1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
  3. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

Người đặt nền móng cho lộ trình WTO

(Dân trí) - Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một sự kiện lớn, không chỉ với người dân trong nước mà ngay cả cộng đồng quốc tế. Đây được đánh giá là bước cuối cùng, ở cấp độ toàn cầu, trong tiến trình Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Một điều rất tự hào cho những người làm khuyến học Việt Nam là khi đó, với cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm là một trong số những người lát viên đá đầu tiên cho lộ trình WTO. Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông về “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy”.

Không thể nói cá nhân ai là tác giả

Thưa Chủ tịch, ý tưởng gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới được bắt đầu từ bao giờ và ai là tác giả của ý tưởng đó?

Gia nhập WTO là thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là con đường tất yếu xuất phát từ đường lối đối ngoại rộng mở đa dạng hóa, đa phương hoá từ nhận thức của Đảng và Nhà nước về xu thế của thời đại.

Khi toàn cầu hoá và khu vực hóa phát triển mạnh mẽ kéo theo xu hướng tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay đang phát triển. Chủ trương này được đưa ra vào đầu những năm 1990.

Hội nhập quốc tế phải theo một lộ trình nhất định như người leo núi, từ thấp đến cao. Trước hết, là gia nhập khu vực (ASEAN và AFTA), rồi hội nhập ở cấp liên khu vực, liên châu lục (tham gia ASEM, APEC) và cuối cùng là ở cấp độ toàn cầu (WTO). Nói như vậy để mọi người hiểu ai là tác giả.

Được biết khi đó, ông là một trong những người tham gia chỉ đạo thực hiện lộ trình này?

Tôi có may mắn và vinh dự là một trong những người đầu tiên tham gia chỉ đạo thực hiện và từng bước thực hiện tiến trình hội nhập này. Ngay sau khi WTO được thành lập, tháng 1 năm 1995, với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tôi đã thay mặt Chính phủ gửi đơn xin gia nhập WTO.

Sau khi gửi đơn, lộ trình tiếp theo ta phải làm những gì?

Sau khi ta gửi đơn xin gia nhập, WTO đã thành lập một ban công tác gồm đại diện các nước thành viên gọi là Ban công tác về việc gia nhập của Việt Nam để tiến hành đàm phán với ta.

Theo quy định của WTO, ta phải gửi cho Ban công tác một Bị vong lục về chế độ ngoại thương của Việt Nam. Các thành viên WTO (khi đó là 143 nước) sau khi nghiên cứu Bị vong lục đã đề ra một loạt câu hỏi yêu cầu trả lời nhằm tìm hiểu tình hình và chính sách kinh tế của ta trước khi đàm phán.

Tiếp đó, từ năm 1996 đến 2000, ta tiến hành 4 vòng đàm phán. Nói là đàm phán nhưng thực chất là tại các cuộc họp đó, ta trả lời trên 2.000 câu hỏi do các thành viên WTO nêu ra. Giai đoạn này gọi là giai đoạn minh bạch hoá chính sách, giai đoạn giải thích là chính, không có bàn bạc, không có mặc cả.

Kết thúc giai đoạn minh bạch hoá chính sách, sau một thời gian chuẩn bị ta và WTO mới bước vào đàm phán thực chất. Vòng đàm phán thứ 5 vào tháng 4/2002 mới là vòng đàm phán thực chất đầu tiên, mở đầu cho một chuỗi các vòng đàm phán đa phương và song phương suốt mấy năm ròng đến phiên cuối cùng, phiên kết thúc vào ngày 26/10/2006.

Theo cách hiểu thông thường thì đàm phán song phương thường dễ dàng hơn đàm phán đa phương nhưng ở WTO thì hình như ngược lại, đàm phán song phương lại rất khó khăn. Tại sao vậy, thưa ông?

Những hoạt động của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm liên quan đến WTO:

 

+ Tháng 1/1995, thay mặt Chính phủ gửi đơn xin gia nhập WTO.

 

+ Từ 1995 - 2000, hướng dẫn các Bộ, ngành chuẩn bị Bị vong lục và chuẩn bị nội dung trả lời các câu hỏi trong 4 vòng đàm phán.

 

+ Năm 2001, chuẩn bị tài liệu trả lời tại phiên họp “thực chất” thứ 5. Thay mặt Chính phủ đọc diễn văn khai mạc phiên họp thứ 5 mở đầu cho các phiên họp sau này.

 

+ Tiếp tục chỉ đạo trực tiếp cho đến khi hết nhiệm kỳ Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đàm phán đa phương là đàm phán giữa đoàn Việt Nam với Ban công tác WTO. Đàm phán song phương là đàm phán tay đôi với những nước có yêu cầu đàm phán với ta. Số này có 28 nước nên đàm phán đa phương và đàm phán song phương xen kẽ nhau.

Đàm phán đa phương tuy phức tạp nhưng lại không khó khăn bằng đàm phán song phương vì đàm phán song phương đụng chạm đến lợi ích trực tiếp của mỗi quốc gia. Có nước như Mỹ, chúng ta phải đàm phán hơn một chục phiên mới kết thúc. Cái khó ở tất cả các phiên đàm phán này là làm thế nào để vừa chấp nhận các nguyên tắc, các yêu cầu của WTO vừa bảo vệ cao nhất lợi ích quốc gia của ta.

Lúc đầu, thậm chí có người phản đối

Lúc đưa ra chủ trương hội nhập, chắc không phải ai cũng đồng tình?

Cái mới không phải bao giờ cũng tranh thủ được ngay sự hiểu biết và dành được ngay sự đồng tình của tất cả mọi người. Nhận thức là một quá trình. Lúc mới đưa ra chủ trương, một bộ phận không nhỏ cán bộ và nhân dân do chưa hiểu nên chưa đồng tình, thậm chí có người phản đối.

Từ đó, có người quá lo phải nhắc “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Phải qua thực tế, mọi người mới nhìn ra và đến nay có thể nói đã có sự đồng thuận trong xã hội.

Thưa ông, với lộ trình 11 năm không phải dài nhưng cũng không phải ngắn. Là một nhà ngoại giao lão luyện, bây giờ nhìn lại ông thấy có bỏ lỡ cơ hội nào không? Hay nói cách khác, có thể rút ngắn được lộ trình này hơn không?

Nhiều người nói là đàm phán 11 năm. Thực ra, 11 năm là tính từ thời điểm ta nộp đơn gia nhập như trên tôi đã nói. Nếu tính từ phiên đàm phán thực chất đầu tiên (tháng 4/2002) thì chúng ta chỉ mất gần 5 năm.

Như vậy, không phải là quá dài so với Hội nghị Paris về Việt Nam trước đây hay đàm phán về Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ. Bước vào đàm phán, chúng ta đưa ra phương án phấn đấu kết thúc đàm phán và gia nhập vào năm 2005.

Vì nếu để chậm hơn sau khi đàm phán Doha kết thúc (dự kiến năm 2006) thì khó khăn hơn, điều kiện khắt khe hơn. Nay đàm phán Doha đang bế tắc, chưa kết thúc được nên ta gia nhập lúc này tuy không đúng như dự kiến nhưng không chậm sau Doha.

Với nhà ngoại giao, lợi ích quốc gia là trên hết

Nghe nói tại phiên đàm phán thực chất đầu tiên, ông đã đọc một bài diễn văn khá nổi tiếng. Nội dung cơ bản của bài phát biểu đó là gì?

Mở đầu phiên đàm phán thực chất là mở đầu giai đoạn quyết định việc ta có vào được WTO hay không, vào sớm hay muộn? Nhận thức được tầm quan trọng của vòng đàm phán này, thay mặt Chính phủ, tôi đã sang Giơ-ne-vơ dự khai mạc vòng đàm phán để thể hiện thiện chí và quyết tâm của Việt Nam gia nhập WTO.

Trước các quan chức WTO và đại diện các nước thành viên và đoàn đàm phán của WTO, tôi đã phát biểu nêu rõ hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán của ta. Do đó, ta quyết tâm, chủ động, tích cực đàm phán để gia nhập WTO, mong đàm phán kết thúc nhanh và Việt Nam trở thành thành viên WTO sớm nhất.

Tôi nhấn mạnh vì Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển trình độ thấp nên yêu cầu dành ưu đãi cho ta như WTO đã quy định, nói lên mong muốn đại diện các nước hợp tác với ta để đàm phán nhanh chóng đạt kết quả.

Cuối cùng, tôi khẳng định một khi đàm phán kết thúc, Việt Nam được gia nhập WTO thì Chính phủ và nhân dân ta sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết. Khi kết thúc bài phát biểu, đại diện nhiều nước đã lập tức hoan nghênh chủ trương và thái độ nghiêm chỉnh, thiện chí của Việt Nam và hứa ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO.

Công lao là của tập thể nhưng không thể bỏ qua vai trò cá nhân. Với cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, ông đã sử dụng ảnh hưởng của mình như thế nào?

Cùng với việc tham gia chỉ đạo đoàn đàm phán, tôi đã dựa vào mối quan hệ với bạn bè quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ và kinh nghiệm của họ hỗ trợ cho đoàn đàm phán.

Anh em đã làm tốt công việc của mình

Nếu con đường đến WTO dài 10 km, tính đến khi ông không làm nhiệm vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, đã đi được bao nhiều phần đường?

Rất khó mà đo đạc rành mạch hành trình hội nhập từ khu vực, qua liên khu vực, liên châu lục đến toàn cầu như đi đường hay leo núi được. Chỉ có thể nói một cách hình tượng là ta đã đi được khoảng 2/3 chặng đường, trèo được 2/3 sườn núi còn lại chặng cuối cùng. Đoạn sau còn lại, càng xa, càng lên cao thì càng khó khăn hơn.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Trưởng đoàn đàm phán WTO lại chỉ là một Thứ trưởng Bộ Thương mại?

Đó là thông lệ, các nước đều thường cử một Thứ trưởng Thương mại làm Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO. Đối với ta, đồng chí Lương Văn Tự (Thứ trưởng Bộ Thương mại) kiêm Tổng thư ký UB Quan hệ Kinh tế Quốc tế là trưởng đoàn.

Ông có hài lòng với vị trưởng đoàn này không: nói rộng hơn, ông đánh giá như thế nào về những người kế nhiệm vai trò của mình trong WTO?

Qua kết quả đàm phán có thể khẳng định các đồng chí trong Đoàn đàm phán của ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh em đã thể hiện được bản chất kiên trì và khéo léo của người Việt Nam vừa làm, vừa học, vừa đấu tranh, vừa tranh thủ, qua đàm phán mà trưởng thành.

Thời cơ và thử thách của người làm khuyến học

Việc gia nhập WTO tức là về lý thuyết là gia nhập vào lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế hiện nay không đơn tính mà là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực. Ông có nhận xét gì về xu hướng đơn giản hóa thường thấy hiện nay?

Trong đời sống xã hội, mọi lĩnh vực đều liên quan đến nhau. Hội nhập kinh tế quốc tế không đơn thuần chỉ trong lĩnh vực kinh tế vì hội nhập phải trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia, bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, hội nhập kinh tế không chỉ nâng cao vị thế quốc tế của nước ta trong kinh tế mà còn cả về chính trị...

Với tư cách là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam vào thời điểm trọng đại này, ông muốn nói điều gì với những người làm khuyến học cả nước?

Trong những việc phải làm, một điều có ý nghĩa quan trọng bậc nhất là đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho mọi ngành, mọi lĩnh vực và bao giờ trong mọi việc, con người là yếu tố quyết định.

Thực hiện chức năng của Hội Khuyến học: “Góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” là phù hợp với yêu cầu của đất nước ở giai đoạn mới. Do đó, thắng lợi trong việc gia nhập WTO sẽ là nguồn động viên chúng ta, thúc đẩy chúng ta, những hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam tăng cường hoạt động mở rộng và củng cố phong trào, quyết tâm xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.

Xin cám ơn Chủ tịch!

Bùi Hoàng Tám (thực hiện)