1. Dòng sự kiện:
  2. Sập cầu Phong Châu
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Bắc Giang:

Người dân và chính quyền cùng "kêu cứu" vì cát tặc

(Dân trí) - Suốt nhiều năm, người dân thôn Chản Đồng - Yên Sơn - Lục Nam - Bắc Giang kêu cứu trong vô vọng trước nạn cát tặc “bức tử” sông Lục Nam. Một sự thật cay đắng là ngay chính quyền sở tại cũng bất lực, lãnh đạo địa phương thú thật “đầu hàng” cát tặc.

Tan nát một khúc Lục Đầu Giang

Lục Đầu Giang đi vào trong tiềm thức của mỗi một người dân Việt Nam với trang sử chống ngoại xâm oai hùng của cha ông. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII, Lục Đầu Giang là một vị trí quân sự chiến lược vô cùng quan trọng, cùng với hệ thống đồi núi tạo thành phòng tuyến quân sự Vạn Kiếp nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh và chiến thắng vang dội của quân dân ta.

Người dân và chính quyền cùng kêu cứu vì cát tặc
Tàu cát ngang nhiên sục sạo trên sông Lục Nam, người dân đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng.

Lục Đầu Giang là nơi hợp lưu của 3 con sông lớn, trong đó có sông Lục Nam với chiều dài lên tới gần 200km. Đi cùng với chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc, sông Lục Nam êm đềm bồi đắp phù sa cả nghìn năm, gần gũi gắn bó với bao thế hệ người dân phủ Lạng Thương xưa. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, một khúc sông Lục Nam chảy qua thôn Chản Đồng - Yên Sơn - Lục Nam (Bắc Giang), ngay phía trên dòng Lục Đầu Giang đang bị cát tặc phá tan nát.

Điều xót xa là cát tặc hoành hành ở địa phương này không giấu giếm, lén lút mà năm này qua năm khác hút ngày, hút đêm, gầm rú tuôn vòi “bạch tuộc” hết hút lòng sông lại đục rỗng hai bên bờ. Các tàu cát khi thì phân chia hoạt động theo khúc khi thì tụ lại bu kín cả một khúc sông thi nhau ăn cát.

Có mặt tại thôn Chản Đồng, PV Dân trí ghi nhận được những cảnh tượng lộng hành của cát tặc đến trắng trợn và lời kêu cứu thảm thiết của sông Lục Nam với hai bên bờ đã “lở loét”.

Ngay tại đầu làng, bà Nguyễn Thị Tân (72 tuổi) vừa trông con bò gặm cỏ ven sông vừa thẫn thờ nhìn đám tàu cát đang lùng sục dưới lòng sông. Sau tiếng thở dài, bà Tân kể lại từ ngày còn nhỏ bà đã gắn bó với khúc sông này. Suốt mấy chục năm, khúc sông hiền hòa bồi đắp phù sa cho hai bên bờ luôn bốn mùa xanh tốt ngô khoai. Thế mà chỉ vài năm trở lại đây, những chiến tàu cát ùn ùn kéo đến, hung tợn luồn xúc tua xục xạo phá nát dòng sông.

“Chắc là ông hà bá dưới sông bị quấy phá nổi giận hay sao mà từ khi lũ quái vật về đây, làng xóm không bao giờ yên. Ngay tại khúc sông này, đã có những cháu nhỏ sa vào các hố cát sâu cả chục mét chết đuối”, bà Tấn xót xa.

Cát tặc lộng hành suốt nhiều năm, bãi bồi ven sông đã bị lở mất cả trăm mét.
Cát tặc lộng hành suốt nhiều năm, bãi bồi ven sông đã bị lở mất cả trăm mét.

Theo trí nhớ của bà Tân, ngày trước bài bồi ven sông rộng cả trăm mét kéo dài bất tận. Thế mà nay, khi tàu cát đục rỗng hai bên bờ thành các hàm ếch khổng lồ thì bờ sông cứ từ từ đổ ầm từng mảng lớn. Dòng chảy cũng không hiền hòa như xưa nữa mà bị biến thành các xoáy nước hun hút. Giờ trong làng, từ người lớn trẻ nhỏ, thậm chí ngay cả gia súc cũng không dam bén mẳng đến sát bờ sông nữa. Chỉ một cú đổ sập bất thình lình, tất cả sẽ mất hút trong các xoáy nước đục ngầu.

Chúng tôi đến thôn Chản Đồng vào giữa buổi sáng. Tiếng xình xịch của máy hút cát vẫn đang náo động cả xóm làng. Đếm sơ qua đoạn sông cũng có đển cả chục tàu cát mà đa phần vẫn đang làm việc rất ngang nhiên. Trên mỗi tàu, các cát tặc đứng ngồi lổm nhổm, mặt mũi hung tợn như thách thức tất cả.

Vừa thấy bóng dáng người lạ mặt tiến về sát mép sông xem xét, chụp ảnh, hàng chục tên cát tặc bặm trợn chỉ tay đe dọa. Chẳng thế mà biết bao nhiêu lần người dân cả làng kéo ra đuổi, bọn chúng không những không bỏ chạy mà còn chống trả quyết liệt. Có những cuộc hỗn chiến đã xảy ra, thậm chí máu đã đổ nhưng cuối cùng những người dân quê chất phác phải chịu thua. “Bây giờ ai cũng nản nhưng chẳng lẽ lại bỏ mặc dòng sông. Cứ nhìn dòng sông đang quằn quại, mà chúng tôi xót xa trăm bề. Cũng đã báo hêt các cấp chính quyền, báo đến năm lần bảy lượt. Chính quyền xã dựng cả lều ở bờ sông mà dưới sông cát tặc vẫn hút thì chúng tôi biết làm thế nào”, bác Trịnh Văn Mấy (67 tuổi) xót xa.

Cát tặc lộng hành suốt nhiều năm, bãi bồi ven sông đã bị lở mất cả trăm mét.
Bãi tập kết cát trái phép với cả máy xúc và ô tô tải hoạt động rầm rộ ngay tại chân đê, đầu đường rẽ vào UBND xã Yên Sơn.

“Hà bá” nổi giận, dân khổ trăm bề

Sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang trước lời kêu cứu của người dân thôn Chản Đồng và lời kêu cứu của chính dòng sông Lục Nam đã khiến dòng sông nổi giận. Những bãi bồi phù sa hàng thế kỷ chỉ một thời gian ngắn đã dần biến mất. Ngày trước, người dân thôn Chản Đồng hết trồng lúa lại canh tác ngô khoai mấy vụ  trên dọc dài bãi bồi này thì nay đành bỏ hoang, thả cỏ chăn bò.

Nhiều nơi, bờ sông bị ăn mất, chỉ còn cách đê có vài chục mét. Anh Trần Văn Huy (SN 1967), người dân trong thôn bức xúc: Tàu cát cứ ăn ngày đêm như vậy thì liệu kè đá dưới chân đê có ích gì. Dưới sông cát tặc phá, trên bờ người dân trồng tre nhưng không biết liệu có giữ được bao lâu”.

Báo cáo của UBND xã Yên Sơn gửi đến các cơ quan chức năng trước nạn cát tặc.
Báo cáo của UBND xã Yên Sơn gửi đến các cơ quan chức năng trước nạn cát tặc.

Nhưng điều khiến người dân phía trong đê khiếp hãi nhất là tiếng xình xịch của tàu hút cát. Ban ngày còn đỡ, ban đêm, “dàn đồng ca” máy nổ của tàu cát khiến người dân, nhất là người già và trẻ em phải thức trắng, không sao ngủ được.

Nhiều hệ lụy của nạn cát tặc nơi đây đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Cát dưới lòng sông bị hút sâu đến hàng chục mét khiến nước ngọt tại các giếng trong làng cũng theo đó mà bị hút ra sông. Thay vào là nước sông đục ngàu. Thậm chí một số nhà trên cao còn bị mất nước.

Cuộc sống bị đảo lộn, nhiều người dân dùng gạch, đá ném xua đuổi các hút cát trên sông nhưng đều bị chúng đe dọa, chống trả quyết liệt. Thậm chí, anh Mạc Văn Bàn, Phó trưởng thôn Chản Đồng đã bị các chủ tàu cát đánh đập dã man phải đi cấp cứu.

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng thôn Chản Đồng chỉ vì ủng hộ người dân trong thôn chống lại các tàu hút cát đã bị bọn chúng ném gạch đá vào nhà và nhắn tin dọa giết. Khoảng tháng 3/2013, khi bị người dân truy đuổi gắt gao, một số đối tượng trên các tàu cát còn nổ súng hoa cải bắn về phía người dân để dễ dàng tẩu thoát… khiến người dân luôn sống trong cảnh hoang mang, lo sợ.

Làm việc với PV Dân trí, ông Phùng Văn Thỏa - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn - thú thật, ngay chính quyền địa phương cũng bất lực với cát tặc. “Trong nhiều thời điểm “nóng” địa phương luôn duy trì lực lượng lên đến 48 người, lập thành 8 tổ công tác dựng lều túc trực 24/24 giờ ngay bờ sông để giữ không cho các tàu đến hút cát. Thế nhưng, tổ công tác cắm lều trên bờ, cát tặc vẫn hút cát dưới sông. Chúng tôi không phương tiện làm sao bắt được chúng.

UBND xã chỉ có hai thuyền tôn có động cơ lái bằng tay làm phương tiện đi kiểm tra. Nhiều khi thuyền của xã đến gần chúng còn dùng vòi phun nước, dùng gậy chọc thủng khiến thuyền của xã bị đắm trên sông, rất may tổ công tác kịp thời bơi được vào bờ nên không xảy ra thương vong gì. Có lần, tổ công tác của xã áp sát, tràn được lên tàu hút cát, chúng tôi gọi lực lượng giao thông đường thủy hỗ trợ nhưng đợi mãi không thấy thế là mấy cán bộ thành “bơ vơ” trên tàu cát tặc.

Chúng quay lại khống chế tổ công tác, dọa giết, ném xác xuống sông rồi cho tàu chạy ra khỏi địa bàn xã. Thấy vậy, tổ công tác phải xin chúng mới cho xuống thuyền”, ông Thỏa chua chát nói.

Vấn đề khó nhất với chính quyền cấp xã là phương tiện không có trong khi thẩm quyền xử phạt tối đa các trường hợp cát tặc chỉ 2 triệu đồng nên không bõ bèn gì. Không xử lý được chúng một lần thì cát tặc càng được đà lấn tới, ngày càng hoạt động rầm rộ hơn, nhiều thời điểm chúng huy động đến hơn 20 tàu lớn móc cáp vào nhau rồi treo đèn pha sáng rực như một công trường lớn trên sông để hút cát trước sự bất lực của người dân và lực lượng chức năng địa phương.

Ông Thỏa cho biết, UBND xã Yên Sơn đã báo cáo sự việc lên Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Giang xin giúp đỡ nhưng Sở TN&MT lại có công văn trả lời trách nhiệm thuộc xử lý cát tặc về UBND xã là chính. “Nếu mọi công việc đối đầu, truy bắt và xử lý cát tặc đều bắt chính quyền cấp xã chịu trách nhiệm thì không chỉ mình tôi mà chủ tịch mấy xã lân cận đang bị nạn cát tặc hoành hành cũng xin... đầu hàng”, ông Thỏa nói.

Anh Thế - Quốc Đô