1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Người lính doanh nhân nặng lòng với những cảnh đời khốn khó

(Dân trí) - Người lính Trịnh Xuân Lâm trở về với vết thương chiến tranh trên cơ thể, thế nhưng khi nhìn những gia cảnh khốn khó, người dân quê đói khổ, đồng đội lâm cảnh đói ăn, thiếu mặc… ông luôn trăn trở làm thế nào để giúp họ thoát khỏi cuộc sống bần hàn ấy….

Gần 40 năm qua, từ việc lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng, giờ đây người cựu binh Trịnh Xuân Lâm (SN 1956, quê xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tiên Sơn (Công ty Tiên Sơn) đã “hóa giải” được nỗi trăn trở ấy. Mỗi năm ông tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, chăm lo đời sống cho người nghèo, gia đình có công với cách mạng và đặc biệt là xây dựng quỹ khuyến học mang tên “Trịnh Lâm”.

48392969_2238668069791941_6755978664640249856_n

Cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm đã vươn lên thoát nghèo, giúp giải quyết việc làm cho con em nông thôn.

 

Lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở xã Hà Vinh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), ông là con cả trong gia đình 12 người con, bản thân ông và các em vì nghèo khó mà không được học hành đến nơi đến chốn. Người dân quê ông quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ ăn, con cái vẫn không thể theo học được hết con chữ.

Năm 1975, khi mới 19 tuổi, chàng trai trẻ Trịnh Xuân Lâm lên đường nhập ngũ và biên chế vào Quân đoàn 1, Sư đoàn 312 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, Trịnh Xuân Lâm trở về địa phương với thương tật 38% (hạng 4/4) và tiếp tục được cho đi học hạ sĩ quan pháo binh. Thế nhưng, ý thức được cuộc sống gia đình quá khó khăn, bố mẹ cũng đã già, nhà lại đông anh em nên năm 1978, Lâm quyết tâm xin ra quân để về lo cho gia đình.

Người lính doanh nhân nặng lòng với những cảnh đời khốn khó - Ảnh 1.

Cựu binh Trịnh Xuân Lâm đã "hóa giải" được nỗi trăn trở làm sao để người dân quê thoát nghèo.

Những năm đầu trở về quê hương, ông phải lăn lộn làm đủ thứ nghề để có thể mưu sinh nuôi sống gia đình. Năm 1990, cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm quyết định đưa gia đình rời huyện Nga Sơn lên thị xã Bỉm Sơn trong điều kiện kinh tế rất eo hẹp. Lên nơi ở mới, ông Lâm phải bươn chải bằng đủ thứ nghề để mưu sinh, chủ yếu là thu mua xi măng vụn của nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, sắt thép phế liệu. Ròng rã bốn năm bôn ba khắp các tỉnh thành phía Bắc, Trịnh Xuân Lâm học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về con đường kinh doanh, đặc biệt là mô hình công ty tư nhân.

Năm 1995, từ những đồng vốn ít ỏi, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Tiên Sơn, đây là Công ty TNHH đầu tiên ở TX Bỉm Sơn được thành lập và là tiền thân của Tổng công ty Tiên Sơn hiện nay. Lúc mới thành lập, Công ty mới chỉ có 10 lao động, với nhiệm vụ thu mua sắt thép phế liệu, phế thải và mua xi măng.

Với quyết tâm “dám nghĩ, dám làm”, ông tiếp tục mở thêm xưởng xén kẻ giấy, đóng sách vở học sinh, kinh doanh vận tải ô tô, từ đó đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động chủ yếu là cựu chiến binh và con em cựu chiến binh trên địa bàn.

Năm 2002, ông hợp tác với một người bạn làm trong ngành công nghệ để mở xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bằng bột gỗ. Công việc này đã thu hút được hơn 300 lao động tham gia. Duy trì được những xưởng sản xuất, đồng thời không ngừng tích lũy vốn để mở rộng sản xuất.

Người lính doanh nhân nặng lòng với những cảnh đời khốn khó - Ảnh 2.

Hiện cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm có 9 nhà máy may xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Năm 2006, ông mở rộng sang ngành may mặc xuất khẩu. Để có bước phát triển mới này, mọi chuyện diễn ra thật tình cờ. Năm 2003, ông biết có xưởng may của một công ty đang trong quá trình cổ phần hoá. Xưởng may này không trụ nổi trước sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, làm ăn thua lỗ. Ông đã suy nghĩ và mạnh dạn đứng ra mua lại xưởng, bỏ tiền đầu tư để vực lại xưởng may. Với đầu óc tính toán năng động, dám nghĩ, dám làm, ông đã nhanh chóng “hồi sinh” xưởng may.

Sau khi mua lại nhà máy, ông Lâm cho biết công ty đối diện với rất nhiều khó khăn, khái niệm về ngành may mặc vẫn còn rất mơ hồ với nhiều cán bộ công nhân viên. Lúc đó, một mặt ông đã phải thương thuyết với phía bán lại công ty cho các cán bộ kỹ thuật ở lại để hỗ trợ, duy trì khâu sản xuất, đào tạo chuyển giao, mặt khác ông phải chạy khắp nơi để tìm đơn hàng, thậm chí có thời điểm ông nhận đơn hàng có 4.000 đồng nhưng phải chấp nhận gia công lên tới 7.000 đồng để giúp nhà máy vượt qua thời điểm khó khăn.

Quan tâm khuyến học khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa

Người lính cụ Hồ Trịnh Xuân Lâm sau khi cơ duyên đến với ngành may mặc và gắn bó cho đến giờ, công ty của ông đã có tới 9 nhà máy may xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động nông thôn.

Người lính doanh nhân nặng lòng với những cảnh đời khốn khó - Ảnh 3.

Cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ là 1 doanh nhân cựu chiến binh thành đạt, ông Trịnh Xuân Lâm còn luôn chăm lo và làm tốt công tác xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Cụ thể, ông đã nhận phụng dưỡng suốt đời 7 mẹ liệt sĩ, xây 24 nhà tình nghĩa cho đồng đội, người nghèo; tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho gia đình khó khăn, gia đình chính sách; đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa…

Ngoài ra, ông còn tài trợ cho quỹ khuyến học quê ông mang tên “Trịnh Lâm” 1 tỷ đồng, trao học bổng cho hai đứa trẻ mồ côi ở phường Lam Sơn (Thị xã Bỉm Sơn) mỗi cháu 10 triệu đồng/năm.… Bên cạnh còn tài trợ xây nhiều công trình đường sá cho xã Hà Vinh- nơi ông sinh ra và lớn lên.

“Mình sinh ra trong một gia đình nghèo, nghèo gần như nhất xã, mình hiểu nỗi vất vả, khổ cực của người dân quê hơn bao giờ hết. Thành công như ngày hôm nay cũng trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm, biết bao đêm trăn trở đến ứa nước mắt khi nghĩ đến gia đình, đến đồng đội” – ông Lâm tâm sự.

Hiện ông Trịnh Xuân Lâm đang giữ chức Chủ tịch Hội doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa, dẫn dắt gần 400 hội viên giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ những đóng góp không biết mệt mỏi đó, ông đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008), hạng Nhì (năm 2015) và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007 và năm 2014.

Bình Minh