1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người dân Thủ đô cũng khốn khổ vì cầu treo “dọa” sập

(Dân trí) - Ngày 15/7/2014, chân cầu treo dân sinh 19/5 (ở cụm 9, phường Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội) bị gãy trụ, đe dọa sập. Từ đó đến nay cầu chưa được khắc phục khiến các hộ dân nơi đây đi lại rất khó khăn.


Những hộ dân sinh sống tại cụm 9, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội phản ánh, cây cầu treo dân sinh mang tên 19/5 được xây dựng từ những năm 1986, 1987. Khi cầu hoàn thành đã phục vụ nhu cầu đi lại cho hàng trăm hộ dân ở cụm 9, phường Trung Hưng và các phường như Ngô Quyền, Quang Trung của thị xã Sơn Tây. Ngoài ra, công nhân của Công ty Kỹ nghệ thực phẩm 19/5 cũng thường xuyên đi lại qua cây cầu này.

Vài năm trở lại đây, lưu lượng người tham gia giao thông qua cầu ngày càng tăng, trước đây chỉ có người đi bộ, thì nay có thêm xe máy, xe đạp. Điều đáng nói là từ khi được đưa vào sử dụng, cây cầu không được bảo dưỡng thường xuyên do không có một đơn vị nào đứng ra quản lý. Chính vì vậy cầu đã xuống cấp rất nhanh, trụ và thân cầu hoen gỉ theo thời gian.

Sau vụ sập cầu treo Chu Va 6 xảy ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu hồi tháng 2 năm 2014, Phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây có cắm 2 cột thông báo với nội dung cấm xe có tải trọng lớn qua cầu, chỉ cho phép người đi bộ, xe đạp, xe mô tô 2 bánh để đảm bảo an toàn cho người dân. Nhưng vào khoảng 15h ngày 15/7/ 2014, một chiếc xe lam chở hàng nặng đi qua đã khiến cây cầu bị cong nứt và gãy trụ, rất may không gây thiệt hại về người.

Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã rào chắn hai phía đầu cầu, cấm người dân qua lại, đề phòng những tai nạn không đáng có.

Tại Thủ đô Hà Nội cũng đang còn tồn tại cây cầu như thế này


Tại Thủ đô Hà Nội cũng đang còn tồn tại cây cầu như thế này

Tại Thủ đô Hà Nội cũng đang còn tồn tại cây cầu như thế này

Vậy là cây cầu đã gắn bó gần 30 năm với người dân nơi đây, giờ xập xệ, già nua, nằm vắt mình qua dòng sông Tích, không còn phát huy tác dụng. Người dân nơi đây nhìn cầu mà đau xót.

Ông Nguyễn Văn Phú (74 tuổi) ở cụm 9, phường Trung Hưng cho biết, cây cầu này bị hỏng cách đây 3 năm rồi, nhưng chính quyền địa phương chỉ khắc phục bằng cách cho tấm sắt đặt lên mặt cầu. Khoảng nửa tháng trở lại đây, chân cầu bị gãy. Cầu giờ đã hỏng, không sử dụng được nữa. Hàng trăm hộ dân và các em học sinh nơi đây buộc phải đi vòng men theo con đường đồng vắng để qua sông.

Bà Nguyễn Thị Luân ngụ cùng địa phương phản ánh: “Làm cây cầu sắt này bọn tôi phải đóng tiền trừ lương bao nhiêu tháng. Cây cầu này được làm chính thức từ năm 1986, đến bây giờ là được 28 năm rồi. Chân cầu không có bê tông, toàn sắt nên bây giờ nó gỉ, hỏng hết rồi. Dân chúng tôi lo lắng lắm, các cháu học sinh bây giờ phải đi vòng xa hơn 3km, trời mưa, trời gió, đêm hôm, nhiều đoạn vắng nguy hiểm, hay bị trấn lột lắm”.

Người dân nơi đây giờ cùng có chung một mong muốn là cơ quan chức năng quan tâm sửa chữa cây cầu, để bà con có thể qua sông thuận lợi, an toàn.

Tại Thủ đô Hà Nội cũng đang còn tồn tại cây cầu như thế này

Không có cầu, hàng ngàn người dân và các cháu học sinh phải đi vòng qua con đường đồng vắng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm


Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Ngọc Vĩnh - Chủ tịch UBND phường Trung Hưng - cho biết, trong khi chưa có phương án khắc phục, UBND phường chỉ còn cách ngăn đường, cảnh báo nhân dân không đi qua cầu kể từ ngày 15/7/2014. Thế nhưng đây cũng mới chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện UBND phường đã có công văn gửi UBND thị xã Sơn Tây giải quyết với mong muốn xây mới cây cầu phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Nguyễn Dương