Người dân đã hiến 5,3 triệu m2 đất phục vụ lợi ích chung ở TPHCM

Q.Huy

(Dân trí) - Từ năm 2000 đến năm 2021, người dân tại TPHCM đã hiến 5,3 triệu m2 đất, tương đương với hơn 10.000 tỷ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình chung.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM, vừa ký báo cáo gửi Ban Dân vận Thành ủy thành phố về công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm từ năm 2000 tới nay. Sau hơn 20 năm, những con hẻm nhỏ, ngoằn ngòeo không đạt mỹ quan, thiếu an toàn đã được xóa bỏ bởi hàng triệu m2 đất do người dân chung tay đóng góp.

Theo số liệu thống kê từ năm 2000 đến năm 2021, trên 168.000 hộ dân hiến 5,3 triệu m2 đất, tương đương với hơn 10.000 tỷ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình chung. Các công trình do người dân chung tay cùng thành phố gồm mở rộng hẻm, mở rộng đường và những hạng mục xã hội khác.

Người dân đã hiến 5,3 triệu m2 đất phục vụ lợi ích chung ở TPHCM - 1

Diện mạo TPHCM thay đổi nhờ hàng triệu m2 đất được người dân hiến để làm đường (Ảnh minh họa: Ip Thiên).

Ngoài hiến đất, TPHCM còn nhận được hơn 458 tỷ đồng từ người dân để thực hiện mở đường, hẻm, các công trình công cộng. 

Sở TN&MT TPHCM nêu 2 mô hình tiêu biểu, cách làm hay điển hình của người dân thành phố giai đoạn trên tại quận Phú Nhuận và huyện Bình Chánh. Những dự án này đã góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị sôi động nhất cả nước.

Trong đó, tại quận Phú Nhuận, khi thực hiện dự án mở rộng đường Cô Giang, có hộ dân đã hiến gần 40m2 đất, tương đương một căn nhà có kích thước trung bình. Một điểm nổi bật khác của quận này là dự án mở rộng hẻm 162 Phan Đăng Lưu với đặc điểm ban đầu là ngoằn ngòeo hình chữ U, chiều rộng trung bình chỉ 2m, đoạn cuối hẻm chỉ rộng 1m.

Quận Phú Nhuận đã thực hiện hoán đổi từ đất của 4 hộ dân trở thành đường giao thông. Con hẻm cũ được nối thẳng ra hẻm 440 Nguyễn Kiệm, cân đối, sắp xếp và phân bổ giữa đất giao thông, đất ở để cho 4 hộ bị ảnh hưởng có thể xây lại nhà.

Huyện Bình Chánh là đơn vị có diện tích đất do người dân hiến cao nhất với gần 1,9 triệu m2, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng. Huyện đã điều chỉnh nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm vận động người dân đồng thuận tham gia phong trào.

Sở TN&MT cũng nêu một số khó khăn trong quá trình vận động người dân hiến đất mở hẻm. Tính đến nay, pháp luật chưa quy định cụ thể việc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm. Dù sở này đã tham mưu các phương án cho UBND TPHCM, tuy nhiên, các địa phương vẫn gặp khó khăn do thiếu những cơ sở pháp lý quan trọng.

Bên cạnh đó, tại một số quận, huyện, kinh phí đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp, chưa đủ khả năng hỗ trợ các hộ gặp nhiều thiệt hại. Một số nơi có đất hiến nhưng phải để lại, chưa thể thực hiện ngay.

Về mặt mỹ quan đô thị, nhiều căn nhà đầu hẻm, tiếp giáp mặt tiền đường lớn không được hưởng lợi từ mở rộng hẻm. Người dân gặp khó khăn bởi việc xẻ dọc, xẻ ngang căn nhà dẫn đến phá vỡ toàn bộ kết cấu, làm giảm giá trị phần đất còn lại.

Ngoài ra, một số nhà dân có diện tích nhỏ, số nhân khẩu đông, nếu mở rộng hẻm sẽ bị giải tỏa trắng hoặc chỉ còn diện tích rất nhỏ. Nhiều hộ là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, thu nhập hàng tháng rất thấp, hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện hiến đất khiến việc vận động giao đất lấy mặt bằng thi công còn kéo dài.