính xác mục tiêu mà tia lade đã xác định từ trước. Bởi vậy, thay vì bắn máy bay cắt bom, chúng tôi nhắm vào máy bay lade”, trắc thủ số 2 Lê Đức Minh nhớ lại.

Với việc bố trí trận địa vệ tinh và xác định đúng mục tiêu, tính toán đường bay, tầm cao cũng như phối hợp với các đơn vị pháo, tên lửa, phương thức thả bom lade của Mỹ từng bước bị “bắt bài”.

Cựu chiến binh Lê Đức Minh kể về những ngày bảo vệ yếu địa phà Gianh.

10 ngày ở Ba Đồn đã đi vào lịch sử của lực lượng pháo cao xạ về sự khốc liệt nhưng cuối cùng, những người lính pháo cao xạ cùng các lực lượng phối hợp đã bảo vệ an toàn cho phà Giang, đảm bảo con đường chi viện vào chiến trường miền Nam luôn thông suốt.

“Khẩu pháo của tôi bị hi sinh 2 người ngay tại trận địa. Trắc thủ chính bị mất sức chiến đấu. Đồng chí trinh sát phải kiêm luôn nhiệm vụ trắc thủ chính. Ngày đó, địch cứ thả bom cầm canh 30 phút một lần, gần như chúng tôi ở trên mâm pháo suốt ngày đêm. Mỗi người chỉ tranh thủ chợp mắt được một chút, trong quãng thời gian giữa 2 lần thả bom của địch.

Lúc đó, chính chúng tôi cũng không hiểu mình lấy đâu ra sức lực để chiến đấu với kẻ thù. Có lẽ là sống trong phong trào chung của cả nước, của khí thề hừng hực quyết tâm giải phóng đất nước đã cuốn mình hòa vào cuộc chiến đấu của cả dân tộc nên mọi gian lao, hiểm nguy đều được mỗi người lính vượt qua. Mỗi người đều chiến đấu vì một mục tiêu duy nhất: tiêu diệt nhiều địch, giải phóng đất nước”, ông Minh tâm sự.

Khi máy bay chỉ đường bị vô hiệu hóa thì thiệt hại do các đợt thả bom của địch cũng bị hạn chế đi rất nhiều. Dưới tầm pháo cao xạ và tên lửa, yếu địa phà Gianh vẫn đảm bảo sứ mệnh huyết mạch giao thông Bắc - Nam, vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men được chi viện kịp thời vào Miền Nam góp phần giúp bộ đội ăn no đánh thắng.

Các trận thắng dồn dập của quân và dân miền Nam buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký hiệp định Pari ngày 23/1/1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Sau khi hiệp định Pari được ký kết, tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân được lệnh trở ra Bắc. Lê Đức Minh được cử đi học rồi về Quân đoàn 4, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1982, ông chuyển qua mặt trận 799 - Quân khu 7. Năm 1984, chuyển công tác về Trường quân sự tỉnh và công tác tại đây cho đến khi nghỉ hưu.

Hoàng Lam