1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người đàn ông mù 6 lần đi hỏi vợ cho anh trai

(Dân trí) - Cha mẹ qua đời, người em trai lành lặn đã hy sinh ngoài mặt trận, nhà chỉ còn ông Nguyễn Hữu Thư mù cả 2 mắt và người anh tật nguyền, chân tay co quắp, méo miệng. Để có người nối dõi dòng họ, ông Thư lên đường, quyết tìm vợ cho anh trai.

Trở lại quá khứ, về xóm 3, xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương (Nghệ An), nơi có gia đình cụ Nguyễn Hữu Lẫm, sinh được 3 người con thì con đầu Nguyễn Hữu Oánh (SN 1934) mới chào đời đã bị chân tay co quắp, miệng méo xệch. Năm 1938, người con trai thứ 2 ra đời, lành lặn, khôi ngô tuấn tú, tên Nguyễn Hữu Thi. Người con út Nguyễn Hữu Thư chào đời năm 1941, mù cả hai con mắt.

 

Ba anh em lớn dần lên trong chiến tranh. Người con thứ xung phong lên đường cầm súng đánh giặc. Hai năm sau, nhà nhận được tin anh đã hy sinh. Trời cho một mụn con duy nhất lành lặn lại đã đoản mệnh, quá đau buồn, một thời gian sau, ông bà cụ Lẫm cùng lần lượt qua đời.

 

Nhà chỉ còn lại 2 anh em trai tật nguyền. Biết phận nghèo lại hẩm hiu, khó có người phụ nữ nào để mắt tới, nhưng để có con cháu nối dõi tông đường, người em út mù lòa quyết lên đường tìm vợ cho… anh trai.

 

6 lần đi hỏi vợ cho anh

 

Với quyết tâm phải tìm được vợ cho anh trai, ông Thư lần mò đi tìm những người phụ nữ biết cảm thông, chia sẻ. Người thứ nhất ông tìm được là một người phụ nữ tuổi đã ngoài 30, chấp nhận cưới ông Oánh vì đã quá lứa lỡ thì. Về sống với nhau chưa đầy một năm, ngày sinh con đầu lòng, cả 2 mẹ con cùng chết trên giường bệnh.

 

Nỗi đau vừa nguôi ngoai, ông Thứ lại lăn lội đi tìm chị dâu. Người phụ nữ thứ hai về chung sống với ông Oánh được hai tháng thì bí mật bỏ đi do không chịu được cảnh nhà quá khổ.

 

Lần thứ 3, lần thứ 4 rồi lần thứ 5, chuyến đi nào ông Thư cũng đưa về cho anh được một người phụ nữ, nhưng cảnh nhà nghèo khó, lại phải chăm sóc 2 người đàn ông tật nguyền, nên cứ chung sống được vài tháng, họ lại khăn gói ra đi.

 

Kỳ lạ thay, bao nhiều biến động như thế cũng không làm ông Thư nản lòng! Ông quyết đi tìm người chị dâu thứ 6 với một niềm tin bất diệt: “Tôi vẫn tin ở lòng tốt của con người”.

 

Người vợ thứ 6 là một người con gái tên Thanh, trót lỡ làng trong phút yêu đương mà phải mang thai ngoài ý muốn, lại bị người tình bỏ rơi. Thương hoàn cảnh người con gái nhẹ dạ, ông Thư đưa chị về nhà. Hai tháng sau, chị sinh con gái, đặt tên Nguyễn Thị Quý. Ông Oánh mừng lắm, coi Quý như con đẻ của mình. Nhà có thêm đứa trẻ, ríu rít tiếng nói cười.

 

Vợ chồng ông Oánh sống với nhau, có thêm 2 mụn con là, 1 trai, 1 gái. Những tưởng số phận đã thôi nghiệt ngã, nhưng một lần nữa hạnh phúc lại lửng lơ. Chị Thanh sau khi sinh đứa con thứ 3 được hai năm thì đột ngột qua đời, để lại 3 đứa con nhỏ côi cút cho 2 người đàn ông tật nguyền.

 

Khát vọng sống trong căn nhà “tàn”

 

Cảnh nhà vốn khốn khó, giờ càng thêm cực nhọc, vất vả. Để những mầm sống thiệt thòi có thể tồn tại, ông Thư lại đứng ra sắp xếp gia đình. Cháu Quý lớn nhất chủ động trong việc ăn học, tự phục vụ; 2 cháu nhỏ bị “nhốt” trong một cái cũi tre do ông Thư tự “thiết kế”, giao cho ông Oánh trông coi. Việc kiếm tiền dồn cả lên vai ông Thư.

 

Cũng may trời thương, lấy của ông đôi mắt lại cho ông đôi tay khéo léo. Ai thuê gì ông cũng làm, trả công bao nhiêu ông cũng nhận, miễn có cái ăn đem về cho anh và các cháu. Rồi ông bện dây thừng, đan rổ rá… mang ra chợ bán.

 

Cực khổ như thế, ông vẫn không quên việc dạy dỗ, rèn rũa các cháu nên người. Mù lòa đôi mắt mà ông vẫn ngày ngày mớm cơm cho các cháu nhỏ và chăm lo vệ sinh cho người anh đã liệt cả đôi tay.

 

Khát vọng sống bất diệt của người đàn ông chịu nhiều thiệt thòi đã giúp ngôi nhà có thêm ánh sáng. Ba cháu nhỏ giờ đã trưởng thành, được đi học, vào Sài Gòn kiếm sống và đều đã lập gia đình. Riêng cháu trai duy nhất nguyện ở nhà chăm sóc bố và chú, cũng đã lấy vợ và có 2 người con.

 

Cuộc sống đã thấy mầm hạnh phúc, những cùng cực ngày nào giờ nhẹ gánh hơn. Nhưng ông Thư, sau ngần ấy năm kham khổ vất vả, lại mắc bệnh hiểm nghèo mà không có tiền chữa trị, đã qua đời. Ông Oánh nay đã bước sang tuổi 70, thân hình tiều tuỵ xơ xác. Hỏi ông ước mơ gì, ông ngậm ngùi: “Chỉ mong con cháu ngoan hiền, học giỏi để viết tiếp ước nguyện mà chú Thư khi nhắm mắt lìa đời căn dặn”.

 

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm