1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ninh Thuận:

Người dân vùng đại hạn: Mong lắm một bữa ăn có thịt cá!

(Dân trí) - "Gạo cháu đã đủ ăn, nước cháu đủ uống nhưng không có tiền mua cá khô, mua mắm, mua muối. Lâu lắm rồi cháu thèm thịt lắm. Thèm thịt lắm chú!" - Em Ka Tơ Thị Đém nói.


Video: Quốc Phan

Gần 18 tháng trời không có mưa. Nương rẫy bỏ hoang. Tính đến thời điểm này, người dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận đã nhận tổng cộng 4 đợt gạo do nhà nước hỗ trợ. Nước uống thì mỗi ngày có hơn 100m3 nước sạch do chính quyền địa phương và Quân khu 5 cung cấp. 

Như vậy, về cơ bản cái đói, cái khát của người dân xã Phước Trung đã được khắc phục. Chính quyền địa phương đã thực hiện đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không được để dân đói, dân khát. Thế nhưng, người dân không chỉ cần có gạo ăn, nước uống mà họ còn cần những thứ nhu yếu phẩm khác như cá khô, mắm, muối, thức ăn... Chứ như hiện nay, người dân xã Phước Trung chỉ biết ăn cơm với muối hoặc những nồi canh nấu bằng bột gạo và rau rừng.

Tài sản lớn nhất trong nhà bà Ka Tơ Thị Tứ là mấy bao gạo của nhà nước cấp
Tài sản lớn nhất trong nhà bà Ka Tơ Thị Tứ là mấy bao gạo của nhà nước cấp

Chiều ngày 17/6, chúng tôi đến nhà bà Ka Tơ Thị Tứ (80 tuổi) ở thôn Rã Trên, xã Phước Trung, bà đã vắng nhà từ sáng sớm. Đứa cháu ngoại bảo bà đi lượm phân bò trên núi. Mặc dầu đã 80 tuổi, ngày nào bà cũng phải đi khắp nơi để lượm phân bò về bán kiếm tiền mua muối, mắm. Một bao phân bò (loại hơn 10kg) bán được 22 ngàn đồng; nhưng phải hai, ba ngày mới đủ một bao.

Trong căn nhà tuềnh toàng của bà, tài sản quý giá nhất hiện nay là mấy bao gạo mà nhà nước vừa cấp phát đợt vừa rồi. Khi chúng tôi hỏi đã bao lâu rồi nhà chưa được ăn cá, thịt; em Ka Tơ Thị Đém, cháu ngoại bà Tứ nói với giọng buồn buồn: “Cháu cũng không nhớ nữa. Thỉnh thoảng khi nào nào ngoại bán được phân bò thì có cá khô ăn, còn không thì ăn cơm với nước mắm hay muối. Hôm nay, bà ngoại đi rừng hái được mớ lá bát (một loại rau rừng) nên cháu giã bột nấu nồi canh ăn cho dễ nuốt”. 

Tài sản lớn nhất trong nhà bà Ka Tơ Thị Tứ là mấy bao gạo của nhà nước cấp
Nồi canh được nấu bằng lá bát và bột gạo là thức ăn duy nhất trong ngày của gia đình bà Ka Tơ Thị Tứ

Nhìn nồi canh mà em Đém mở nắp ra cho chúng tôi xem mà xót xa. Mà đâu phải ngày nào cũng có canh để ăn! 

Anh Đặng Văn Thể (39 tuổi) - chủ một quán tạp hóa ở thôn Rã Trên, cho biết: "Vợ chồng tui dưới xuôi lên đây lập nghiệp đã 13 năm rồi, nhưng chưa có năm nào mà người dân ở đây lại khốn khó đến thế. Năm 2014 thì mất mùa, còn 2015 thì hạn nên bà con cũng chẳng có thứ gì để bán ngoài nghề đi lượm phân bò. Thanh niên trai tráng thì phải bỏ làng đi làm ăn xa để kiếm tiền gửi về phụ giúp gia đình. Trong làng hầu như chỉ còn người già và phụ nữ”. 

Món hàng mà quán của anh Thể cũng như mấy quán khác bán chạy nhất trong lúc này là mỳ tôm (chỉ khi nào bán được phân bò mới có tiền để mua). Mỳ tôm được bà con mua về để thay món canh ăn với cơm. May mà vừa rồi Quân khu 5 có về hỗ trợ cho 375 suất quà cho 375 hộ trong xã, trong đó có nước mắm, dầu ăn, bột ngọt với một ít mỳ tôm chứ không thôi người dân ở đây chắc chỉ biết ăn cơm suông.

Bà Cha Ma Lé Thị Gái hồ hởi khoe mấy bao gạo vừa được cấp phát
Bà Cha Ma Lé Thị Gái hồ hởi khoe mấy bao gạo vừa được cấp phát

Bà Cha Ma Lé Thị Gái ở thôn Rã Giữa cũng chẳng hơn gì. Tài sản quý báu nhất vẫn là mấy bao gạo mà bà hồ hởi khoe với chúng tôi. Khi được hỏi nấu cơm lên ăn với gì, bà hồn nhiên trả lời: "Ơ, mình nấu cơm cho mấy đứa con mình ăn với muối, với nước mắm thôi. Hôm nào mình lượm phân bò có tiền thì mình mua mướp về nấu với mỳ tôm cho chúng nó ăn thôi. Nhà mình không đói đâu mà. Có nhà nước lo gạo ăn rồi mà". 

Anh Cha Ma Lé Ngoan, một trong số ít thanh niên còn lại trong làng bảo: "Làng mình bây giờ ai cũng đi lượm phân bò hết. Chứ có nước đâu mà trỉa bắp, trồng mỳ. Mình thỉnh thoảng ra mấy làng người Kinh làm thuê kiếm tiền về phụ vợ mình mua cá khô ăn thôi mà".

May mà mấy ngày gần đây trên địa bàn huyện Bác Ái nói chung, xã Phước Trung nói riêng đã có mưa. Tuy nhiên đó mới chỉ là những cơn mưa làm giảm bớt đi cái nóng ung người ở đây chứ chưa thể giúp người dân có thể trồng cấy mùa vụ. Vì thế, nếu như những ngày tới trời tiếp tục nắng nóng thì chuyện nhà nước tiếp tục hỗ trợ gạo ăn và nước uống là điều hiển nhiên. 

Và những bữa cơm có thịt, có cá vẫn chỉ là những giấc mơ...

Minh Lê