Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu đơn vị không đạt chỉ tiêu đề ra
(Dân trí) - Bí thư Bình Định đề nghị các sở, ngành, địa phương từ tỉnh đến xã vào cuộc quyết liệt, nếu cuối năm không đạt chỉ tiêu HĐND đề ra, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm.
Ngày 5/3, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, khai mạc kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề lần thứ 9 trong nhiệm kỳ) để xem xét quyết định một số nội dung quan trọng theo thẩm quyền.
Tại kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho hay, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều giữ nguyên như số liệu UBND tỉnh đã báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2023.
Tuy nhiên, có một số thay đổi so với số liệu đã báo cáo như: chỉ tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn, tỷ lệ giảm hộ nghèo theo tiêu chí mới, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đều sụt giảm.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt hơn 14.500 tỷ đồng, năm 2022 đạt hơn 16.500 tỷ đồng, nhưng năm 2023 giảm còn hơn 12.700 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm 2,53% (kế hoạch năm 2023 là giảm 1,8%). Tuy nhiên, qua rà soát, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 giảm 1,37%, không đạt kế hoạch đề ra.
Về vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến ngày 25/11/2023 là hơn 7.000 tỷ đồng, đạt gần 75% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Qua rà soát số liệu đến ngày 31/1, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh Bình Định quản lý là 8.096,1/9.656,5 tỷ đồng, đạt 83,84% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Ông Hồ Quốc Dũng cho rằng, một số chỉ tiêu sụt giảm, đặc biệt thu ngân sách nhà nước giảm không bình thường ở đây chủ yếu là nguyên nhân chủ quan.
"Tôi thấy các sở, ngành, địa phương, các đồng chí có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm lên cho lãnh đạo tỉnh", ông Hồ Quốc Dũng nói.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị các sở, ngành, địa phương từ tỉnh đến xã vào cuộc quyết liệt, nếu cuối năm không đạt chỉ tiêu HĐND đề ra, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm.
Về vấn đề giảm nghèo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo cũng như tốc độ giảm nghèo của Bình Định vẫn thấp hơn mức bình quân cả nước.
Bình Định quyết tâm đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh phải thấp hơn bình quân của cả nước. Để làm được việc này, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần đề xuất các giải pháp để các đơn vị phối hợp cùng nhau.
"Tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh phải gắn trách nhiệm, giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể từng huyện, nếu huyện nào không hoàn thành thì Bí thư huyện đó phải chịu trách nhiệm", ông Dũng nói.