1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà báo Hữu Thọ:

Người hay cãi, cãi hay, cãi đúng

(Dân trí) - "Tôi không chỉ sợ chê sai mà còn sợ cả khen sai". Nhà báo Hữu Thọ viết bài khen Phú Thọ 3 lần, cả 3 lần đều được giải thưởng báo chí toàn quốc nhưng sai đến hai lần. Khi viết về Quỳnh Lưu ông cũng khen sai, điều này khiến ông rất day dứt.

Khi thấy tôi có ý định viết về ông, một đồng nghiệp bảo "anh liều thật". Và tôi cũng thấy quả mình liều bởi thứ nhất, ông là nhà báo lớn vốn trưởng thành từ một anh phóng viên, tuần tự lên đến chức Tổng biên tập báo Nhân dân, rồi Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá TƯ, nghĩa là để "trèo" lên cái bậc thang công danh của nghề nghiệp ấy, ông đã phải kê cho mình bằng hàng ngàn tác phẩm với nhiều ngàn trang viết. Vì vậy, trong một bài viết ngắn, chịu sự quy định ngặt nghèo về số chữ, viết cho thấu đáo về một con người như ông là điều không thể.
 
Điều thứ hai mà tôi lo ngại chính vì đã có quá nhiều người viết về ông. Thấy ông hay có những ý tưởng mới, dám nói, tính tình lại thân mật, dễ gần nên cứ có chuyện gì là đám phóng viên xô vào hỏi han, phỏng vấn. Có lẽ riêng số bài viết về ông, phỏng vấn ông cũng đủ thành một tập sách dày hàng trăm trang. Làm cái nghề báo, điều kỵ nhất là viết về cái người ta đã biết, đã viết. Với ông, cái khó còn ở chỗ Trần Đăng Khoa, một tay viết chân dung có hạng đã "cày xới" khá kỹ.

Nhưng tôi không thể không viết về ông vì với tôi, ông là một ám ảnh. Dạo còn ở Thái Bình, tôi thường ngong ngóng chờ tờ Nhân dân chủ yếu chỉ để được xem những bài viết trong mục "Chuyện làm ăn", một mục rất nhỏ và hầu hết ở đấy là những bài ngắn. Nói như Trần Đăng Khoa "Chỉ một vốc chữ, tãi ra không đầy một bàn tay". Sau này khi làm báo, tôi mới nhận ra rằng những nhà báo lớn thường viết về những chuyện nhỏ, rất nhỏ và ngược lại, cái anh "nhà báo tầm tầm" lại hay viết về những vấn đề đao to búa lớn. Chỉ có điều, các nhà báo lớn khi viết chuyện nhỏ thì thành chuyện lớn, thậm chí là những triết lý nhân sinh có sức trường tồn, còn với các "nhà báo bé" thì ngược lại, những chuyện vốn đại sự trở thành vặt vãnh, tầm thường.

Người hay cãi, cãi hay, cãi đúng - 1

Nhà báo Hữu Thọ. (Ảnh: Việt Hưng)
 
Vì vậy, không ít lần tôi tưởng tượng ra cái cảnh trí khi gặp ông. Nghĩa là theo tưởng tượng của tôi, nó phải rất trang trọng trong một căn phòng mát rượi điều hòa nhiệt độ, ông thì com-lê cà vạt đỏ chói chang. Thế nhưng lần đầu tiên tôi gặp ông lại ở một quán bún ngan trên đường Quán Thánh. Hôm ấy, tôi với nhà văn Lê Lựu đi thăm một người bạn về. Khi rượu đã rót, bún ngan đã được đem ra nóng hôi hổi, tôi chợt thấy Lê Lựu đứng lên đi tới một đám đông người ngồi mờ mờ vừa xì xụp vừa chuyện trò nghe chừng rôm rả lắm. Tôi không biết Lê Lựu đi đâu mất đến mười lăm phút mới quay lại. Trái với bản tính ồn ã, bỗ bã ngày thường, anh trầm hẳn xuống. Tôi ngạc nhiên hỏi: "Bác vừa đến chỗ ai đấy?", "À, anh Thọ, anh Hữu Thọ". Trầm một lát, Lê Lựu nói tiếp "Anh ấy là một người tử tế". Lê Lựu vốn là người khá "hào phóng" lời khen ngút ngát trời xanh, khiến những người khó tính nhất cũng cảm thấy lòng dạ mát rười rượi. Thế nhưng, chữ "tử tế" thì hình như tôi chỉ thấy anh nhắc đến hai lần. Một là với nhà văn Từ Bích Hoàng, người được anh em trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội gọi là "ông Bụt" và lần này với nhà báo Hữu Thọ. Tôi muốn nhìn tận mặt xem ông chuyên viết "chuyện nhỏ" ra sao nhưng lúc đó, đoàn người đã ra đi. Chỉ thấy nhấp nhô mái đầu bạc trắng giữa một đám lố nhố đầu xanh.

Lần thứ hai tôi gặp ông là ở Ban Tư tưởng- Văn hóa T.Ư. Lần ấy ông Phạm Thế Duyệt, khi đó là Uỷ viên Thường trực Thường vụ Bộ Chính trị đến nói về công tác chỉnh đốn Đảng. Thật tình đến bây giờ, tôi không nhớ trong cuộc họp đó, Trưởng ban Hữu Thọ đã nói những gì, chỉ biết ông nói rất rành rọt, khúc chiết và đầy xúc động khiến tôi quên hết nội dung, chỉ láng máng hình như ông phê phán một tờ báo nào đó về một vấn đề gì đó. Nó xúc động đến mức đoạn gần cuối, hình như ngại về cách ứng xử không nên có ở vị thế của mình, ông quay sang ông Duyệt: "Xin lỗi, tôi không kìm được cảm xúc". Từ hôm đó, tôi hiểu rằng đằng sau một nhà báo Hữu Thọ sắc sảo, tỉnh táo còn ẩn chứa một tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động.

"Tôi không chỉ sợ chê sai mà còn sợ cả khen sai". Hữu Thọ đã hơn một lần nói thế. Để nói được câu này, Hữu Thọ cũng không ít lần phải trả giá. Ông kể rằng ông đã viết bài khen Phú Thọ cả thảy 3 lần và cả 3 lần đều được giải thưởng báo chí toàn quốc nhưng sai đến hai lần. Lần đâu, ông ca ngợi công cuộc phá rừng khai hoang. Lần thứ hai, ông ca ngợi việc ra quân đưa chuối lên đồi. Ông kể rằng cả hai lần ấy ông đều khen sai. Chỉ có lần thứ ba, giao đất, giao rừng cho người nông dân thì ông mới đúng. Ngày còn làm ở báo Nhân dân, khi viết về Quỳnh Lưu ông cũng đã khen sai và điều này khiến ông rất day dứt. "Lúc đó, nhận thức của mình nó thế chứ mình không cố ý để lừa người khác. Dân ta vốn rộng lượng nên anh nói sai nhưng anh không vụ lợi, không cố ý, ác ý cũng dễ được thể tất".

Nếu trong nói chuyện, Hữu Thọ thuộc dạng rất "bốc" thì khi viết, ngòi bút của ông rất điềm tĩnh. Bất cứ một sự việc nào, dù to dù nhỏ cũng đều được ông mổ xẻ rất kỹ. Trong bài viết về tệ hối lộ, ông chỉ ra rằng luật pháp trừng trị cả người nhận và người đưa hối lộ. Tuy nhiên, có những người vì hoàn cảnh nào đó mà bắt buộc phải đưa một ít quà thì dư luận cũng nên xem xét mà xử cho đúng. Hữu Thọ là thế, bao giờ cũng nhìn một sự việc qua nhiều lăng kính nên luôn thấu đáo. Văn của ông thủ thỉ như một lời tâm sự nên độc giả thường quên đi cái cảm giác đọc. Một câu chuyện nhìn thấy, nghe thấy dọc đường được ông khéo léo kể lại để người đọc tự tìm ra cho mình câu trả lời. Ông thường hay đặt ra những câu hỏi để rồi cùng giải đáp chứ không bao giờ thấy ông áp đặt hay răn dạy. Không máy móc, xúc xiểm, không cạnh khoé, quy chụp, cường điệu nhưng ông cũng không dễ bỏ qua. Những lý lẽ thấu đáo cộng với cách viết nặng nghĩa tình đồng đội, đồng chí đã tạo cho ông cái vị thế chan hoà, chia sẻ. Không đao to búa lớn. Không dạy dỗ, đe nẹt. Nó là những lời thủ thỉ nhưng kiên quyết, có trách nhiệm và dám nhận trách nhiệm với cuộc đời của một nhà báo - nhà văn hoá.

Ông có lối viết trong sáng, dễ hiểu. Các mệnh đề thường được sắp đặt đối xứng như cổ văn với mạch khoẻ, chắc, nhịp văn ngắn, sắc sảo. Vui đấy, cười đấy mà đau đớn, mà xót xa đến tận tâm can. Cái cách viết sâu sắc mà dí dỏm đã tạo nên một phong cách riêng. Phong cách tiểu phẩm Hữu Thọ. Đó chính là nét văn phong thâm thuý, hóm hỉnh ông kế thừa của nho sỹ Bắc Hà mà tiêu biểu là nhà văn Ngô Tất Tố. Không chỉ học ở sách vở, Hữu Thọ còn học ở những người anh, người bạn, những đồng nghiệp của mình. Ông học sự sắc sảo của Hoàng Tùng, sự bốc lửa của Thép Mới... Ông học từ cách ứng xử của tiền nhân đến cách nói trạng của người nông dân xứ Nghệ. Khi đến một trại nuôi bò để lấy tài liệu viết bài, có một chị nông dân cứ nhìn ông tủm tỉm cười. Gặng hỏi mãi, chị ấy mới nói: "Ông nom bò của chúng tôi có tinh thần tập thể không? Cứ 3 con đi với nhau là chúng dựa vào nhau", rồi lẳng lặng bỏ đi. Đêm về, ông mới nghĩ ra đó là chị ấy nói "trạng". Đàn bò ở đây gầy quá nên khi đi cứ dựa vào nhau cho khỏi ngã.

Một trong những mặt mạnh là trời đã phú cho ông cái khả năng linh cảm. Chính nhờ cái linh cảm trời cho cộng với cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá tỉnh táo của người làm chính trị đã khiến ông có những bài viết mang tính dự báo. Từ những năm đầu đổi mới, hơn một lần ông đã cảnh báo những ẩn hoạ của thói cửa quyền, tha hóa, coi thường dân và hiện tượng tha hoá, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Khi phóng sự "Cái đêm hôm ấy, đêm gì?" của nhà văn Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn nghệ, đã nhiều lần ông lưu ý những người có trách nhiệm đối với phản ánh của văn học và báo chí về đời sống của người nông dân. "Nếu như sau Cái đêm hôm ấy... chúng ta biết lắng nghe, biết tôn trọng nguyện vọng của người dân thì chắc chắn sau này, đã không để xảy ra hiện tượng như ở Thái Bình". Ông đã hơn một lần nói thế.

Bây giờ ông đã thôi giữ trọng trách, tưởng có thể được nhàn nhã nghỉ ngơi. Thế nhưng, một buổi trưa, khi tôi gọi điện đến nhà riêng thì bà Trâm, vợ ông thở dài thườn thượt "Ông ấy có về nhà đâu".

Cách đây mấy năm, ngồi với ông tại căn phòng yên tĩnh như tu viện ở số 2 Nguyễn Cảnh Chân, tôi hỏi ông rằng cái chức Trợ lý Tổng Bí thư của bác thực chất là làm gì. Ông bảo:

- Nó chẳng phải chức mà cũng chẳng phải tước. Nhiệm vụ của nó là nắm tình hình, nghiên cứu xem có vấn đề gì thì trình Tổng Bí thư và trả lời những vấn đề Tổng Bí thư hỏi. Thế cũng đủ bận suốt ngày...

- Việc Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng một lúc mời ông, ông Nghị (Hồ Tiến Nghị) và ông Đăng (Hà Đăng) đều là nhà báo làm trợ lý cho mình, phải chăng đây là thể hiện sự tin cậy của Tổng Bí thư với các ông nói riêng và báo giới nói chung?

- Đây là do Bộ Chính trị đề xuất và được anh Mạnh đồng ý. Về việc tin cậy của Bộ Chính trị với báo giới, theo tôi là dễ hiểu vì điều quan trọng là người làm báo thường có nhãn quan chính trị nên có thể giúp một phần nào đó cho lãnh đạo.

- Nhưng có người nói nhà hoạt động chính trị Hữu Thọ đã có lúc định thành thi sĩ?

- Thì cũng đã có lúc có thơ đăng báo. Mà đã sao nào? Các nhà hoạt động chính trị của ta cổ kim đã không hiếm người là nhà thơ đó thôi - Ông cười, một nụ cười hào sảng. Nói như Trần Đăng Khoa, ông hơn người cũng là ở nụ cười này.

Rồi ông kể với tôi rằng thời trẻ, ông đã từng mơ ước trở thành nhà thơ. Nhưng rồi sau này, ông ngộ ra rằng thơ ca là thứ trời  cho, không ai học mà thành được. Vì vậy, tốt nhất là trời cho ông làm một nhà báo thì ông làm một nhà báo. Tuy nhiên, ông đọc nhiều, hiểu rộng nhiều lĩnh vực nên những bài viết của ông rất sâu sắc nhưng giản dị và dễ hiểu. Ông viết cho mình cũng là để răn mình: "Tôi chưa biết nên viết như thế nào cho thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách. Nhưng tôi biết chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu đưa ra câu trả lời mà vừa lòng tất cả mọi người.". Không và không chấp nhận sự vừa lòng tất cả. Đó là nhân cách của nhà báo Hữu Thọ.

Để có được những trang viết như vậy, điều quan trọng là tác giả phải dám đặt cược vào ngòi bút. Nghĩa là phải sống cho ra sống, yêu cho ra yêu và ghét cũng phải ra ghét. Ông ghét cái sự nhờ nhờ, nhàn nhạt.

 - Mình yêu 10, thậm chí 20 mới mong viết ra để bạn đọc yêu lấy 3-4. Nếu yêu chỉ hời hợt, thoáng qua thì còn gì mà viết. Đã thế, có người khi viết lại không dám chấp nhận sự dấn thân, không dám đặt cược vào ngòi bút. Cái anh nhà báo, tệ nhất là viết nước đôi.

Hữu Thọ là người sinh ra để viết báo và làm báo. Năm ngoài  hai mươi tuổi, khi đang là thường vụ Thị uỷ viên thị xã Hải Dương, ông nhận được hai quyết định. Một là về Ninh Giang làm Bí thư Huyện uỷ. Hai là về làm việc ở báo Nhân dân. Thấy ông theo nghề báo, một người bạn vong niên gọi ông đến mắng: "Cái thằng, có ghế ngồi không yên đít". Thế nhưng ông vẫn quyết đi theo cái "nghề nghiệt ngã" (chữ của nhà văn Nguyễn Uyển) này.

- Bây giờ được bắt đầu lại, bác có dám dấn thân vào con đường cũ?

- Tất nhiên là mình vẫn đi con đường cũ, vẫn làm nghề báo. Có một điều rất lạ là khối anh cứ tưởng lãnh đạo là một nghề. Ơ, làm gì có cái nghề nào có tên là "lãnh đạo".

Bùi Hoàng Tám