1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người đạp xích lô trăm tuổi

(Dân trí) - Không ít người đã phải ngạc nhiên khi bắt gặp một cụ già râu tóc bạc phơ rong ruổi cùng chiếc xích lô trên khắp đường phố Hà Nội. Nhưng sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa nếu ai đó biết rằng, cụ già đạp xích lô ấy đã ngoài... 100 tuổi.

Cụ Phạm Quang Giáng sinh năm 1904, gốc là người  huyện Thang Bình, xã Bình Sa, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN), được sinh ra  trong một gia đình có đến 12 anh chị em, lấy nghề nông làm kế sinh nhai. Cho đến năm 40 tuổi cụ tham gia hoạt động kháng chiến tại Liên khu 5, QN-ĐN. Năm 1955, cụ ra ngoài Bắc tập kết, bắt đầu một cuộc sống nơi đất khách quê người.

 

Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng. Mặc dù đã bước sang tuổi 71, nhưng cụ vẫn được phân về làm việc tại nhà máy bia Hà Nội. Một mình cụ nhận nuôi thêm 3 đứa cháu mồ côi cha mẹ.

 

Làm việc được 3 năm thì cụ nghỉ theo chế độ thương binh. Với những đóng góp to lớn trong những năm tháng chiến tranh, cụ được phòng Thương binh xã hội của quận Ba Đình trao tặng một ngôi nhà tình nghĩa trị giá gần 30 triệu đồng. Nhưng thay vì nhận ngôi nhà, cụ lại nhận món quà là một chiếc xích lô để lấy đó làm kế sinh nhai, nuôi dưỡng 3 đứa cháu khôn lớn trưởng thành, còn căn nhà cấp 4 thuộc tập thể nhà máy Bia mà cụ được phân trở thành nơi trú ngụ của cả gia đình.

 

Cảm động trước tấm lòng cao cả, các cán bộ phòng Thương binh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp đỡ cụ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đó là năm 1978 và cụ bắt đầu khoảng thời gian 25 năm rong ruổi trên khắp các nẻo đường.

 

Khi bước vào nghề đạp xích lô, cụ Giáng đã bước sang tuổi 74. Lẽ ra, ở độ tuổi của cụ, người ta đang sống vui vẻ, an nhàn với sự phụng dưỡng của con cháu trong gia đình. Nhưng cụ Giáng thì không được may mắn như vậy: Vào mỗi buổi sáng cụ lại dắt chiếc xích lô ra khỏi nhà, bắt đầu một ngày làm việc mới.

 

Những năm đầu, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Số tiền tích cóp được trong những lần đạp xe là khoản tiền chính nuôi sống cả gia đình. 

 

Suốt 25 năm đạp xích lô, cụ đã có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Có lần, một đôi vợ chồng người Liên Xô đến ngỏ ý nhờ cụ chở từ HN đi Hải Phòng, bởi họ muốn vừa du ngoạn cảnh đẹp, vừa muốn thực hiện bộ phim về đất nước VN. Vậy là một mình, cụ đạp xích lô gần 100 cây số chiều theo ý muốn của khách hàng. Một cuốc như vậy, cụ kiếm được số tiền bằng cả tháng đạp xích lô trong nội thành.

 

Tuy nhiên, kỷ niệm khó quên nhất đối với cụ vẫn là chở công chúa Na Uy đi thăm Hà Nội trong một lần đoàn ngoại giao Na Uy sang thăm và làm việc tại VN. Cũng từ đó, danh tiếng của cụ ngày càng được nhiều người biết đến. Có lẽ một phần bởi người ta tò mò muốn biết tại sao một ông già đã hơn 80 tuổi lại có thể làm nghề vất vả đến như vậy. Thậm chí, đã có những đoàn làm phim nước ngoài như Pháp, Hà Lan, đến làm phim về cuộc đời cụ. 

 

Bây giờ, khi con cháu cụ đã trưởng thành, kinh tế dư dả hơn, cụ vẫn đạp xích lô với mục đích muốn được hít thở không khí trong lành, hoà hợp với thiên nhiên. Sau mỗi lần đi dạo như vậy cụ cảm thấy cơ thể được vận động, tinh thần sảng khoái, khoan thai. Nhìn cụ với dáng đi nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, không ai nghĩ cụ đã 102 tuổi và càng không tưởng tượng được rằng cụ đã từng 3 lần bị tai biến mạch máu não vào những năm 1980, 2002 và 2003 đến nỗi chân tay không thể cử động được, phải vào viện cấp cứu.

 

“Nếu cơ thể tôi không được rèn luyện bởi những năm tháng đạp xích lô, thì có lẽ tôi đã không thể vượt qua.” - Cụ cười hiền hậu. Không biết có phải vì lý do này không mà đôi khi, mặc cho con cháu ngăn cấm, cụ vẫn nhận chở khách, nhưng chỉ là khách quen và đặc biệt phải trả nhiều tiền cụ mới đi. Chiếc xích lô gắn bó với cụ suốt  một phần tư thế kỷ bây giờ đã trở thành một báu vật trong gia đình. Bởi nếu không có nó, có lẽ gia đình cụ không có ngày hôm nay.  

 

Hồng Hải - Việt Cường