1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người đàn ông ngồi xe lăn nhặt rác nuôi cha già 80 tuổi

(Dân trí) - Bị bệnh viêm não từ nhỏ dẫn đến bị teo 2 chân, phải ngồi xe lăn, nhưng anh Nguyễn Kim Viện đã vượt qua số phận, hơn 10 năm tảo tần hành nghề nhặt rác trên chiếc xe lăn cũ, nuôi cha già hơn 80 tuổi.

Vào một buổi chiều tháng 4, tôi về thôn Tiền Xá, phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh, hỏi thăm anh Viện (SN 1961) hơn 10 năm nhặt rác trên chiếc xe lăn, ai cũng bày tỏ sự khâm phục nghi lực vượt qua chính mình của anh.

Anh Viện trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, lợp mái tôn, rộng khoảng 30m2. Từ cổng vào đến tận chân giường ngủ của anh tràn ngập ngổn ngang các loại phế liệu. Đó là những món đồ anh Viện ngày ngày đi nhặt về bán lấy tiền nuôi cha và nuôi thân.

Từ nhà ra ngõ, chỗ nào cũng thấy đủ loại phế liệu do anh Viện nhặt về.


Từ nhà ra ngõ, chỗ nào cũng thấy đủ loại phế liệu do anh Viện nhặt về.

Từ nhà ra ngõ, chỗ nào cũng thấy đủ loại phế liệu do anh Viện nhặt về.

Khi tôi vào thì chỉ có ông Nguyễn Kim Vượng hơn 80 tuổi, bố đẻ anh Viện, ở nhà. Thấy có khách vào, ông Vượng ngồi dậy nói: “Khổ thân thằng Viện, trời mưa, rét tôi bảo nó ở nhà nhưng nó không nghe, nó đi nhặt rác mưu sinh từ sáng, đến trưa về ăn vội bát cơm rồi lại đi đến tối nó mới về”.

Ông Vượng cho biết ông có 9 người con, 5 con gái, 4 con trai. 8 người đã xây dựng gia đình và ra ở riêng, kinh tế đều rất khó khăn. Anh Viện là con thứ 3, số phận hẩm hiu, bị viêm não từ nhỏ dẫn đến bị teo 2 chân, không thể tự đi lại…

Bản thân ông Vượng cũng thường xuyên đau ốm, ông đã 3 lần mổ khối u tiền liệt tuyến, thoát vị đĩa đệm, mắt. Vợ ông mất cách đây 2 năm vì bệnh hiểm nghèo. Căn nhà cấp 4 này là do các con ông gom góp vay mượn, làm năm 2013 hết hơn 60 triệu đồng để ông sống cùng người con tàn tật.

Anh Huy, chủ một cửa hàng phế liệu cho biết, ngày mưa cũng như ngày nắng, cứ từ 6 giờ sáng là anh đã thấy anh Viện rong ruổi khắp các ngõ ngách, phố phường trên chiếc xe lăn cũ rích để nhặt rác. Được bao nhiêu đến trưa lại đem về bán cho anh Huy. Có hôm may mắn được 40-50 nghìn đồng, thường thì được 20 nghìn đồng nhưng cũng có hôm dãi nắng dầm mưa mà anh không nhặt được gì.

Lòng vòng qua nhiều tuyến đường ở TP Bắc Ninh, cuối cùng tôi cũng gặp anh Viện đang mưu sinh ở ngã ba huyện, khi anh đang dùng móc sắt móc túi ni lông ở lề đường.

Anh Viện chia sẻ: “Tôi bị bệnh viêm não từ khi lên 5 tuổi, sau một thời gian điều trị tôi đi bằng nạng, sau đó do biến chứng đến năm 1980 thì tôi bị teo cả hai chân, phải dùng hai tay đi bằng nghế thay đôi chân, ngồi ở nhà đan lát”.

Anh Viện vất vả di chuyển, kiếm từng mẩu phế liệu bán lấy tiền.

Anh Viện vất vả di chuyển, kiếm từng mẩu phế liệu bán lấy tiền.


Anh Viện vất vả di chuyển, kiếm từng mẩu phế liệu bán lấy tiền.

Cuộc sống khốn khó, bản thân đau yếu bệnh tật nhưng anh Viện luôn tâm niệm phải kiếm sống thật lương thiện.

Năm 1990, tưởng rằng cánh cửa cuộc đời mở rộng vòng tay với anh khi có người con gái đồng ý lấy anh làm chồng. Nhưng rồi chị đã rời bỏ anh sau tròn 1 năm ngày cưới, sau 2 lần chị bị sảy thai – Kể đến đây anh Viện rơm rớm nước mắt.

Năm 2004, gia đình gom góp mua cho anh chiếc xe lăn. Từ đó anh bắt đầu hành trình cuộc sống mưu sinh trên chiếc xe lăn đi nhặt rác khắp ngõ ngách, phố phường, từ tờ mờ sáng cho đến tối sẩm, với quãng đường hơn 10 cây số mỗi ngày. Số tiền kiếm được ngoài nuôi thân còn để chăm cha già thường xuyên đau yếu.

Anh kể trước kia còn có nhiều đồ phế liệu để nhặt, chứ bây giờ khó khăn lắm vì có nhiều người đi nhặt. Hơn nữa bây giờ có xe môi trường đến quét sạch hết, nên nhiều hôm đi miết mà anh không kiếm được đồng nào. Có ngày chỉ đủ tiền mua mớ rau với miếng đậu phụ để hai bố con ăn qua bữa.

Anh Viện bảo, mỗi tháng cả hai bố con anh được nhà nước trợ cấp 450 nghìn đồng. Số tiền đó chỉ đủ sống đạm bạc được chừng hơn 10 ngày. Vì thế ngày mưa cũng như ngày nắng anh đều phải đi nhặt rác.

Ước mơ lớn nhất của anh Viện là mong chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho anh có một việc làm ổn định, để có thu nhập chăm cha. Bởi giờ đây anh Viện đã 56 tuổi, không còn sức để đi mãi trên đường.

Nghe người đàn ông ấy tâm sự, tôi thầm cảm phục anh, người đàn ông tàn tật nhưng sống lương thiện, hiếu nghĩa. Dù cuộc đời nhiều bất hạnh, gắn chặt bên chiếc xe lăn nhưng anh nói chưa bao giờ làm gì để phải cúi đầu giấu mặt.

Bá Đoàn