Người đàn ông bước ra từ bóng tối cuộc đời
(Dân trí) - Đánh người, cướp của để có tiền nhậu thâu đêm suốt sáng. 2 lần vào vòng lao lý. Những tưởng bóng tối sẽ bao phủ cả cuộc đời Phan Phước Nhung cho đến khi anh tự mình bước ra khỏi đó bằng tình yêu, ý chí…
Từ một kẻ trộm cướp chuyên nghiệp…
Bên cạnh việc bảo vệ khu phố, buôn bán phế liệu là nghề mưu sinh chính của anh
Từ năm 1994, Nhung và nhóm bạn “xã hội đen” đã gây ra không biết bao nhiêu vụ cướp giật, hành hung người ở khu vực bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). Đây cũng là tụ điểm ăn nhậu, cờ bạc của những đối tượng bất hảo này.
“Sau khi nghỉ học, tôi ra Hà Nội làm thuê kiếm tiền nhưng do chịu không nổi sự nặng nhọc của công việc lao động nên sau 3 năm làm việc tôi về lại Đà Nẵng. Không có công ăn việc làm, bản tính lại bốc đồng, thích chơi trội nên bị các đối tượng cá biệt rủ rê đi theo con đường xấu” - anh Phan Phước Nhung nhớ lại.
Lợi dụng những đôi tình nhân hay đến khu vực biển đêm tâm sự, Nhung cùng đồng bọn dùng vũ khí uy hiếp, cướp của. Mặc cho gia đình nhiều lần can ngăn, khuyên bảo nhưng Nhung không thể bước chân khỏi vũng bùn tội lỗi.
Rồi Nhung cũng phải trả giá. Năm 1998, Nhung đi cải tạo, giáo dục ở trại giam Bình Điền (Thừa Thiên Huế). 3 năm sau, hết hạn cải tạo, Nhung lại phạm tội đánh người gây thương tích. Năm 2001, Nhung tiếp tục phải đi cải tạo tại trại lao động Hòa Sơn (TP Đà Nẵng) trong vòng 2 năm.
Hoàn lương
Hai vợ chồng anh được người nhà cho đất, xây một căn nhà nhỏ và vay vốn mở một tiệm thu mua phế liệu để mưu sinh. “Lúc mới về ở đây, đi đâu tôi cũng nhận được những ánh mắt kỳ thị của mọi người nên cũng rất mặc cảm. Nhưng đó cũng là cái giá phải trả cho những hành vi mà tôi đã gây ra cho mọi người trong quá khứ. Tôi luôn tự hứa sẽ quyết tâm thay đổi để hòa nhập với cộng đồng”- anh Nhung tâm sự.
Từ những suy nghĩ đó, năm 2009, anh đã xung phong tham gia vào đội dân phòng khu vực Đa Mặn trực thuộc công an phường Khuê Mỹ bảo vệ an ninh trật tự cho nhân dân. Những chiến công của anh trong phong trào bảo vệ an ninh khu vực được công an phường Khuê Mỹ ghi nhận và cũng từ đó anh được mọi người yêu mến gọi là “hiệp sĩ Nhung”.
Những ca tuần tra trắng đêm bảo vệ giấc ngủ bình yên cho nhân dân với anh Nhung là hành động thiết thực để anh chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ, cũng là trả ơn những người đã tin tưởng, yêu thương anh cả những khi anh còn sa chân trong bóng tối.
Hà Thế An