1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Tĩnh:

Nắng nóng khắc nghiệt, đau đầu chống hạn

(Dân trí) - Hà Tĩnh là một trong những tỉnh gánh chịu tình trạng nắng hạn gay gắt nhất cả nước với những ngày nhiệt độ lên tới 40-41 độ C. Bài toán hạn hán hiện nay đang khiến các ban ngành đau đầu tìm hướng giải.

Lúa, màu: Hơn 5.000 ha có nguy cơ chết khô

Chưa kịp vui mừng sau trận mưa như trút nước đầu tháng 6, ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh - hết sức lo lắng cho tình hình hạn hán đang diễn biến rất phức tạp tại tỉnh này. Ông Việt cho hay, vụ hè thu năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh này có kế hoạch gieo cấy gần 41.000 ha lúa, khoảng 17.000 ha hoa màu các loại; song đến nay, do hạn hán kéo dài, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã phải chuyển sang phương án hai là chuyển đổi 3.000 ha ruộng lúa sang trồng cây trồng cạn.
Nắng nóng khắc nghiệt, đau đầu chống hạn - 1
Nắng hạn, nhiều diện tích không thể xuống giống
 
Theo ông Việt, hiện Hà Tĩnh có hơn 5.000 ha lúa thiếu nước trầm trọng, số diện tích này sẽ chết khô nếu mưa không diễn ra trên diện rộng trong ngày một ngày hai. Ngoài ra nhiều diện tích hoa màu cũng có nguy cơ phát triển kém và mất mùa...
 
Ghi nhận của PV Dân trí tại huyện Hương Sơn, tình hình hạn hán diễn ra rất gay gắt. Chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 8A theo hướng lên Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo không khó để nhận ra những vựa lúa nằm hai bên đường khô cứng, nứt nẻ. Một cán bộ của Phòng Nông nghiệp huyện cho hay, vụ hè thu này Hương Sơn không đạt chỉ tiêu gieo cấy như đã đề ra; nguyên nhân chính là do tình hình hạn hán, thiếu nước. Hiện toàn huyện có gần 700 ha ruộng bị hạn nặng, khoảng 200 ha ruộng lúa không có nước gieo cấy. Cũng theo vị cán bộ này, việc điện bị cắt liên tục cũng góp phần làm tình hình hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghịêp thêm trầm trọng.
 
Nắng nóng khắc nghiệt, đau đầu chống hạn - 2
 
Huyện Đức Thọ, một vựa lúa của tỉnh Hà Tĩnh, cũng có gần 1.200 ha lúa bị hạn hán do nắng nóng kéo dài. Các hồ, đập phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đều cạn trơ đáy.
 
Nắng nóng khắc nghiệt, đau đầu chống hạn - 3
Thiếu nước và nắng nóng cũng đang khiến một phần diện tích lúa bị nhiễm bệnh
 
Hạn hán cũng là tác nhân gây ra tình trạng sâu bệnh tại nhiều trà lúa của người nông dân. Tại một địa phương nhỏ như phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh đã có đến hơn 90% diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh với mức độ trầm trọng. 

Rừng: “Hở ra là cháy”

Những hệ luỵ của đợt nắng nóng triền miên này là tình trạng cháy rừng ngày càng đáng báo động ở Hà Tĩnh. Lãnh đạo cùng các ngành chức năng tại các địa phương có rừng thông như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê... hiện đứng ngồi không yên vì trong điều kiện thời tiết hiện nay, những cánh rừng như những “kho xăng”, có thể phát hoả bất cứ lúc nào.

Nắng nóng khắc nghiệt, đau đầu chống hạn - 4
 Cháy rừng - nỗi lo thường trực trong mùa nắng nóng (ảnh: Phố Núi)
 
Từ đầu tháng 6 đến nay, “giặc lửa” đã thiêu trụi trên 100 ha rừng các loại của Hà Tĩnh, trong đó huyện Hương Sơn là địa phương để xảy ra nhiều vụ cháy nhất. Do nguy cơ cháy rừng rất cao nên 100 cán bộ kiểm lâm của huyện này nhận được lệnh “cắm trại” sẵn sàng đối phó với giặc lửa.

Tập trung chống hạn, cứu lúa

Trước những diễn biến hết sức phức tạp của hạn hán, mới đây Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh - ông Nguyễn Thanh Bình cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở Nông nghiệp, Tài nguyên môi trường, Chi cục Kiểm lâm đã đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất vụ hè thu và công tác bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng (BVR - PCCCR) tại nhiều huyện trong tỉnh.
Nắng nóng khắc nghiệt, đau đầu chống hạn - 5
Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình cùng đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tình hình hạn hán thực tế tại các địa phương (ảnh: TT)
 
Ông Nguyễn Thanh Bình đã yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng phải làm hết sức mình, bám sát thực tế để tập trung chống hạn, cứu lúa, cứu rừng. Ngành điện phải ưu tiên hàng đầu cho các trạm bơm để phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống cho bà con; các địa phương tận dụng, nạo vét, khơi thông các hồ đập, kênh mương để lấy nước chống hạn; tập trung phòng, chống các loại sâu hại, nhất là sâu cuốn lá đang lan nhanh tại một số diện tích lúa; tăng cường các biện pháp cấp bách trong BVR -PCCCR, trong đó chú trọng đến việc tổ chức canh gác, phát hiện kịp thời điểm phát lửa, tổ chức, huy động lực lượng, thực hiện tốt 4 tại chỗ…
 
Nắng nóng khắc nghiệt, đau đầu chống hạn - 6
Các trạm bơm hoả động hết công suất bơm nước cứu lúa ở huyện Đức Thọ (ảnh: CT)
 
Có thể nói chống hạn cứu lúa đang trở thành một nhiệm vụ đặc biệt của Hà Tĩnh vào những ngày này. Hầu hết các trạm bơm đang hoạt động hết công suất, nhiều hồ đập công nhân làm việc thay máy vận hành mở cống xã. Tại Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, sở này đã phối chỉ đạo Chi Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty Cổ phần Thuốc BVTV I TƯ tổ chức hội nghị bổ cứu chỉ đạo hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Cho đến thời điểm này đã có hàng ngàn ha lúa được phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Trong khi đó, Chi cục kiểm lâm cho hay, các bộ phận của đơn vị này được huy động tập trung cao độ cho công tác PCCCR. Ngoài việc chỉ đạo giám sát thực hiện tốt phương án PCCCR, kiểm lâm Hà Tĩnh còn tăng cường trực gác ở các cửa rừng, nhất là vùng trọng điểm. Các vùng có rừng thông dễ cháy, gây thiệt hại lớn đặc biệt được lưu tâm.

Văn Dũng - Bá Hải - Đức Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm