1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Người dân phân loại rác, người thu gom lại... đổ chung vào một thùng

(Dân trí) - Phân loại rác tại nguồn ở TPHCM chỉ được làm thí điểm mà không áp dụng rộng rãi, tuy nhiên cũng gặp không ít bất cập, từ khâu tuyên truyền đến thu gom vận chuyển.

Một nghịch lý đang tồn tại đó là người dân phân loại xong người đi thu gom lại đổ chung một thùng, kết quả không còn ý nghĩa nên nhiều người không muốn thực hiện vì phí công sức.

Ngày 1/4, tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TPHCM phối hợp cùng Đài truyền hình TPHCM tổ chức, bà Lâm Thị Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TP – cho biết qua tuyên truyền vận động, nhiều chị em tham gia phân loại rác tại nguồn theo Nghị quyết của HĐND TPHCM. Tuy nhiên, kết quả thực hiện không như mong muốn.

Phương tiện thu gom rác thô sơ, người thu gom rác chưa được tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn
Phương tiện thu gom rác thô sơ, người thu gom rác chưa được tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn

“Phương tiện thu gom đảm bảo yêu cầu chỉ có ở nơi làm thí điểm. Những khu vực còn lại, người thu gom cho rác chung vào một thùng. Công sức chị em phân loại coi như không còn ý nghĩa. Cho nên nhiều người biết cũng không thực hiện”, bà Hoa nói.

Trong khi đó, ông Đậu An Phúc – Phó Chủ tịch UBND quận 12 – cho biết địa phương tổ chức làm thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 2 khu vực từ năm 2015 và đạt kết quả khá tốt, tỷ lệ tham gia trên 90%.

Đến năm 2017, UBND TP ban hành kế hoạch thí điểm nên quận quyết định nhân rộng địa bàn thí điểm. Tổ chức lớp tập huấn cho người dân phân loại rác tại nguồn, số người tham gia tăng. “Tuy nhiên, việc thu gom rác lại không thực hiện tốt, có thể nói người thu gom rác chưa được tập huấn phân loại rác”, ông Phúc nói.

Ngay lập tức, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: “Bộ phận thu gom chưa được tuyên truyền là trách nhiệm của ai?”.

Ông Phúc cho biết trách nhiệm thuộc Công ty công ích của quận. Theo ông, khi mở rộng địa bàn phân loại rác tại nguồn thì có lực lượng thu gom rác dân lập tham gia nhưng chưa được tập huấn. Trên địa bàn có 119 đường dây thu gom rác dân lập nên việc tập trung tập huấn gặp khó khăn. Quận cũng kiến nghị TP sớm ban hành quy định quản lý lực lượng này.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tham quan mô hình thiết bị hỗ trợ di chuyển thùng rác tại kỳ họp bất thường của HĐND TPHCM về chuyên đề công tác bảo vệ môi trường diễn ra vào tháng 6/2017
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tham quan mô hình thiết bị hỗ trợ di chuyển thùng rác tại kỳ họp bất thường của HĐND TPHCM về chuyên đề công tác bảo vệ môi trường diễn ra vào tháng 6/2017

Theo bà Quyết Tâm, phải đánh giá đúng thực trạng và bất cập trong thu gom rác hiện nay để có giải pháp thực hiện. “Người dân thu gom rác mà xe gom rác nhập chở chung thì không hiệu quả. Người dân ủng hộ phân loại rác tại nguồn rồi thì lại có việc thu gom rác quản lý chưa tốt, điều này rất vô lý”, bà Tâm bức xúc.

Đại diện Hợp tác xã Bảo Tín cho biết đang phụ trách thu gom rác cho 39.000 hộ dân, mỗi ngày khoảng 140 tấn rác. Trong đó, lực lượng thu gom rác dân lập do HTX đang quản lý còn nhiều vấn đề vướng mắc, nhất là phương tiện.

“HTX đang quản lý 107 công nhân với 146 xe hầu hết là thô sơ. Trong khi phương tiện vận chuyển cần có 2 ngăn thì chưa chuẩn bị được. Muốn chuyển đổi thì cần 50 tỷ đồng, kinh phí quá lớn”, đại diện HTX nói. Đồng thời, kiến nghị TP sớm ban hành đơn giá dịch vụ thu gom rác để tạo điều kiện cho công nhân ổn định cuộc sống.

Có mặt tại chương trình, một cử tri quận 3 đặt vấn đề tại sao không áp dụng phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên địa bàn thành phố mà lại làm thí điểm.

“Hầu hết khu dân cư là đường dây thu gom rác dân lập đi thu. Người ta làm sao có tiền đổi xe. Họ cũng là người nghèo, lại đi làm thuê cho đầu nậu chứ không làm chủ. TP có tiền hỗ trợ mua xe thì thì người dân tham gia vì phân loại rác tại nguồn hiệu quả. Nếu ai không làm thì có chế tài, không đạt thì không lấy rác nữa”, cử tri quận 3 nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang (chuyên gia môi trường) – cho rằng khi được cung cấp thông tin đầy đủ về lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn thì người dân nói tại sao TP không triển khai.

“Chúng ta cần triển khai đồng loạt, tại sao phải thí điểm. Có thể bắt đầu từ trường học, công sở, khu công nghiệp... Thực tế cho thấy ở doanh nghiệp người ta làm rất tốt. Người dân cứ làm tốt khâu đầu, phần việc còn lại là của thành phố”, bà Diệu nói.

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP – thừa nhận hiện nay còn có nhiều điểm chưa phù hợp trong việc thu gom rác phân loại tại nguồn. Sắp tới, thành phố sẽ ban hành giá dịch vụ thu gom rác và quản lý lực lượng thu gom rác dân lập.

“Nhìn lại lịch sử trước đây còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, lần này trong kiến nghị của địa phương, TP ban hành quyết định sửa đổi quản lý lực lượng thu gom rác dân lập. Thành phố có chậm và cố gắng tháng 4 xong”, ông Thắng nói.

Đơn vị thu gom rác cho biết gặp khó khăn trong việc chuyển đổi phương tiện hiện đại
Đơn vị thu gom rác cho biết gặp khó khăn trong việc chuyển đổi phương tiện hiện đại

Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TPHCM – cho biết mỗi ngày TP xử lý 8.300 tấn rác thải sinh hoạt. TP kêu đang gọi đầu tư xử lý rác thì điện, sau đó bán lại cho thành phố. Ngoài ra, rác xử lý tái chế thành những sản phẩm khác. Sắp tới, thành phố sẽ hoàn thành App tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn để cho người dân tải về điện thoại.

Về khó khăn trong việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác, ông Tuyến cho biết thành phố sẽ triển khai quyết liệt vay kích cầu, hỗ trợ lãi suất cho người mua xe.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị Tổng Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco) có chính sách về giá cả tốt hơn cho đối tượng mua xe thu gom rác.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết sắp tới việc thu gom rác dân lập cũng phải đấu thầu, đáp ứng các tiêu chí mới được tham gia.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND TP chỉ đạo sở ngành, quận huyện đánh giá lại ách tắc để tháo gỡ. “Người dân ủng hộ, vấn đề còn lại là thu gom rác chưa tốt. Phương tiện thu gom, công nghệ, công tác tổ chức thu gom rác cần làm tốt hơn”, bà Tâm nói.

Quốc Anh