1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Người đứng đầu không thể dựa mãi vào tập thể”

Cần đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong giải quyết các công việc thuộc quyền quản lý của mình, chứ không thể để người đứng đầu “dựa” mãi vào tập thể. Tuy nhiên, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân cũng phải được quy định rõ, không phải cái gì cũng “đổ” lên đầu ông thủ trưởng.

Trao đổi về nội dung dự thảo Nghị định về trách nhiệm người đứng đầu vừa được Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét, quyết định ban hành, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết: “Tinh thần chủ yếu của Nghị định là quy định rõ trách nhiệm của cá nhân trong quản lý hoạt động của cơ quan, hoạt động của cán bộ, công chức trong cơ quan đó, đặc biệt là xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để cho cán bộ cấp dưới của mình tham nhũng, tiêu cực”.

 

Một câu nói rất thật, nhưng chua chát của một vị Chủ tịch tỉnh đã được nhắc đến trên diễn đàn Quốc hội là: “Mình vừa có ý định thay nó (giám đốc sở) thì nó đã vận động thay mình”. Với bộ máy hành chính mà trách nhiệm chồng chéo và chưa rõ ràng như hiện nay, trách nhiệm của người đứng đầu được quy định ra sao trong Nghị định?

 

Như tôi đã nói ở trên, cái đích của Nghị định là đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong giải quyết các công việc thuộc quyền quản lý của mình, chứ không thể để người đứng đầu “dựa” mãi vào tập thể.

 

Nếu như công việc được điều hành trên cơ sở quy định luật pháp, thì cần gì phải bàn bạc tập thể nhiều, chỉ bàn với tập thể về giải pháp, cách thức tổ chức để thực hiện mà thôi…

 

Vấn đề khó nhất đặt ra khi soạn thảo Nghị định là trách nhiệm phải đi đôi với thẩm quyền. Trao quyền như thế nào thì người ta nhận trách nhiệm như thế. Có thể đòi hỏi cao hơn về tinh thần thì được, nhưng trong Nhà nước pháp quyền mọi vấn đề phải được luật hóa.

 

Nếu như tôi là người lựa chọn cán bộ, mà cán bộ đó hỏng thì tôi phải chịu trách nhiệm, nhưng tôi lại không phải là người lựa chọn, mà người khác lựa chọn, thì không lẽ “ấn” hoàn toàn trách nhiệm cho tôi.

 

Người dân được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng công chức chỉ được làm những gì pháp luật quy định, khi chưa có quy định rõ ràng về việc trao thẩm quyền cho người đứng đầu, thì sẽ rất khó quy trách nhiệm.

 

Vì thế, phải trả lời được câu hỏi là trao quyền hạn cho người đứng đầu đến đâu, rồi mới xem xét người ta có làm được đến đấy hay không, khi người ta không làm được thì người đó phải từ chức, không từ chức được thì cơ quan quản lý phải vào cuộc.

 

Điều cần thiết là hoàn thiện thể chế cho việc quy định rõ chế độ trách nhiệm, ví như trong cơ quan hành chính có chế độ thủ trưởng hay không, hay là chế độ tập thể, nếu chế độ tập thể thì đến đâu?

 

Tất cả những vấn đề này đang chờ câu trả lời của Nghị quyết TƯ 5 tới đây.

 

Hiện nay, cơ chế cán bộ của chúng ta vận hành theo phương thức cán bộ cấp nào thuộc quyền quản lý của cấp ủy cấp đó. Nhiều người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, vậy Nghị định sẽ quy định như thế nào với những người đứng đầu trong diện nêu trên?

 

Đây là vấn đề lớn, không thể giải quyết chỉ bằng Nghị định, ở đây Nghị định chỉ nói chung về những người đứng đầu các cơ quan hành chính, với những quy định để đề cao trách nhiệm quản lý, nâng cao chất lượng quản lý của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính.

 

Đòi hỏi trách nhiệm của người đứng đầu trong Nghị định chủ yếu là đòi hỏi về mặt chính trị, chứ còn đòi hỏi thực sự sòng phẳng về mặt hành chính thì chưa. Muốn đòi hỏi sòng phẳng như vậy chúng ta phải làm dần dần, cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

 

Nghị định chủ yếu đòi hỏi trách nhiệm chính trị nhưng nhiều người đứng đầu vừa là nhà chính trị vừa quản lý cơ quan hành chính, thưa ông?

 

Đúng vậy, điều này do đặc thù của ta, anh vừa là cán bộ của Đảng nhưng vừa là người cán bộ hành chính. Đơn cử ông Bộ trưởng của ta không như các nước.

 

Ở các nước Bộ trưởng là chính khách, còn điều hành về mặt hành chính thì lại do người khác, ở vị trí khác. Nước ta thì Bộ trưởng làm hai việc, vừa là nhà chính trị, vừa điều hành hành chính, đó là cái khó trong việc phân định trách nhiệm.

 

Tuy nhiên cùng với Nghị định này, tới đây chúng ta sẽ cụ thể hóa tất cả những vấn đề đó, chẳng hạn để xem ông Bộ trưởng với tư cách là nhà chính trị thì ông làm những việc gì, với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính thì trách nhiệm đến đâu?

 

Đồng thời với đó là phân định rạch ròi việc nào do tập thể chịu trách nhiệm, việc nào do cá nhân chịu trách nhiệm. Ví dụ với Thủ tướng Chính phủ thì cũng phải có quy định rõ Thủ tướng có quyền hạn quyết định những vấn đề gì, còn vấn đề gì phải đưa ra tập thể…

 

Hoàn thiện được những quy định như vậy, chúng ta sẽ có công cụ để vận hành được bộ máy tốt hơn và giải quyết được các mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, mối quan hệ giữa người lãnh đạo và cấp dưới.

 

Quy định trách nhiệm người đứng đầu là cần thiết, nhưng không thể bất cứ việc gì do cấp dưới gây ra, từ nhỏ đến lớn, đều đổ lên người đứng đầu?

 

Đúng vậy, cùng với việc quy định về trách nhiệm người đứng đầu, sẽ có những quy định về chức trách của người công chức, ví như anh ở vị trí nào, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm ra sao đều phải quy định rõ, chứ không phải chuyện gì “đổ” lên đầu ông thủ trưởng hết.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Võ Văn Thành

Tiền Phong