1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nam:

Người "kết nối thông tin" cho hơn 3.500 liệt sĩ về với gia đình

(Dân trí) - Gần 8 năm qua, ông Quân tình nguyện bôn ba khắp nơi để có mong muốn duy nhất là làm sao đưa được các đồng đội đã ngã xuống được trở về với gia đình người thân. Dù là công việc tình nguyện, nhưng ông cũng xem đó là nhiệm vụ trong thời bình của chính mình.

Tìm đến nhà cựu chiến binh Đào Văn Quân (SN 1950), ở thôn Yên Từ, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam), người đã 8 năm qua đi tìm thân nhân cho rất nhiều phần mộ của các liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc.

Vừa ngồi uống nước, ông Quân vừa kể lại cơ duyên của mình với công việc mà người dân cho là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Vào năm 1970, lúc tròn 20 tuổi ông Quân, thời điểm này cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng và thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương đồng loạt gọi thanh niên, sinh viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

 

gan-10-nam-nay-ong-quan-di-khap-noi-tim-nguoi-than-cho-rat-nhieu-liet-sy-f3c95

Gần 8 năm nay, ông Quân đi khắp nơi tìm người thân cho rất nhiều liệt sỹ

Ngay lập tức, ông Quân xung phong nhập ngũ, đơn vị ông đóng quân là  Trung đoàn 88 (Trung đoàn Tu Vũ), thuộc Sư đoàn 308. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1986, ông rời quân ngũ về quê lao động.

Trải qua nhiều thời điểm sinh tử trong chiến tranh ác liệt, chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống để bảo vệ chủ quyền, vì độc lập của dân tộc. Nhưng sau khi hòa bình lập lại, đâu đó trên khắp đất nước vẫn còn đó vô vàn những liệt sỹ cô đơn nằm lại nơi đất khách, quê người, người thân của họ lại mất tin tức.

Vào dịp gặp mặt Trung đoàn năm 2006, vị lãnh đạo trung đoàn cũ đưa cho ông Quân một tập danh sách gồm 500 mộ liệt sĩ từ thời chống Pháp, chưa có gia đình nhận, hỏi: "Ông có thể tìm người nhà, để nhận lại những mộ liệt sĩ này không?". Thấy chỉ huy nói vậy, ông nhận lời ngay vì đó cũng là nỗi niềm canh cánh mà ông giữ trong lòng bao lâu nay.

Chỉ tay vào chiếc xe đạp cũ kỹ, ông Quân tâm sự: “Chiếc xe đạp này, 8 năm nay đã cùng tôi đi khắp các huyện, các xã trong tỉnh Hà Nam, để báo tin cho các gia đình có liệt sỹ chưa tìm được tin tức. Hà Nam tuy không rộng, nơi tôi đạp xe đi xa nhất cũng hơn 60km, Và đó cũng chẳng là gì so với những liệt sỹ đang nằm đâu đó mà vẫn chưa được trở về với gia đình, quê hương”.

Ban đầu, ông chỉ tìm thân nhân cho các liệt sỹ chủ yếu là ở tỉnh Hà Nam, nhưng sau đấy ông Quân bắt đầu mở rộng tìm thân nhân cho không ít đồng đội hy sinh các thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm ở 6 tỉnh miền Bắc, rồi tiếp đến là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Thậm chí, một số đồng chí hy sinh ở Cam-pu-chia và Lào ông cũng lên kế hoạch để tìm kiếm người thân.

Để tìm được gia đình của các liệt sỹ, ông Quân đã đi đến gần 300 nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước. Mỗi nơi, ông đều ghi chép lại tên, tuổi, quê quán, thông tin liên quan đến liệt sĩ vào sổ. Sau khi đã có thông tin về các phần mộ, ông bắt đầu đối chiếu với tài liệu do Ban liên lạc của Trung đoàn 88 cung cấp, rồi tìm cách liên lạc với người thân của các liệt sĩ.

 

ong-quan-tinh-nguyen-di-tim-than-nhan-cho-cac-liet-sy-vi-ong-xem-do-la-nhiem-vu-cao-ca-trong-thoi-binh-cf134
Ông Quân tình nguyện đi tìm thân nhân cho các liệt sỹ, vì ông xem đó là nhiệm vụ cao cả trong thời bình

Ông Quân chia sẻ: "Tôi phải sưu tầm cuốn danh bạ điện thoại của nhiều địa phương, số của các nghĩa trang, nhiều cơ quan liên quan để tiện liên hệ. Sau đó phải tìm số điện thoại gọi, hoặc đến tận nơi báo cho gia đình thân nhân của liệt sĩ. Có nhiều trường hợp do địa giới hành chính, tên gọi của các thôn, phường, xã, quận, huyện ở nhiều tỉnh thay đổi. Vì thế, báo được thông tin về ngôi mộ liệt sĩ cho người thân cũng gặp không ít khó khăn”.

Ông Quân cho hay, công việc ông đang làm chỉ xuất phát từ tấm lòng mà không hề có bất cứ khoản tiền hỗ trợ nào. Nhiều người cứ bảo tôi “rảnh” quá nên đi làm công việc của thiên hạ. Nhưng ông mặc kệ, ông làm vì tấm chân tình của bản thân, vì những người đồng đội đã ngã xuống.

Sau khi xác minh được địa chỉ, quê quán của liệt sỹ ông Quân liền gọi theo số điện thoại của UBND các xã, tìm và hỏi thăm đến các thôn xem có liệt sỹ này hay không... Sau đó, ông mới trực tiếp liên lạc với gia đình.

Bà Nguyễn Thị Kỳ, vợ ông Quân tâm sự: “Ban đầu, thực sự gia đình không đồng ý cho ông ấy đi làm việc này, vì tuổi ông ấy đã cao, sức khỏe đâu phải như thanh niên mà suốt ngày bôn ba khắp nơi. Nhưng ông ấy nhất quyết làm, với lại đây là việc đáng nên làm chứ cả phải gì quá đáng, nên tôi và gia đình cũng hết sức ủng hộ ông ấy”.

Ông Quân còn nhớ như in, đúng vào ngày 27/7/2013, một bà cụ ở xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, khi biết việc ông Quân làm, đã đến nhờ tìm người con trai cụ đã hi sinh. Cụ đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian nhưng không có kết quả. Một thời gian sau khi bà cụ nhờ, ông Quân đã tìm được mộ liệt sĩ Cầu, con trai cụ, đặt ở Tây Ninh. Khi đưa hài cốt liệt sỹ về quê, bà cụ ôm ông khóc cạn nước mắt trước tấm lòng của người cựu chiến binh già.

Gần 8 năm đi tìm và "kết nối" thông tin, ông Quân đã liên lạc được với người thân của hơn 3.500 phần mộ liệt sĩ ở các tỉnh, thành. Riêng trong tỉnh Hà Nam, hơn 10 gia đình nhờ ông Quân mà đã đưa được hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Nhìn thấy niềm vui của các thân nhân liệt sỹ khi tìm được người thân của mình. Ông cũng xem đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng chính là nhiệm vụ trong thời bình của người cựu chiến binh.

Đức Văn