Người “hóa giải” nọc độc của mọi loài rắn
(Dân trí) - Ông Hà Xuân Tỉnh ở thôn Trảy, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thuỷ, được người dân trong vùng mệnh danh là “nhà khắc tinh nọc độc của rắn”. Đơn giản bởi ông có một phương thuốc gia truyền giải được nọc độc của các loại rắn...
Hễ rắn cắn, đến ông là khỏi
Ông Tỉnh cho biết thuốc luôn có sẵn ở trong rừng
Ông Tỉnh chia sẻ: “Có những trường hợp bị rắn độc cắn khi đến nhà tôi chẳng còn hay biết gì nữa, toàn thân tê liệt, chỉ có tim là còn thoi thóp những nhịp đập cuối cùng. Thế nhưng khi tôi cho uống thuốc vào chỉ vài tiếng sau là bệnh nhân đã hồi phục sức khoẻ, trở lại bình thường”.
Có những trường hợp đi rừng bị rắn độc cắn vào đầu, không có cách nào để ngăn chặn chất độc chạy vào tim, khi đưa đến nhà ông Tỉnh thì đã ở vào tình trạng nguy kịch, nhưng ngay sau đó nạn nhân như được hồi sinh chỉ với một chén thuốc của ông.
Bác Nguyễn Văn Hùng đã từng bị rắn cắn và được ông Tỉnh cứu sống
Tiếng lành đồn xa, tiếng tăm của ông không chỉ những người trong huyện mà cả những người ở huyện ngoài cũng biết đến. Nhiều khi giường ngủ nhà ông thành giường bệnh nhân. Có lúc nửa đêm, có người bị rắn độc cắn tìm đến nhờ giúp, ông sẵn sàng lặn lội lên rừng lấy thuốc về cứu chữa cho nạn nhân.
Mặc dù đã cứu sống không biết bao nhiêu người nhưng ông không nhận bất cứ một sự đền đáp nào từ gia đình nạn nhân. Với ông, sự đền đáp lớn nhất là nạn nhân được bình phục.
Phương thuốc chế ngự độc rắn
Ông kể, tổ tiên của gia đình ông có quy định rằng, chỉ khi nào thế hệ trước qua đi thì thế hệ sau mới được sử dụng phương thuốc ấy để cứu người bị rắn cắn và mỗi thế hệ trong gia đình chỉ có một người được truyền lại phương thuốc ấy. Vì thế, mặc dù ngay từ nhỏ ông Tỉnh đã theo cha vào rừng hái thuốc và được cha chỉ cho các loại cây tạo nên phương thuốc “thần” nhưng ông không được “hành nghề” khi cha ông còn sống.
Ông Tỉnh tâm sự: “Đây là phương thuốc gia truyền và theo quy định của tổ tiên nó chỉ dùng để cứu người chứ không được phép dùng vì bất kỳ mục đích nào khác”.
Mỗi lần có người bị rắn độc cắn đến nhờ cứu giúp, ông liền đi hái thuốc đem bỏ vào cối giã ra rồi đổ nước sôi vào, sau đó lấy nước cho bệnh nhân uống còn phần bã mang đắp vào vết rắn cắn. Thời gian chữa trị tùy thuộc vào từng trường hợp, nếu nhẹ thì chỉ vài tiếng đồng hồ, còn trường hợp nặng thì phải mất 1- 2 ngày bệnh nhân mới có thể bình phục.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch, thừa nhận: “Trường hợp ông Tỉnh chữa bệnh rắn cắn ở địa phương có lâu rồi, ông Tỉnh chữa bằng phương thuốc nam, có nhiều trường hợp bị rắn cắn ở trong xã cũng như một số người ở địa phương khác đã được ông chữa khỏi. Địa phương cũng đã đến gia đình tìm hiểu và có hỏi về việc phổ biến phương thuốc, nhưng ông Tỉnh cho biết đây là bí quyết riêng nên không thể phổ biến được. Ông ấy không kinh doanh mà chỉ chữa bệnh cứu người thôi”.
Còn ông Cao Thanh Hưng, Trưởng phòng Y tế huyện Cẩm Thủy, cho biết: “Chúng tôi cũng mới nắm bắt được việc này, tới đây chúng tôi sẽ có kế hoạch đến kiểm tra về nghiệp vụ y tế và sẽ làm việc với lãnh đạo huyện và Sở y tế, có thể mời cả Bộ vào để tiến hành thẩm định phương thuốc của ông Tỉnh. Nếu đúng là ông Tỉnh chữa bệnh rắn cắn giỏi như thế thì cũng nên tạo điều kiện để cho ông Tỉnh chữa bệnh cứu người”.
Lục Văn - Duy Tuyên