1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Người làm chứng tại tòa được chi trả bao nhiêu tiền?

Phùng Minh

(Dân trí) - TAND Tối cao đề xuất chi trả chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến, tính theo ngày và thời gian thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp và các hoạt động tố tụng.

Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về chi phí tố tụng vừa được TAND Tối cao gửi tới Bộ Tư pháp cho biết, Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nêu rõ các chi phí cho người làm chứng là chi phí tố tụng, được chi trả bằng ngân sách nhà nước trong những trường hợp do cơ quan, người tiến hành tố tụng yêu cầu.

Trong tố tụng hình sự, việc trả chi phí cho người chứng kiến được quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 67 Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng không có văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục và mức chi trả.

"Trong thực tế, người chứng kiến chưa bao giờ được cơ quan tiến hành tố tụng chi trả khoản tiền này", báo cáo nêu.

Người làm chứng tại tòa được chi trả bao nhiêu tiền? - 1

TAND Tối cao đề xuất chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến tại các phiên tòa, phiên họp và các hoạt động tố tụng (Ảnh: Hải Nam).

Còn việc thực hiện chi phí cho người làm chứng không nhiều, thực hiện chi đúng nguyên tắc tài chính kế toán. Tòa án thực hiện chi theo Nghị định số 81/2014 và Quyết định số 41/2012 với mức 50.000 đồng/người/ngày.

Chi phí cho người làm chứng thường được thanh toán ngay tại phiên tòa, từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm cấp cho tòa án. TAND Tối cao đánh giá, so với thu nhập bình quân của người lao động hiện nay thì mức chi cho người làm chứng đang thấp, chưa phù hợp.

Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc chi trả cho người làm chứng thường do người yêu cầu triệu tập người làm chứng tự nguyện chi trả. Một số trường hợp, người làm chứng không yêu cầu trả chi phí.

TAND Tối cao đánh giá, quá trình áp dụng các quy định về chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến thường phát sinh những hạn chế, vướng mắc; thủ tục thanh toán còn phức tạp, đòi hỏi nhiều giấy tờ, gây khó khăn.

Vì thế, TAND Tối cao đề xuất xây dựng Pháp lệnh về chi phí tố tụng. Theo dự thảo, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến do cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập bao gồm một hoặc một số chi phí sau: Chi phí thù lao; chi phí đi lại; chi phí lưu trú; chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến được tính theo ngày và thời gian thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

"Mức thù lao cho người làm chứng, người chứng kiến bằng 0,1 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định", dự thảo pháp lệnh nêu.

Về trách nhiệm chi trả, dự thảo đề xuất trong tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập người làm chứng, người chứng kiến có trách nhiệm chi trả.

Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xác định người có nghĩa vụ nộp chi phí cho người làm chứng được thực hiện theo pháp luật lĩnh vực này. Tòa án phải quyết định nghĩa vụ nộp chi phí cho người làm chứng, hoàn trả lại chi phí cho các bên đương sự trong bản án, quyết định.

Người làm chứng gửi hồ sơ đề nghị thanh toán tới cơ quan tiến hành tố tụng để làm thủ tục thanh toán.

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp và thực hiện chi trả chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến theo quy định của pháp luật.