1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cần Thơ:

Người đàn ông “xén” bánh của cháu để nuôi chim trời

(Dân trí) - “Đến giờ tôi vẫn không sao quên được hình ảnh một con chim câu chết trước mặt mình do bị một thanh niên dùng ná thun bắn. Cả tuần sau, đàn chim câu mới chịu trở lại..." - anh Nguyễn Văn Chương, người đàn ông "xén" bánh bò của cháu để nuôi đàn chim trời, chia sẻ.

Từ nhiều tháng nay, cứ vào tầm 6 - 7 giờ sáng và 14 -15 giờ hàng ngày, người dân lưu thông trên đại lộ Hòa Bình (TP Cần Thơ) lại bắt gặp hình ảnh một người đàn ông khoảng 40 tuổi rải thóc cho đàn chim câu và chim sẻ ăn trên hè đường. Người đàn ông đó là anh Nguyễn Văn Chương - hành nghề bán kiểng lá dạo, cư ngụ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Anh nuôi đàn chim câu, chim sẻ hơn một năm qua bằng... bánh bò và mè của đứa cháu mình.


Anh Chương kể: “Khoảng đầu tháng 2 năm ngoái, tôi đang coi xe bánh bò cho đứa cháu thì thấy khoảng 30 con chim sẻ kéo đến. Thấy vậy tôi lấy mè có sẵn trên xe bánh bò của đứa cháu rải xuống đất cho đàn chim sẻ ăn. Cứ vậy, một ngày, hai ngày, ba ngày… đàn chim sẻ kéo tới mỗi lúc một đông, có thời điểm cả 100 con chim sẻ. Khi tôi nuôi đàn chim sẻ khoảng 1 tháng, bỗng nhiên có thêm 10 con chim câu cũng đến “nhập tịch” và từ đó tôi nuôi luôn cả đàn chim câu”.

Ban đầu anh Chương dùng bánh bò của cháu để nuôi đàn chim câu, chim sẻ
Ban đầu anh Chương dùng bánh bò của cháu để nuôi đàn chim câu, chim sẻ

Về thức ăn nuôi chim, anh Chương cho biết, ban đầu thấy chúng ít nên anh dùng mè nhưng sau đó đàn chim mỗi lúc mỗi đông, anh lo không nổi nên đành chuyển sang cho ăn bánh bò. Rồi khi đàn chim câu đã lên 20 con, chim sẻ cũng cả trăm con, anh Chương quyết định "chuyển món" cho chim ăn đậu nành, bánh mì… Cuối cùng tiền kiếm được chả đủ nuôi chim trời, anh chuyển qua mua lúa cho chim ăn.

Ban đầu vào mỗi buổi, đàn chim ăn hết khoảng 1kg lúa (khoảng 20.000 đồng). Sau đó công việc buôn bán kiểng ế ẩm, anh đành giảm lượng lúa xuống. Đôi lúc thấy chim còn đói, anh lại “xén” bánh bò của đứa cháu để cho đàn chim ăn.

Ban đầu anh Chương dùng bánh bò của cháu để nuôi đàn chim câu, chim sẻ

Vừa rải lúa cho đàn chim ăn, anh Chương vừa chia sẻ: “Có lẽ nuôi lâu nên “mến tay mến chân” với chúng. Do vậy đi đâu 2 -3 ngày là tôi nhớ chúng lắm, nên bây giờ tôi ít đi giao du với bạn bè, khi nào có việc cần đi lắm tôi mới đi. Khi đi vắng tôi cũng gửi lúa lại cho đứa cháu bán bánh bò cho ăn giúp”.

Gắn bó với đàn chim đã lâu, anh Chương hiểu sở thích của chúng. Với chim sẻ, món khoái khẩu nhất là lúa và bánh mì. Còn chim câu có thể ăn được nhiều thứ nhưng nơi ăn phải sạch sẽ.

Cả khi anh Chương không cho ăn, đàn chim cũng ríu rít vây quanh.
Cả khi anh Chương không cho ăn, đàn chim cũng ríu rít vây quanh.

Anh Chương kể: “Những ngày tôi ra đây trễ, đàn chim câu đến sớm nhưng chúng không bao giờ đến đây. Chúng dạo vòng quanh trước hành lang trụ sở HĐND thành phố hoặc “treo mình” trên cây sao. Chỉ khi nào tôi dùng chổi quét sạch chỗ cho chúng ăn hàng ngày, khi đó chúng mới bay đến”.

Hỏi vì sao anh cất công nuôi đàn chim trời, trong khi có nhiều người chỉ thích giết chim để làm món nhậu, anh Chương cười nhẹ: “Tôi nghĩ mình đến chùa, phóng sanh… đó là điều tốt nhưng nếu mình có điều kiện bảo vệ đàn chim sẽ tốt hơn những việc làm hình thức khác. Tôi xem chim như những người bạn, hôm nào đàn chim câu, chim sẻ không về đông đủ hoặc con nào bỏ ăn… tôi thấy lo lắm!”.

Rồi giọng anh trầm buồn: “Đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được hình ảnh một con chim câu bị một thanh niên dùng ná thun bắn chết ngay trước mặt mình. Lúc đó tôi giận lắm nhưng chẳng biết làm gì ngoài việc lau vết máu, mang xác bồ câu đi chôn. Dù vậy, cả tuần sau, đàn chim câu mới chịu về đây, nhưng chúng chẳng vui vẻ như trước nữa”.

Nguyễn Hành