Thanh Hóa:
Người đứng đầu phải khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
(Dân trí) - Một số người đứng đầu sở, ngành, địa phương có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong tham mưu, giải quyết công việc, dẫn đến một số nhiệm vụ, công việc chậm tiến độ, kéo dài.
Ngày 4/4, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý I/2023; nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023.
Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính
Trong quý I/2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thanh Hóa vẫn giữ vững ổn định và đạt kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,21%; huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 32.526 tỷ đồng (tăng 1,8% so với cùng kỳ); thu ngân sách nhà nước ước đạt 10.382 tỷ đồng (bằng 29% dự toán năm). Đặc biệt, quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (là tỉnh thứ 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch).
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống của nhân dân ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ nhiều năm trước; thu ngân sách nhà nước, giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ; hoạt động của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn; số lượng giáo viên còn thiếu cục bộ ở các cấp học, bậc học; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra…
Theo Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do tình hình thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn, sức tiêu thụ hàng hóa ở một số thị trường truyền thống giảm mạnh; lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức cao, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh;...
Đồng thời, một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa chủ động, thiếu sáng tạo…; có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong tham mưu, giải quyết công việc, dẫn đến một số nhiệm vụ, công việc của tỉnh, của ngành, địa phương chậm tiến độ, kéo dài...
Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Điều chuyển, bố trí lại cán bộ lãnh đạo thiếu tinh thần trách nhiệm
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh được giao lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo rà soát các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi những nội dung không phù hợp với quy định của Trung ương, không phù hợp với tình hình thực tế...
Người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, địa phương, đơn vị phải khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Những việc khó, việc lớn, những nhiệm vụ trọng tâm, những hạn chế, yếu kém nhiều năm, không để tiếp tục kéo dài.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy được giao tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều chuyển, bố trí lại cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tinh thần trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; người đứng đầu để địa phương, đơn vị mất đoàn kết nội bộ, có nhiều hạn chế, yếu kém do nguyên nhân chủ quan.
Sau khi quy hoạch tỉnh đã được công bố, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch.
Làm rõ những dự án bảo đảm tiến độ, những dự án chậm tiến độ và nguyên nhân; đối với các dự án chậm tiến độ kéo dài, đề xuất UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy biện pháp xử lý dứt điểm; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 30/4.
Yêu cầu khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ; tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và môi trường; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiêu cực, tham nhũng.