Người đàn ông biến bãi rác tồn tại 20 năm thành nông trại

Thu Trang

(Dân trí) - Với những kinh nghiệm trong nông nghiệp suốt nhiều năm, Kyle Smith đã hồi sinh bãi rác 69ha của một khu công nghiệp, biến nơi đây thành mảnh đất trồng lúa mì tươi tốt.

Gia đình Kyle Smith đã làm nghề nông từ năm 1796 đến nay. Bản thân Smith cũng làm trong lĩnh vực này được 15 năm. Tuy nhiên, việc canh tác trên mảnh đất từng là bãi rác được xem là một trong những quyết định mạo hiểm của người đàn ông đến từ Canada này.

Bãi chôn lấp rác thải có diện tích 69ha, nằm ở phía đông khu công nghiệp Walker thuộc thành phố Niagara Falls, Canada. Nơi đây mở cửa hoạt động từ năm 1980 và đã đóng cửa đầu năm 2000. Cho đến nay, những người điều hành Walker cũng chưa biết phải làm sao với khu vực này. Mặc dù đã có một số gợi ý rằng nên để những người nông dân khai thác thành khu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, họ cần tính toán xem điều đó có khả thi hay không.

Người đàn ông biến bãi rác tồn tại 20 năm thành nông trại - 1
Kyle Smith biến bãi rác thành nông trại trồng lúa mì.

Việc nghiên cứu diễn ra trong vòng 4 năm với các chuyên gia đến từ đại học Guelph. Cuối cùng, họ đồng ý để Kyle Smith có thể sản xuất lúa mì trên bãi rác ngừng hoạt động này. Khi quyết định đầu tư, Smith biết rằng mình sẽ phải đối mặt với câu hỏi lớn từ người tiêu dùng, liệu chúng có thực sự an toàn, có ai muốn sử dụng bột làm từ lúa mì được trồng trên một bãi rác không. Tuy nhiên, người đàn ông này tin mình có thể tìm được cách giải quyết các vấn đề.

Trong suốt nhiều năm sau đó, Smith cùng các nhân viên của mình và một vài nhà nghiên cứu đã tiến hành đo đạc nhiệt độ cũng như bất cứ sự thay đổi hóa học nào trong đất. Việc đầu tiên họ làm là rải một lớp đất mới dày hơn 30cm lên bề mặt bãi rác đã được dọn dẹp sạch sẽ. Tiếp theo đó là một lớp cát mỏng, rồi đến một lớp đất khác. Và cuối cùng, phủ lên những vật liệu hữu cơ có lợi như lá cây. Mặc dù, một bãi rác bình thường phải mất từ 30-50 năm để tái sử dụng nhưng nếu làm đúng cách, thời gian này hoàn toàn có thể rút ngắn.

Người đàn ông biến bãi rác tồn tại 20 năm thành nông trại - 2
Kyle Smith bắt tay vào việc hồi sinh vùng đất từng dùng để chôn lấp rác thải.

Việc lựa chọn giống cây trồng cũng rất quan trọng. Thời gian đầu, Smith cho trồng những thảm cỏ để làm thức ăn chăn nuôi gia súc giúp ổn định cấu trúc đất cũng như đánh giá độ an toàn. Một năm sau đó, anh cho canh tác lúa mì vào vụ đông và luân canh đậu tương, ngô. Đây đều là những giống cây trồng có bộ rễ nông, không tiếp xúc trực tiếp với lớp đất của bãi rác. Tất cả chúng đều được trồng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Sau khi thu hoạch, những sản phẩm của họ đã được gửi đến phòng thí nghiệm. Kết quả là, chúng không hề chứa listeria hoặc salmonella, những loại vi khuẩn gây ngộ độc và các bệnh về đường ruột. Nếu có thể sử dụng hết công suất, trang trại của Smith có thể cung cấp thức ăn cho hơn 30.000 người. Anh cho biết, kết quả rất khả quan. Dù điều kiện thời tiết khô hạn mất 6 tháng nhưng năng suất vẫn tốt hơn so với những trang trại nông nghiệp trong khu vực.

Người đàn ông biến bãi rác tồn tại 20 năm thành nông trại - 3
Trang trại trồng lúa mì của anh đến hiện tại cho năng suất rất tốt.

Sau khi thử với lúa mì và ngô, Smith dự định sẽ trồng thêm một số loại rau xanh có bộ rễ ngắn như rau diếp, hành lá, dưa chuột, ớt đỏ. Nếu thành công, đây sẽ là nguồn cung cấp rau xanh lớn cho người dân sinh sống xung quanh bãi rác. Không chỉ vậy, Smith còn đang nghiên cứu việc sử dụng các nguồn chất thải hữu cơ mới để cải tạo đất và cung cấp cho cây trồng của mình. Nguồn chất thải đó đến từ khu công nghiệp và các đô thị như thức ăn thừa, chất thải vật nuôi, một số chất thải sinh hoạt… Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời giúp thu hẹp diện tích các bãi rác trong thành phố.

Người đàn ông biến bãi rác tồn tại 20 năm thành nông trại - 4
Việc xây dựng nông trại trên bãi rác khu công nghiệp của Smith nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của gia đình.

Nói về quyết định của mình khi xây dựng nông trại trên bãi rác, Smith cho biết, điều này xuất phát từ việc anh muốn giải quyết vấn đề lương thực của người dân địa phương khi họ phải di chuyển rất xa để tìm mua rau tươi, trái cây, bột mì và nhiều thực phẩm khác. Thậm chí, các gia đình còn phải mua chúng ở quầy bán nông sản tại trạm xăng. Có thể người khác nghĩ rằng đây là một bãi rác nhưng với Smith đó đơn giản là một vùng đất cần được cải tạo để trả lại sự màu mỡ vốn có.