"Một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai"
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Nội vụ, trong bối cảnh đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai; cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Tại hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung diễn ra hôm qua 24/3 ở Bộ Nội vụ, bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá đây là nghị định rất khó, mang tính chính trị rất cao.
Theo bà Trà, trong bối cảnh chúng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai. Vì vậy, việc ban hành cơ chế, chính sách để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung trở nên rất quan trọng, cấp bách.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ khẳng định việc sớm trình Chính phủ ban hành nghị định này nhằm thể chế hóa chủ trương tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị.
Về đối tượng áp dụng, hiện nay đang có hai loại ý kiến. Thứ nhất, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.
Ý kiến thứ hai, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước (kể cả cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý).
Về nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ, có 5 nguyên tắc: Khuyến khích mọi cán bộ năng động, sáng tạo trong phạm vi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; phải được tiến hành kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; phải bảo đảm không trái Hiến pháp và Điều lệ Đảng; khi thực hiện mà xảy ra thiệt hại thì phải xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, được xem xét miễn xử lý trách nhiệm; trường hợp lợi dụng chủ trương thì bị xử lý nghiêm.
Ông Dũng cho biết, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến tập trung về phạm vi và đối tượng áp dụng, nguyên tắc, trình tự thực hiện khuyến khích và bảo vệ cán bộ; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn mới.
Tại hội thảo, đa số đại biểu cơ bản nhất trí với việc ban hành, tên gọi, bố cục và các nội dung được quy định trong các dự thảo nghị định. Các quy định này được ban hành sẽ giải quyết nhiều vấn đề mà thực tế đặt ra nhưng chưa được quy định. Đối với những nội dung đã có quy định và không chồng chéo thì dù có đổi mới sáng tạo cũng phải thượng tôn pháp luật...
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nếu áp dụng theo luồng ý kiến thứ hai được nêu ra trong dự thảo nghị định thì sẽ rất rộng, nên cần phải cân nhắc thêm.
Bà Trà đề nghị ban soạn thảo, tổ biên tập tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo nghị định theo đúng kế hoạch đề ra.
Sau hội thảo này, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức hai hội thảo nữa để lấy ý kiến các địa phương tại miền Trung và miền Nam; sau đó sẽ tổng hợp ý kiến để hoàn thiện dự thảo và tiếp tục gửi lấy ý kiến các địa phương trước khi trình Chính phủ ban hành.
Cơ chế khuyến khích, bảo vệ sẽ được áp dụng khi nào?
Dự thảo nêu rõ, cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ sẽ được áp dụng khi nội dung đề xuất của cán bộ đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn và không ảnh hưởng tiêu cực đến quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Có ý tưởng và cách làm mới chưa được pháp luật quy định hoặc đã được pháp luật quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không còn phù hợp với thực tiễn.
- Có khả năng tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo sự bứt phá, chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị; không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị khác.