“Người dân ở Cà Mau không còn phải lặn lội ra Hà Nội khiếu nại”

(Dân trí) - Sáng ngày 1/7, VKSND Tối cao đã tổ chức lễ ra mắt VKSND cấp cao tại Hà Nội theo Nghị quyết số 953/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, quy định thành lập 3 VKSND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Ông Nguyễn Huy Tiến - Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Huy Tiến - Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội.

Viện trưởng VKSND Tối cao đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Tiến giữ chức vụ Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội và các ông Bùi Đình Tuyến, Lê Hồng Tuấn, Lê Tư Quỳnh giữ chức vụ Phó viện trưởng.

Theo ông Lê Huy Tiến, VKSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao tại Hà Nội, có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở khu vực phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra. VKSND cấp cao tại Đà Nẵng có phạm vi địa hạt tư pháp của 12 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; VKSND cấp cao tại TPHCM có phạm vi địa hạt tư pháp của 23 tỉnh phía Nam.

“Theo Nghị quyết 82/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức VKSND, từ ngày 1/6/2015, VKSND Tối cao chuyển giao cho VKSND cấp cao nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cũng từ ngày 1/6/2015, VKSND cấp cao có nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và trung ương. Đó là những nhiệm vụ trước đây do VKSND Tối cao và VKSND cấp tỉnh thực hiện nhưng hiện nay chuyển giao cho VKSND cấp cao đảm nhiệm”- ông Tiến cho biết.

Thực hiện nhiệm vụ trên, VKSND cấp cao đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (ước tính hơn 4.500 vụ việc/năm); đảm nhận nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh (ước tính hơn 7.000 việc/năm). Ngoài ra, cơ quan này còn đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện và tương đương (ước tính trên 700 việc/năm).

“Có thể nói hình ảnh là việc giải quyết án oan, sai và có khiếu nại từ đây về cơ bản được giải quyết theo vùng miền. Những người dân ở tận Cà Mau không còn phải lặn lội ra tận Hà Nội để khiếu nại đối với bản án, quyết định của cấp huyện, cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật mà họ có thể khiếu nại ở TPHCM bởi thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các loại án của TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại TPHCM. Việc hình thành hệ thống VKSND cấp cao tương ứng với TAND cấp cao là hiện thực hóa chủ trương tổ chức hệ thống TAND, VKSND theo thẩm quyền xét xử”- ông Nguyễn Huy Tiến bày tỏ.

Hơn nữa, bằng việc chuyển phần lớn nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm từ VKSND Tối cao và TAND Tối cao xuống cho VKSND cấp cao, TAND cấp cao giúp cho các cơ quan tư pháp ở cấp trung ương là TAND Tối cao và VKSND Tối cao được giải tỏa áp lực giải quyết vụ việc, sự vụ thông thường để tập trung làm tốt công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, hướng dẫn và chỉ đạo cấp dưới.

Việc tổ chức VKSND cấp cao, TAND cấp cao còn giải quyết được nhiều bất cập khi bản án phúc thẩm của các Tòa phúc thẩm TAND Tối cao lại bị chính TAND Tối cao, VKSND Tối cao kháng nghị, bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Ông Nguyễn Huy Tiến - Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội.
Ông Lê Hữu Thể - Phó viện trưởng VKSND Tối cao tặng hoa, chúc mừng lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội.

Ông Lê Hữu Thể - Phó viện trưởng VKSND Tối cao, ví von việc ra mắt VKSND cấp cao tại Hà Nội giống như con người lần đầu tiên trong cuộc đời phải ra ở riêng nên phải chuẩn bị từ xoong nồi, giường chiếu, tivi… “Tâm thế ở chung với gia đình giờ ra ở riêng thì phải lo từ cái nhỏ nhất tới cái lớn nhất nên chắc chắn chưa quen, ban đầu có cái này cái kia nhưng dần dần sẽ phải đi vào nền nếp”- ông Thể nói.

Với khối lượng công việc được giao, theo ông Thể, VKSND cấp cao sẽ phải chịu áp lực cực lớn. “Mấy tuần nay anh em làm cả tuần, cật lực cả ngày cả đêm rồi nhưng khó khăn dần dần từng bước khắc phục và đi vào ổn định. Tôi đề nghị các đồng chí VKSND cấp cao ổn định tình hình và đi vào hoạt động ngay để đảm bảo ngay các quyền dân chủ của người dân, không thể nói với người dân “bác cứ về đi, từ từ chúng em sẽ làm” được”- ông Thể nói và khẳng định VKSND Tối cao cùng các Bộ, ban ngành sẽ tạo điều kiện, giúp đỡ VKSND cấp cao đi vào hoạt động nhanh chóng nhất.

Ông Thể cho biết VKSND cấp cao tại Hà Nội có tổng cộng 211 biên chế và trụ sở đang đặt tại tầng 9-10 tòa nhà 59 Quang Trung, Hà Nội.

Nghị quyết 953 quyết định thành lập 3 VKSND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. VKSND cấp cao có Viện trưởng và các Phó viện trưởng. Số lượng Phó viện trưởng VKSND cấp cao không quá 4 người. VKSND cấp cao sẽ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Căn cứ tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ các ngạch kiểm sát viên của VKSND đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, Viện trưởng VKSND Tối cao quyết định biên chế, số lượng kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác của từng VKSND cấp cao. Nghị quyết 953 có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2015. Trước đó, VKSND Tối cao đã tổ chức lễ ra mắt VKSND cấp cao tại TPHCM và Đà Nẵng.

 Thế Kha