Người dân TPHCM xúc động khi gọi tên phường Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn...
(Dân trí) - Người dân TPHCM chia tay những tên quận, huyện thân thuộc, nhưng cũng hồ hởi khi thấy nhiều danh xưng văn hóa - lịch sử nay thành đơn vị hành chính như phường Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định...

Sáng 30/6, người dân TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thức dậy với tâm thế khác mọi ngày. Các cán bộ, công chức của 3 địa phương tập trung về các điểm cầu trực tuyến để đón nhận quyết định sắp xếp đơn vị hành chính, thành lập tổ chức Đảng của Trung ương.
8h tại hội trường của Học viện Cán bộ TPHCM, các đại biểu nhiệt liệt chào đón Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác tiến vào khu vực tổ chức lễ công bố. Sự kiện có sự tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM các thời kỳ.
Sự kiện mang tầm vóc lịch sử
Trên cơ sở sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thực hiện nghi thức trao Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập TPHCM mới, các Quyết định của Trung ương về chỉ định nhân sự Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM mới.
Thường trực Thành ủy TPHCM mới gồm: Bí thư Nguyễn Văn Nên; các Phó Bí thư là ông Nguyễn Thanh Nghị, ông Nguyễn Văn Được, ông Võ Văn Minh, ông Nguyễn Phước Lộc, ông Đặng Minh Thông.

Tổng Bí thư Tô Lâm thực hiện nghi thức trao Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập TPHCM mới, các Quyết định của Trung ương về chỉ định nhân sự Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM mới (Ảnh: Hữu Khoa).
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm gọi đây là "sự kiện mang tầm vóc lịch sử".
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẳng định là ba cực phát triển mạnh mẽ ở phía Nam - nơi quy tụ những thành tựu vượt trội về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cảng biển và hội nhập quốc tế.
"Việc hợp nhất không gian ba địa phương không phải là sự cộng gộp đơn thuần, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, để hình thành một siêu đô thị - trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới", Tổng Bí thư khẳng định.
Sau phần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, thay mặt Đảng bộ, chính quyền TPHCM mới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết từ ngày mai (1/7), TPHCM sẽ trở thành một thực thể hành chính - kinh tế có vị thế mới trên bản đồ các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới.

Hình hài TPHCM mới sau sáp nhập (Đồ họa: Ngọc Tân).
Thành phố mang khát vọng lớn và cơ hội lịch sử để tối ưu hóa tiềm năng phát triển kinh tế vượt trội, sớm trở thành siêu đô thị đa trung tâm, đa ngành, đa chức năng, có vị thế toàn cầu, hiện thực hóa tiến trình xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
"Đến giờ phút này, toàn hệ thống chính trị của thành phố mới đã sẵn sàng. Nhân dân đang kỳ vọng. Và ngày mai sẽ bắt đầu từ chính hôm nay", Bí thư Nguyễn Văn Nên kết thúc bài phát biểu.
Cả hệ thống hành chính chuyển mình
Trong lúc buổi lễ công bố TPHCM mới đang được truyền hình trực tiếp, lễ công bố các phường, xã, đặc khu mới của TPHCM cũng được tổ chức ở từng trụ sở. Tại các điểm giải quyết thủ tục hành chính, người dân bắt đầu làm quen với những biển tên phường mới. Các nhân viên hành chính ai vào việc nấy, duy trì thông suốt công việc trong ngày cuối cùng của đơn vị hành chính cũ.
Tại UBND phường Bảy Hiền, lễ công bố thành lập phường mới diễn ra tại trụ sở Đảng ủy phường. Trong khi đó, trụ sở UBND và Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bảy Hiền đang được khẩn trương sửa chữa để đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 1/7.

Trụ sở phường Bảy Hiền, TPHCM (Ảnh: Hoàng Việt).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Bùi Thị Mai Quyên, Trưởng ban Xây dựng Đảng phường Bảy Hiền cho biết, trong sáng 30/6, phường tổ chức lễ ra mắt đơn vị hành chính mới.
Phường Bảy Hiền thành lập trên cơ sở sáp nhập các phường 10, 11 và 12 (quận Tân Bình). Trong ngày 30/6, các phường cũ vẫn đảm bảo giải quyết những hồ sơ còn tồn đọng của người dân. Dự kiến từ ngày 1/7, phường Bảy Hiền chính thức đi vào vận hành.
"Sau hôm nay, phường sẽ cơ bản bố trí được các vị trí chủ chốt để tiếp dân. Những cán bộ ở các bộ phận chưa tiếp dân tạm thời sẽ phải làm việc trong điều kiện chật chội, sau đó sẽ dần được sắp xếp lại", bà Quyên chia sẻ.
Tại trụ sở phường Sài Gòn mới, ông Võ Thành Phát, cán bộ tiếp dân, đã sẵn sàng cho công việc mới. Trước khi sáp nhập, ông là công chức tư pháp của phường Nguyễn Thái Bình (quận 1). Sau sáp nhập, ông Phát được chuyển đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Sài Gòn.
"Tôi rất vinh dự khi được chọn để làm việc ở đây, chính vì niềm vinh dự đó mà tôi phải nỗ lực hết sức mình, đóng góp hết sức để đảm bảo mục tiêu đề ra và phục vụ tốt nhất cho người dân để góp phần giúp đất nước mạnh mẽ hơn", ông Phát chia sẻ.

Công chức, viên chức cấp phường của TPHCM mới sẵn sàng phục vụ người dân (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Sáng cùng ngày, lễ công bố thành lập phường Tân Bình diễn ra trong không khí trang trọng. Trụ sở phường được bố trí tại địa điểm từng là trụ sở của UBND quận Tân Bình trước đây.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết, khi nhận nhiệm vụ tại cơ quan mới, bà đã nhanh chóng sắp xếp nơi làm việc cho cán bộ, công chức nhằm chuẩn bị cho bộ máy vận hành ổn định từ ngày 1/7.
“Trong quá trình chuẩn bị, tất cả cán bộ đều rất tập trung. Dù được bổ nhiệm hay chưa được bổ nhiệm, ai cũng nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt công việc, đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt, phục vụ nhân dân ngay từ ngày đầu”, bà Phượng nói.
Lãnh đạo UBND phường Tân Bình cũng cho hay số lượng công chức giảm, nhưng đầu việc có thể sẽ nhiều hơn. Một số nhiệm vụ từ cấp quận chuyển về, trong khi nhiệm vụ của cấp xã vẫn phải “gần dân, sát dân”, nên đòi hỏi thêm những hoạt động thiết thực, sát với đời sống người dân.
Tại trụ sở HĐND - UBND huyện Côn Đảo (từ 1/7 là đặc khu Côn Đảo), lãnh đạo, cán bộ huyện tham gia trực tuyến lễ công bố thành lập TPHCM mới.

Chính quyền đặc khu Côn Đảo theo dõi lễ công bố thành lập TPHCM mới (Ảnh: Lý Huyền).
Sau khi sáp nhập TPHCM với hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, TPHCM mới có một đặc khu kinh tế là đặc khu Côn Đảo. Dân số đặc khu Côn Đảo là hơn 13.000 người và mật độ dân số bình quân là 173 người/km2.
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, Côn Đảo đã có sự phát triển vượt bậc. Sau khi thành lập đặc khu, Côn Đảo sẽ tập trung phát triển du lịch chất lượng cao để trở thành trung tâm du lịch quốc gia với trọng tâm là du lịch sinh thái biển đảo, du lịch lịch sử - văn hóa và tâm linh.
Côn Đảo sẽ tiếp tục phát triển quy hoạch, tạo các phân khu du lịch như khu phố cổ kiến trúc Pháp tại trung tâm, khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, khu cảng Bến Đầm, khu Đầm Trầu, Cỏ Ống và Vườn Quốc gia…
Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn thành địa danh hành chính
Với người dân TPHCM, có 2 sự thay đổi quan trọng được công bố trong ngày 30/6. Thứ nhất là việc sáp nhập 3 địa phương TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành TPHCM mới. Thứ 2 là việc tổ chức lại đơn vị hành chính theo 2 cấp. TPHCM mới sau khi sáp nhập không còn cấp quận/huyện, chỉ còn cấp thành phố và 168 xã/phường/đặc khu.
Người dân bùi ngùi "chia tay" những tên quận thân thuộc, nhưng mặt khác cũng hồ hởi khi thấy nhiều địa danh mang tính văn hóa - lịch sử nay đã chính thức có danh xưng hành chính như: Phường Sài Gòn, phường Chợ Lớn, phường Gia Định...
Có mặt tại trụ sở quận 1 (từ ngày 1/7 sẽ là trụ sở phường Sài Gòn mới), phóng viên gặp ông Trịnh Văn Thêm (66 tuổi, người dân ở phường) đi làm giấy khai sinh cho cháu. Ông bước qua cánh cổng có dòng chữ "Từ ngày 1/7, phường Sài Gòn chính thức hoạt động...".

Ông Trịnh Văn Thêm đi làm thủ tục hành chính tại trụ sở phường Sài Gòn mới (Ảnh: Khoa Nguyễn).
Ông Thêm là cư dân của phường Bến Nghé (quận 1). Sau sáp nhập, ông trở thành cư dân của phường Sài Gòn. Ông bày tỏ niềm vinh dự và phấn khởi khi địa phương nơi mình ở mang tên Sài Gòn. “Cảm giác rất khó diễn tả, tên phường Sài Gòn rất hay và mang tính lịch sử của thành phố”, ông Thêm nói.
Vị công dân lớn tuổi mong các cán bộ chính quyền 2 cấp sẽ đoàn kết, tạo năng lực và nhiều quyền lợi cho người dân được hưởng. Ông Thêm cho rằng sau sáp nhập, tuy là địa bàn rộng, nhưng vẫn nằm trong phạm vi quản lý được. Quan trọng nhất là năng lực của cán bộ. Ông hy vọng tất cả sẽ phấn đấu để mang lại lợi ích cho đất nước.
Ông Tạ Văn Luận (sinh năm 1957) cho biết, trước kia ông ngụ ở phường 7, quận Bình Thạnh (cũ). Sau sáp nhập, ông trở thành người dân phường Gia Định. "Bản thân tôi rất thích tên Gia Định, nó có ý nghĩa lịch sử lâu đời. Nay gia đình tôi chuyển về phường này, tôi rất phấn khởi", ông Luận nói.

Người dân đến làm thủ tục hành chính trong ngày 30/6 (Ảnh: Bảo Quyên).
Theo ông Luận, việc đi vào hoạt động chính quyền 2 cấp sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
"Ngày trước, khi còn cấp trung gian, các thủ tục phần lớn được chuyển lên quận dẫn đến thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài. Giờ phường có các phòng, ban rồi, nên việc xác minh, xử lý hồ sơ sẽ nhanh hơn", ông Luận nói và mong mỏi các cán bộ mới sẽ thay đổi tư duy, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, làm việc hiệu quả cao hơn trước.
Có mặt tại buổi lễ công bố thành lập phường An Đông, bà Ngô Thị Bích Liên chia sẻ, bà sinh ra và lớn lên ở TPHCM, nhà gần chợ An Đông nên bà còn nhớ như in hình ảnh khu chợ này những ngày mới đi vào hoạt động.
“Hồi trước, chợ An Đông là một khu chợ truyền thống, sau này được xây lên thành khu trung tâm thương mại, chia làm nhiều khu buôn bán. Hồi đó, hầu như ai cũng biết đến khu chợ này, không chỉ người Sài Gòn mà kể cả những du khách gần xa.
Nay khi sáp nhập phường 5, 7 và 9 thành phường mới lấy tên An Đông, tôi cảm thấy tên này rất gần gũi, quen thuộc. Thực sự, tôi như được hồi tưởng lại ký ức xưa”, bà Liên nói.

Ông Trần Xuân Sang chia sẻ cảm xúc trong ngày công bố quyết định thành lập TPHCM mới (Ảnh: Hoàng Hướng).
Tại phường Chợ Quán, ông Trần Xuân Sang (SN 1951, người dân địa phương) có mặt từ sáng sớm, xúc động trong ngày lịch sử trọng đại của thành phố và đất nước. Ông cho biết, ông là cựu chiến binh, sau giải phóng ông từ Thanh Hóa vào TPHCM sinh sống và đã gắn bó với thành phố 50 năm, làm cán bộ tổ dân phố hơn 10 năm.
“Đứng trước thời khắc sáp nhập, đổi mới của đất nước, tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Tôi thấy việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính là đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mong từ nay đất nước ta sẽ bước sang kỷ nguyên mới, phát triển hơn nữa”, ông Sang nói.
TPHCM mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Sau khi sắp xếp, TPHCM có diện tích tự nhiên hơn 6.722km2, quy mô dân số hơn 14 triệu người.
Đồng thời với việc sáp nhập địa giới hành chính, TPHCM mới cũng sẽ áp dụng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp với việc bỏ cấp quận/huyện, toàn thành phố có 167 phường/xã và 1 đặc khu.
Kể từ ngày 1/7, TPHCM mới kế thừa toàn bộ quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước của TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện tại.