1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thanh Hóa:

Người dân “oằn mình” trong đại hạn

(Dân trí) - Cây trồng khô héo, lúa vụ hè thu chưa thể xuống giống vì còn chờ... nước. Nhiều hồ đập trơ đáy cũng đang khiến hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt...

Nguy cơ mùa màng mất trắng vì nắng hạn
 
Người dân “oằn mình” trong đại hạn - 1
Anh Trung buồn rầu trước nương ngô đang chết cháy
 
Hơn một tháng qua, nhiều địa phương trên địa bàn Thanh Hóa rơi vào tình trạng khát cháy, những trận mưa cục bộ trong cơn đại hạn “không thấm vào đâu” khi mà thời tiết được dự báo ngày càng nắng nóng gay gắt.
 
Dọc con đường nhựa từ quốc lộ 1A, chạy thẳng về hướng huyện Thạch Thành, Hà Trung hai bên bạt ngàn những nương ngô mới trổ cờ nhưng đã chuyển sang màu vàng úa. Nhìn những nương ngô thiếu nước đang héo dần, người dân như ngồi trên đống lửa.
 
Anh Phạm Văn Trung, thôn 1, xã Hà Tiến (Hà Trung) buồn rầu: “Bao nhiêu công sức tiền của đầu tư cho một mẫu ngô giờ ném cả xuống đất hết rồi, vụ này trắng tay hoàn toàn. Chỉ còn biết đi làm thuê kiếm tiền về đong gạo thôi”.
 
Không chỉ xã Hà Tiến mà xã Ngọc Trạo, vùng trọng điểm trồng ngô của huyện Thạch Thành cũng đang phải đối mặt với tình trạng người nông dân trồng ngô mất trắng. Nhiều gia đình phải vay nợ hàng chục triệu đồng tiền giống, phân bón, công chăm sóc cũng chịu trắng tay.
 
Người dân “oằn mình” trong đại hạn - 2
Nhiều kênh mương dẫn nước đã khô khốc và nứt nẻ
 
Anh Tôn Viết Cừ, xã Ngọc Trạo huyện Thạch Thành trồng 3 ha ngô lai trong vụ hè thu này, nhưng khi ngô trổ cờ thì rơi vào đúng dịp nắng hạn gay gắt nhất nên không có hạt và đang chết dần trên những sườn đồi khô khốc.
 
Không chỉ cây ngô mà phần lớn diện tích mía trên địa bàn xã cũng bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết khô hạn. Thời tiết diễn biến phức tạp như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như sản lượng mía của nông dân.
 
Ông Tôn Viết Hòa, Chủ tịch UBND xã Ngọc Trạo cho biết: “Toàn xã có 200 ha ngô chiếm gần 50% diện tích đất sản xuất của người dân nhưng đã cháy và thiệt hại gần như 100%. Xã có 3 hồ đập lớn thì đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Địa phương đã kiến nghị lên cấp trên xin hỗ trợ cho bà con giống để làm vụ mới”.
 
Trao đổi với Dân trí ông, Lê Đình Thảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Thành cho biết: “Trên địa bàn huyện có hơn 500 ha ngô thiệt hại 100%, tập trung nhiều nhất tại các xã Ngọc Trạo, Thành An, Thành Long. Ngoài ra, còn có 6.020 ha mía bị ảnh hưởng và trên 1.000 ha lúa chưa thể cấy được”.
 
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Thanh Hóa tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh còn 30.000 ha lúa hè thu chưa gieo cấy được. Tại các huyện Nga Sơn, Quảng Xương, do bơm nước nhiễm mặn vào nên một phần diện tích mạ và lúa mới cấy bị chết. Đến thời điểm này, 25 hồ đập lớn của địa phương đã xuống gần mực nước chết, mực nước một số sông xuống thấp khiến độ mặn xâm thực ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.
 
Sinh hoạt của người dân “khổ trăm bề”
 
Người dân “oằn mình” trong đại hạn - 3
Hàng ngày nhiều người dân phải đi mua nước về sinh hoạt
 
Không chỉ nông dân của huyện Thạch Thành mà nhiều địa phương khác tại Thanh Hóa, thời tiết khô hạn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Trong hơn một tháng qua, nền nhiệt ngoài trời luôn ở mức cao, có những nơi nền nhiệt đo được lên đến trên 40 độ C như tại huyện Tĩnh Gia, Như Xuân.
 
Tại huyện Mường Lát, theo thống kê của ngành nông nghiệp thì 2.700/3.400 ha ngô và 1.500/2.850 ha lúa nương bị mất trắng. Địa hình đồi dốc, không có hồ đập nên hầu như tất cả chỉ trông chờ vào nước trời nhưng trong hơn một tháng qua hầu như không có mưa khiến cây cối khô hạn.
 
Huyện Tĩnh Gia, nơi được coi là “chảo lửa” của miền Trung và là nơi nóng nhất cả nước trong những ngày qua. Theo trung tâm khí tượng thủy văn Tĩnh Gia thì nền nhiệt độ đo được tại đài khí tượng có những thời điểm lên đến 40,5 - 42 độ C, nền nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến trên 45 độ C.
 
Người dân “oằn mình” trong đại hạn - 4
Ông Ngô Văn Quyết, thôn Trường Nam, xã Hải Lộc múc những chậu nước nhiễm mặn để rửa
 
Anh Nguyễn Văn Cường, thôn Thượng Nam, xã Hải Nhân, Tĩnh Gia cho biết: “Trời nắng như đổ lửa thế này không ai dám ra ngoài, mà ở nhà thì mất điện nên cũng khổ sở lắm. Nước dùng giếng khoan mà cứ mất điện như thế thì chịu thôi”.
 
Còn tại huyện Hậu Lộc, hàng trăm hộ dân đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Do nguồn nước bị nhiễm mặn nên phần lớn người dân xã Hải Lộc chỉ trông chờ vào nguồn nước mưa, nhưng thời gian qua, thời tiết nắng hạn nên bể chứa nước của các gia đình đã cạn kiệt. Do nguồn nước bị ô nhiễm nên nhiều người mắc các bệnh ngoài da và đường hô hấp.
 
Ông Ngô Văn Quyết, thôn Trường Nam, xã Hải Lộc chia sẻ: “Chúng tôi phải đi sang khe suối mua nước có thời điểm lên đến 10.000 đồng/can 20 lít, không có gì khổ bằng thiếu nước. Nước sông suối mua về chỉ lắng qua dùng cho cả tắm rửa và ăn uống hàng ngày”.
 
Duy Tuyên - Quỳnh Nga

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm