1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Người đàn ông trở về sau gần 40 năm được... cúng giỗ

(Dân trí) - Sau một thời gian tìm kiếm người em tên Sướng mà không thấy, ngỡ em mình đã chết, gia đình ông Ân đã lập bàn thờ, năm nào cũng làm giỗ cho em. Bất ngờ gần 40 năm sau, người em trai "thiên cổ" ấy trở về...

Mỗi năm được cúng 3 cái giỗ

Đầu tháng 3/1975, cũng như hàng vạn gia đình phải sơ tán khắp nơi vì bom đạn chiến tranh, gia đình ông Ân gồm cha ông là Lê Văn Bốn (SN 1927), mẹ là Lê Thị Hiển (SN 1930) cùng 9 người con rời ngôi nhà ở thị xã Pleiku đi xuống các huyện phía đông nam để tránh bom đạn.

Khi họ đi đến đoạn giáp ranh 2 huyện Phú Bổn và Krông Pa thì bỗng dưng chiếc cầu bắc qua sông bị gãy (nay là cầu Lệ Bắc). Dòng người đi tránh nạn rơi vào hỗn loạn, cha mẹ, anh em thất lạc nhau. Gia đình ông Bốn bị lạc người con thứ 5 là Lê Văn Sướng (khi đó lên 9 tuổi). Cả gia đình đã chia nhau đi khắp nơi tìm Sướng nhưng không thấy.

Ngày 17/3/1975, thị xã Pleiku hoàn toàn được giải phóng. Gia đình ông Bốn quay trở lại nhà cũ với hy vọng sẽ tìm lại được người con bị thất lạc. Nhưng cậu bé Sướng vẫn không thấy trở về. Một năm sau đó, vợ chồng ông Bốn sinh thêm được 1 người con gái đặt tên là Lê Thị Hồng. Đến năm 1977, ông Bốn qua đời.

Vợ chồng ông Ân kể về câu chuyện thất lạc của người em trai
Vợ chồng ông Ân kể về câu chuyện thất lạc của người em trai

Mọi hy vọng về Sướng lúc này đã tắt. Ông Lê Văn Ân (SN 1955, anh trai ông Sướng, hiện trú tại phường Tây Sơn, TP Pleiku) kể: “Lúc đó bom đạn chiến tranh ác liệt. Gia đình tôi cố gắng tìm kiếm khắp nơi mà không thấy em tôi nên cứ tưởng nó đã chết”. Do không biết đích xác ông Sướng mất vào ngày nào nên hàng năm gia đình ông Ân làm đám giỗ cho ông Sướng gộp vào ngày của giỗ cha mình. Vài năm sau, cụ bà Hiển mất, rồi sau đó là cái chết của người anh trai thứ 4 của ông Sướng. Từ đó, mỗi lần gia đình ông Ân tổ chức đám giỗ cho cha, mẹ và em trai thứ 4 thì đều làm giỗ góp cho ông Sướng.

“Gia đình đâu có biết chú ấy mất ngày nào, cứ mỗi lần làm giỗ cho cha, mẹ và em trai thì đều làm giỗ luôn cho chú ấy. Mỗi năm chú ấy được làm đám giỗ 3 lần, được đốt 3 bộ quần áo giấy. Lễ, tết đều đọc tên mời chú ấy về đoàn tụ với gia đình”, vợ ông Ân - bà Cao Thị Hạnh Phúc - nói.

Cuộc đoàn tụ với người em "thiên cổ"

Về phần cậu bé Sướng, sau khi bị lạc đã được một người đàn ông J’rai tên Ơ Bơng đem vào tận rừng sâu (nay thuộc xã Chư H’răng, Krông Pa, Gia Lai) nuôi dưỡng, nhận làm con nuôi, đặt tên là Ksor H’Lim.

Sống cùng với gia đình cha mẹ và 2 chị gái nuôi, H’Lim dần dần quên đi quá khứ của mình, bắt đầu cuộc sống như một người J’rai thực thụ. Sau này ông Sướng lập gia đình với một người phụ nữ J’rai, có với nhau 4 người con.

37 năm trôi qua, hàng ngày ông Sướng vẫn giáp mặt người em gái tên Hồng mà ông chưa một lần biết mặt, do chị Hồng hàng ngày vẫn đi đón con ở ngôi trường cạnh chỗ ông Sướng làm thợ mộc.
Tình cờ, trong một lần người em gái thứ 6 trong gia đình tên Loan xem chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly phát sóng vào khoảng tháng 5/2012, chứng kiến một người đàn ông ở Quảng Ngãi vào tận Krông Pa nhận ông Ksor H’Lim là con nhưng không phải. Chị Loan thấy ông Ksor H’Lim này có nhiều nét giống các anh trai mình. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu chị Loan: “Có thể đây chính là người anh đã mất của mình”.

Ông Sướng (trái) đoàn tụ cùng gia đình mình bên cạnh ông Ân 
Ông Sướng (trái) đoàn tụ cùng gia đình mình bên cạnh ông Ân 

Giống thì giống thật, nhưng người đàn ông này lại là người J’rai và nói tiếng J’rai - cả gia đình thắc mắc. Nhưng rồi dòng máu ruột thịt đã dẫn đường cho họ. 3 ngày sau, họ mang theo di ảnh người anh trai kế của H’Lim xuống tận Buôn Líp để tìm gặp em. Ông H’Lim không nhớ ra điều gì, chỉ thấy người trong ảnh quen quen. Trước khi ra về, ông Ân để lại số điện thoại của mình cho ông H’Lim với hy vọng người này sẽ nhớ ra điều gì đó.

Lục tìm lại quá khứ, ông H’Lim mới nhớ ra và gọi điện cho ông Ân, kể rằng trước kia mình từng sống ở một ngôi nhà nhỏ, phía sau có cây mít, phía trước nhà cũng có một cây to, có 1 khoảng sân rộng bằng xi măng… Nghe ông H'Lim nói vậy, toàn thân ông Ân run lên, vỡ òa hạnh phúc: Đúng em trai mình đây rồi.

Để khẳng định chắc chắn, ông quay lại Buôn Líp đón ông H’Lim lên thành phố để thăm lại nơi họ từng sống. Và quá khứ đã ùa về hiện hữu trước mắt ông H’Lim: đây là ngôi nhà của thằng bạn ông hay chơi, ngôi nhà này trước kia là bãi đất trống; thung lũng Phạm Hồng Thái là nơi ông và bạn đi bắt dế bị người đồng bào đuổi… Những ký ức này hoàn toàn trùng khớp với bối cảnh thời bấy giờ.

Hạnh phúc của ông Sướng khi được đoàn tụ với người thân
Hạnh phúc của ông Sướng khi được đoàn tụ với người thân

Không còn nghi ngờ gì nữa, ông H’Lim chính đã đứa em tên Sướng đã thất lạc gần 40 năm nay của gia đình ông Ân. Cuộc hội ngộ diễn ra trong trùng trùng nước mắt.

Để chia sẻ niềm hạnh phúc khó tin này, gia đình ông Ân đã làm tiệc thật lớn, mời bà con chòm xóm và toàn bộ họ hàng đến chia vui. Cả gia đình sau đó cũng xuống Buôn Líp để mở tiệc và thông báo với bà con về cuộc đoàn tụ này.

“Em tên Sướng mà chẳng sướng chút nào. Vậy là từ nay chị dâu không phải đốt quần, áo giấy cho em nữa nha” - ông Sướng nói trong nghẹn ngào nước mắt.

Thiên Thư