1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người dân xóm đồ gỗ ven kênh Tàu Hủ ở TPHCM nói gì về vụ cháy?

Hoàng Hướng

(Dân trí) - Nơi xảy ra vụ cháy ven kênh Tàu Hũ gọi còn gọi là xóm Nhà Đèn, người dân tứ xứ đến sinh sống. Các hộ trong xóm chủ yếu dựng nhà bằng gỗ, kinh doanh các dạng đồ gỗ bình thường nên cơ sở ít đầu tư.

Sáng 2/4, Công an quận 8 (TPHCM) vẫn đang phối hợp các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường điều tra vụ hỏa hoạn tại khu vực nhà dân trên đường Phạm Thế Hiển.

Theo phóng viên ghi nhận tại hiện trường, nhiều người dân vẫn hiếu kỳ theo dõi vụ cháy, lực lượng chức năng vẫn túc trực, phong tỏa đầu hẻm 124.

Từ miền Tây lên lập nghiệp, bà Hồ Thị Liễu (67 tuổi, quê Đồng Tháp) đã gắn bó với người dân khu đồ gỗ trên đường Phạm Thế Hiển đã gần 20 năm. 

Nhiều năm trước, bà thuê đất, mở cửa hàng ngay bên trong con hẻm xảy ra vụ cháy. Làm được một thời gian, bà trả mặt bằng dọn ra mặt đường Phạm Thế Hiển.

Theo bà Liễu, xóm đồ gỗ bên trong con hẻm 124 chủ yếu là các hộ dân mua đồ gỗ về sửa, các vật dụng trang trí quán cà phê, các mặt hàng bình dân. Tận dụng những cây gỗ, tấm ván cũ đóng thành bàn ghế, tủ đồ,... để bán.

Xóm này còn được gọi là xóm Nhà Đèn, người dân tứ xứ đến đây sinh sống. Trước đây, sát bờ kênh nhộn nhịp, các hộ dân đóng cọc, nới nhà làm điểm đón ghe lên xuống hàng. Sau này, nhiều hộ mở rộng kinh doanh ra mặt đường Phạm Thế Hiển.

Người dân xóm đồ gỗ ven kênh Tàu Hủ ở TPHCM nói gì về vụ cháy? - 1

Bà Liễu kinh doanh đồ gỗ trên đường Phạm Thế Hiển đã gần 20 năm (Ảnh: Hoàng Hướng).

"Các hộ dân bên trong xóm này chủ yếu dựng nhà bằng gỗ, có nhiều xưởng, kho bãi do đó các vật dụng này rất dễ bén lửa gây cháy. Nói chung, khu này bán các dạng đồ bình thường nên cơ sở cũng ít đầu tư", bà Liễu cho hay.

Đứng ngay đầu hẻm xảy ra vụ cháy, ông Tám (50 tuổi, ngụ quận 4), làm công việc đánh nhám cho một cơ sở sản xuất đồ gỗ tại đây cho biết, đã làm ở đây nhiều năm nhưng khu vực này chưa từng xảy ra vụ hỏa hoạn nào.

"Làm đồ gỗ, quan trọng vẫn là phòng cháy chữa cháy, bởi vì các vật liệu gỗ khô, mạt cưa rất dễ cháy nếu như bất cẩn. Khu vực này, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra phòng cháy chữa cháy, mỗi nhà đều có trang bị bình chữa cháy mini, biển cảnh báo cấm hút thuốc,...", ông Tám nói.

Người dân xóm đồ gỗ ven kênh Tàu Hủ ở TPHCM nói gì về vụ cháy? - 2

Xóm đồ gỗ là nơi người dân tứ xứ đổ về, chủ yếu tận dụng các cây gỗ, tấm ván cũ đóng lại đồ mới để bán (Ảnh: Hoàng Hướng).

Một số người dân khác cho biết, thời điểm xảy ra vụ cháy, nhiều người dùng bình chữa cháy mini dập lửa nhưng bất thành, đám cháy nhanh chóng lan rộng. Người dân bên trong được lực lượng chức năng kịp thời sơ tán.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND phường 2 cho biết, khu vực xảy ra cháy là dự án Bờ nam Kênh Đôi của TPHCM, vụ cháy khiến gần 2 hộ dân bị cháy hoàn toàn, 6 hộ dân bị ảnh hưởng.

Người dân xóm đồ gỗ ven kênh Tàu Hủ ở TPHCM nói gì về vụ cháy? - 3

Người phụ nữ bật khóc khi thấy căn nhà bị cháy rụi (Ảnh: Hoàng Hướng).

Sáng nay, UBND phường 2 đã phối hợp với Mặt trận tổ quốc quận và các đoàn thể quận 8 đã đến thăm hỏi các nhà dân ảnh hưởng bởi vụ cháy. Mỗi hộ dân bị cháy được hỗ trợ 30-40 triệu, hộ bị ảnh hưởng được hỗ trợ 10 triệu đồng.

Trước đó, như Dân trí đưa tin, khoảng 19h40 ngày 1/4, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TPHCM nhận được tin báo cháy bãi chứa vật liệu gỗ cũ, tại địa chỉ số 124/4 đường Phạm Thế Hiển, phường 2, quận 8.

Phòng đã điều động Đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an quận 8, Đội Khu vực 1, Đội Trên sông triển khai lực lượng, phương tiện khống chế đám cháy. 

Đến 20h50 đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Tổng diện tích cháy 470m2, trong đó cháy hoàn toàn 50m2 căn nhà số 206/1/18A, cháy khoảng 100/150m2 diện tích nhà số 206/1/18, cháy khoảng 320m2 diện tích bãi vật liệu gỗ cũ (nằm ở phía sau dãy nhà, ngay bờ sông).

Chất cháy chủ yếu là vật liệu gỗ cũ và đồ dùng trong gia đình. Lực lượng chức năng đã bảo vệ được dãy nhà phía trước khoảng 1.120m2, dãy nhà liền kề phía bên phải của nhà cháy hoàn toàn, may mắn không có người thương vong.